- Hương ơi! Xong chưa con? 
- Dạ con ra ngay đây ạ! Hương chỉnh lại bức ảnh chị Thiên cho ngay ngắn đoạn lấy ngón tay chạm nhẹ lên má trái của chị mà nựng nịu: Chị ở đây nhé! Để xem đàn "rái cá” miền sơn cước tập bơi. Nhìn tấm ảnh với ánh mắt yêu thương, Hương rảo bước về phía mẹ vừa cất tiếng gọi. Ở đó đã có mặt đông đủ các cô chú, anh chị đại diện lãnh đạo xã, xóm và rất đông các em nhỏ đang phấn chấn ngóng chờ. 
- Dạ thưa các cô chú, các anh chị và các em nhỏ. Hôm nay là một ngày hết sức đặc biệt đối với em, cháu và chị. Là ngày mà cháu, em và gia đình rất vui và hạnh phúc…! Chợt cổ họng Hương nghèn nghẹn khi thấy mẹ âm thầm chấm giọt nước mắt tuôn rơi...
Xong phần lễ, nhận những cái nắm tay thật chặt, những ánh mắt chan chứa niềm vui, niềm tin và cả niềm hy vọng, Hương thoăn thoắt đi về căn phòng nhỏ xinh ở ngay đầu bể bơi. Loáng cái Hương đã nai nịt gọn gàng trong trang phục của huấn luyện viên hướng dẫn các em nhỏ khởi động trước khi bơi. Giờ thì Hương thực sự phấn chấn và dành toàn bộ tâm trí cho đàn em nhỏ, những chú "rái cá" đáng yêu.
Ở làng Rậm con gái mười tám, đôi mươi đã lo lấy chồng rồi sinh con. Thế mà đã bước vào tuổi hăm lăm Hương vẫn cứ hệt như thời trẻ trâu vậy. Vốn là dân thể thao nên Hương sở hữu vóc dáng mạnh khỏe và làn da rám nắng. Nhìn dáng vẻ hơi… cứng, mấy bà, mấy thím bảo hay là nó nam tính quá không thích đàn ông??? Nghe vậy bố mẹ Hương cũng chỉ biết thở dài rồi xuê xoa: Chắc duyên chưa đến thôi ạ! 
Làm việc ở thành phố nên Hương ít khi về nhà. Thường kỳ nghỉ dài nhất của Hương là dịp Tết Nguyên đán, còn lại những ngày hè Hương ở lại thành phố để đi làm thêm. Có chuyên môn và kỹ năng sư phạm, mỗi độ hè về Hương lại vắt hết sức lực cho việc dạy bơi cho các em nhỏ. Thế nên cả kỳ nghì hè chắc Hương về thăm bố mẹ được khoảng chục hôm chia thành 2 - 3 lần. Mùa hè năm ngoái Hương đi dạy bơi suốt 2 tháng hè, trước khi trở lại trường làm việc mới về thăm bố mẹ được mấy ngày. Tắm táp xong Hương qua chỗ mẹ đang ngồi xem ti vi để hong tóc. Nhìn đứa con gái đen nhẻm, lúc nào cũng lùng thùng trong bộ đồ thể thao che hết vẻ nữ tính bà Lương sốt ruột: Con gái con lứa cứ thế này thì ai dám lấy hả con? Làm ít thôi, lo lấy tấm chồng đi để bố mẹ có cháu bế bồng.
Hương lẹ làng choàng tay ôm lưng, gối cằm lên vai mẹ thủ thỉ: Mẹ yên tâm! Con sẽ kiếm cho mẹ chàng rể tử tế, đẻ cho mẹ 2 đứa cháu thật xinh. Tha hồ bế! Nhưng trước khi lấy chồng con phải hoàn thành việc quan trọng này đã.
- Chị chỉ được cái vụng chèo khéo chống. Mà việc quan trọng ấy là việc gì thế? 
- Việc để tạ lỗi với chị mẹ ạ! Con muốn làm gì đó để chị được vui!
- Hả!!! Chị!!!… Bà Lương lắp bắp như người hụt hơi.
Thấy mẹ rơi vào trạng thái chao đảo, mất bình tĩnh, Hương đổi tư thế đưa tay vuốt ngực mẹ trấn an. 
- Mẹ phải bình tĩnh thì con mới trình bày kế hoạch được.
- Ừ! Mẹ không sao, con nói đi. 
- Con muốn xây cái bể bơi chỗ bãi Thăm mẹ ạ. Nhỏ thôi! Đủ cho bọn trẻ con trong làng tập bơi. 
- Bãi Thăm, dưới chân núi Vòng?
- Vâng! Sau tiếng vâng là khoảng lặng để 2 mẹ con cùng hướng về một phía, thậm chí là một điểm cụ thể. Đó là nấm mồ nho nhỏ bên sườn núi Vòng - chị Thiên nằm đó bên triền lau ngút mắt. Vì cứu Hương thoát khỏi vòng tay hà bá mà chị Thiên phải rời xa căn nhà êm ấm để nằm một mình lạnh lẽo nơi này. Đã 15 năm trôi qua, nhưng giây phút kinh hoàng ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Hương. Giá hôm đó em không ra suối tắm! Giá chị biết bơi! Giá như và giá như!!! Có hàng chục câu "giá như” được Hương đặt ra mỗi khi nghĩ về khoảnh khắc đau buồn ấy để rồi dằn vặt, cắn rứt tâm can.
Khi trưởng thành rồi Hương mới hiểu: Dẫu có nhắc cả ngàn câu "giá như” cũng chẳng thay đổi được gì. Người chị gái thân thương không thể trở về và nỗi day dứt của người ở lại cũng không thể vợi đi. Chi bằng hãy "biến đau thương thành hành động”. Và rồi Hương lấy đó làm động lực để thi vào trường đại học thể dục thể thao. Sau khi tốt nghiệp Hương thi tuyển vào làm giáo viên một trường trung học cơ sở ở thành phố. 
Trở thành "rái cá” thực thụ rồi, Hương muốn có một đàn "rái cá" để đồng hành, thích nghi với điều kiện sống ở làng Rậm - rốn lũ luôn phải hứng chịu thiên tai này. Hơn 3 năm nung nấu ý nguyện và chuẩn bị các điều kiện, Hương đề đạt với bố mẹ về việc phổ cập môn bơi cho lũ trẻ trong xóm. 
- Mẹ hiểu rồi con gái. Nhưng ngặt nỗi nhà mình không dư dả.
- Cái đó mẹ yên tâm! Mấy năm nay con làm việc chăm chỉ đã dành được ít tiền đủ để xây bể với cả nhà tắm tráng, nhà vệ sinh đàng hoàng mẹ ạ. Trước mắt con sẽ dạy cho bọn trẻ tập bơi để phòng, chống đuối nước. Vào năm học mới con đi làm mẹ nhờ anh Bình nhà bác Linh sang trông coi giúp. Anh ấy là giáo viên tiểu học chỉ dạy thể dục vào buổi sáng, buổi chiều có thời gian. Con đã ướm thử rồi, anh ấy sẽ đồng hành mẹ ạ. Sẽ tốn kém. Nên buổi chiều mẹ đóng cửa quán rồi ra đó bán nước chanh, nước mía, trà sữa, bim bim… thu phí người lớn có nhu cầu bơi để rèn luyện sức khỏe. Lấy tiền đó để chi trả tiền điện, nước, vệ sinh… khi vận hành bể bơi. Cái chính là con muốn chị nhìn thấy đàn "rái cá” trong làng mình vùng vẫy thách thức hà bá mẹ ạ!
Tròn 1 năm kế hoạch của Hương được bố mẹ duyệt và trực tiếp triển khai, khu bể bơi được hoàn thiện. Hương rời phố về quê để huấn luyện cho lũ trẻ biết bơi lội. Một sự khởi đầu mới được thắp sáng bởi niềm tin và hy vọng ở ngôi làng nhỏ bé này sẽ không còn tai nạn thương tích xảy ra mỗi mùa mưa lũ về. 


Truyện ngắn của Lam Nguyệt

Các tin khác


Mùa hè tuổi thơ

Một ngày nhận được 2 tin nhắn của hai người bạn. Một người là bạn từ thời ấu thơ: "Hè này, mình cho bọn trẻ về quê một tuần. Cậu về không? Để còn tắm sông và hàn huyên bạn bè?”. Còn người bạn làm cùng cơ quan lại là tin nhắn hồi đáp cho lời mời đi pic-níc ở ngoại ô thành phố: "Không đi được đâu ông ơi. Con bé lớn phải học hè rồi. Sắp tới còn phải thi vào lớp chọn, lớp chất lượng cao. Đợt này phải tăng tốc môn tiếng Anh, Toán, Văn…”, "Thế không cho nó nghỉ hè à?”. Đáp: Có chứ, nhưng từ từ đã...

Lá thư của bác tôi

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Tôi tập mãi mà chưa viết đẹp được như chữ của bác cả. Tôi học kiểu chữ viết ấy từ lá thư của bác. Gọi là thư nhưng nó chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy học trò, phần chính giữa lại bị mối xông, chỉ còn hai bên như cánh chim bồ câu đang chấp chới bay. Chút bút tích ấy là tất cả những gì còn lại một đời người.

Vọng biển

Không phải họ hàng nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp này tôi đều được gia đình anh Hoá mời dự đám giỗ. Vì gia đình anh và bố mẹ tôi có mối thâm tình hàng chục năm nay. Giờ hai gia đình chỉ còn các bà cũng gần 90 tuổi.

Tiếng đàn...

Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.

Ở hiền...

Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Sau lưng ta một miền ký ức

Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục