Tàu xình xịch chuyển bánh rời ga Hà Nội hướng về phương Nam. Lần đầu tiên được ngồi tàu hỏa, Kiên háo hức xen lẫn bồi hồi. Nhưng vui và hứng khởi hơn cả là chuyến đi này được đồng hành cùng ông nội. Niềm vui đến sớm hơn cả ước mơ. Chuyện là khi nhận giấy báo vào đại học, ông động viên hãy chăm chỉ học tập, khi nào tốt nghiệp ông sẽ thưởng cho một chuyến du lịch từ Bắc vào Nam. Ông chỉ nói vậy, còn vì sao phần thưởng lại là một chuyến đi thì Kiên chưa hiểu. Cậu thầm đoán, mình học lục quân, ông nội đưa đi thăm chiến trường xưa nơi ông đã chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc, đấy chẳng phải chuyến đi thực tế đầy bổ ích cho một sinh viên đại học quân sự sao?

Sau mỗi lần giảm tốc độ vào ga thì toa xe lại chật thêm một chút. Kiên thu người nhường chỗ cho một chị bế con nhỏ vừa lên. Loang loáng trước mặt là phố sá, ruộng đồng tuần tự như những khuôn hình của thước phim phong cảnh chạy qua. Ông Thái ngả người thư giãn. Trong sâu thẳm tâm hồn người lính già vẫn luôn phảng phất nỗi niềm chiến tranh cùng sự tàn khốc của nó và những mất mát đồng đội.

- Ông ơi, tàu vào ga rồi, mình chuẩn bị hành lý thôi ạ! - Tiếng của Kiên kéo ông vềhiện tại.

- Vậy à? Tàu tốc hành có khác, nhanh thật!

Hai ông cháu bước xuống sân ga. Đi về phía cây bằng lăng tím, ông rút điện thoạigọi: A lô! Ông Ninh à? Đoàn mình giờ đang ở đâu rồi. Vâng! Tôi vừa xuống ga Đông Hà. Vậy thì lịch trình sẽ không có gì thay đổi. Vâng! Chào ông.

Đến khách sạn cũng vừa kịp giờ nhận phòng, ngả lưng thư giãn một chút rồi ôngThái thông báo lịch trình cho cháu: "Ăn cơm trưa xong nghỉ ngơi đến 15 giờ mình đi dạo, thăm phố phường rồi sáng mai lên Thành cổ. Ông đã hẹn gặp các chú, các bác đoàn cựu chiến binh quê mình ở đấy rồi”. "Vâng ạ!". Kiên trả lời ông mà không khỏi áy náy, chỉ vì đợi cậu thi học phần mà ông phải đi sau đoàn cựu chiến binh 2 ngày. Cũng vì vậy mà ông lỡ mất dịp thắp hương đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn.

Buổi tối, Kiên định xin phép ông đi tìm nhà Minh bạn cùng trường đại học, nhưng lại không nỡ để ông ở lại một mình nên đã gọi điện cho Minh đến. Thoáng qua, ông Thái có cảm giác khuôn mặt Minh quen quen mà không hiểu vì sao. Đến khi nhìn thấy chiếc đồng hồ Minh đeo thì ông nhíu mày tư lự, sao thằng bé dùng cái đồng hồ cũ thế, lại còn xấu nữa, nó không hợp với cánh trẻ chút nào. Ông nghĩthế và ý nghĩ ấy càng gợi thêm trí tò mò nên buột miệng:

- Này cháu! Cho ông hỏi cháu có bán cái đồng hồ này không? Minh trả lời dứt khoát đến độ gần như là khiếm nhã:

- Không bao giờ! Vì đây là kỷ vật của ông cháu để lại, niềm tự hào của cả gia đình cháu.

Ông Thái thoáng chút lúng túng về sự đường đột của mình:

- Ông xin lỗi! Có lẽ ông đang xúc động! Cháu cho ông xem được không?

- Vâng ạ!

Minh tháo đồng hồ đưa cho ông Thái. Trân trọng như đón lấy báu vật, ông nhanh chóng nhận ra vết xước trên mặt kính gần chữ số 12, giọng run run:

- Đúng rồi! Đây là đồng hồ của ông Cảnh, bạn chiến đấu của ông. Có phải ông cháu là Đào Hồng Cảnh?

- Vâng, cháu là cháu nội.

- Trời ơi! May quá! Suốt đêm qua ông trăn trở không biết làm cách nào để tìm được gia đình cháu!

- Nhà cháu ở gần đây thôi ạ! Phường Một, đường Lê Thế Hiếu. Thỉnh thoảng bà cháu vẫn nhắc đến tên ông.

"Cảnh ơi! Có phải em về phù hộ cho anh không? Anh nhớ em và đồng đội nhiều lắm!". Ông Thái rì rầm như đang khấn trước vong linh người đã khuất, rồi chậm rãi kể lại cuộc đời quân ngũ cho hai đứa cháu cùng nghe.

Đồng đội ông ban đầu là những người xa lạ, đa phần sinh ra và lớn lên từ những vùng quê nghèo khổ, cơ cực, mang bản chất hồn nhiên, chất phác của người thôn quê, theo tiếng gọi của Tổ quốc mà lên đường nhập ngũ, cùng được biên chế vào một đơn vị, rồi trở thành đồng đội, đồng chí của nhau. Ông và ông Cảnh cùng một tiểu đội, lại có những nét tương đồng về hoàn cảnh nên nhanh chóng thân thiết. Hai ông luôn sát cánh bên nhau trong những phiên gác, những lần đi trinh sát hay cả khi ngủ rừng bên cánh võng. Có lần trung đội trưởng bảo: "Hai cậu vợ con cả rồi mà cứ như đôi chim câu”.

Trung tuần tháng 4/1975, khi nhận được lệnh hành quân "thần tốc” thì các đoàn xe gồm nhiều quân binh chủng từ Tây Nguyên đổ xuống, Quảng Trị, Thừa Thiên Huể tràn vào. Bạt ngàn cờ, xe thừa thắng sốc tới. Chiều 29/4, đơn vị ông nhận lệnh tiến vào cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Đạn pháo ùng oàng, khói súng mù mịt. Siết chặt khẩu AK trong tay, ông men theo bức tường rào biệt thự tìm vị trí quan sát. Ông Cảnh rón rén từng bước một, thì thầm: "Anh ơi hình như mình đang ở gần Sài Gòn rồi”. "Tôi cũng đoán vậy, chắc chỉ vài chục cây số”. "Vậy là chúng ta sắp chiến thắng, miền Nam sẽ giải phóng, quê hương sẽ yên bình. Em nhớ quê quá! Nhớ ngày nhập ngũ cả làng ra sân kho hợp tác xã tiễn đưa. Ai cũng bảo em nhất định phải trở về. Ngày ấy sắp đến rồi! Sắp rồi!”. Thời khắc bỗng thoáng qua bởi loạt đạn rít ngang đầu. Ông Cảnh gục xuống trên tay ông, máu loang cả áo quân phục mà vẫn gắng gượng một nụ cười: "Anh nhất định phải vào Sài Gòn thay em và những đồng đội đã hy sinh nhé!”. Ông chỉ biết gật đầu khẽ lau nước mắt và nói lời vĩnh biệt.

Sáng 30/4, đơn vị ông nhận lệnh hành quân gấp từ quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51) tiến về Biên Hòa. Khi đến cửa ngõ Sài Gòn, không khí huyên náo nhưng không hề hỗn loạn. Trên các tuyến đường cờ, xe Giải phóng dồn dập tiến vào trung tâm thành phố. Bộ đội hô to "Dương Văn Minh đầu hàng rồi, Sài Gòn giải phóng rồi!”. Đến trưa thì lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Ông đứng giữa biển người reo hò chiến thắng, trong lòng là hình bóng ông Cảnh - người đồng chí, đồng đội, người em thân thương nhất của ông đã không còn nữa.

- Các cháu ạ! Chiến tranh ác liệt có thể tàn phá mọi vật chất và phương tiện kỹ thuật, nhưng không thể đè bẹp được sức mạnh tinh thần của người chiến sỹ yêu nước và khát khao niềm tin chiến thắng. Minh ơi! Ông nội cháu là một người như thế. Cháu có quyền tự hào và hãy sống cho xứng đáng với niềm tự hào ấy!

Kiên và Minh ngồi im phắc chăm chú lắng nghe, đồng thanh đáp: Vâng ạ!

Đêm xuống, nhịp sống phố sá chậm dần trong ồn ào xe cộ, trằn trọc không sao chợp mắt, ông Thái ngẫm về thế sự. Ngoài kia còn biết bao người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Đấy là nơi đầu sóng ngọn gió ngoài biển đảo, là nơi biên giới xa xôi vẫn có những người lính âm thầm ngã xuống vì cứu một em nhỏ giữa dòng nước lũ, hay truy bắt tội phạm trong đêm khuya. Rồi biết bao chị em có chồng, con là bộ đội vẫn lặng lẽ hy sinh tình cảm riêng tư để họ yên tâm công tác, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang. Nhớ lại bức chân dung ông Cảnh với nụ cười dịu hiền, trong sáng cùng chiếc mũ tai bèo trên đầu, ông không sao cầm nổi nước mắt: "Ông Cảnh ơi! Thật là may mắn tôi đã tìm được ông rồi. Hãy yên nghỉ nhé. Tôi sẽ cùng các cựu quân nhân ngoài quê đến dự lễ tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sỹ bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi sẽ dẫn hai thằng cháu cùng đi, ông cũng có mặt nhé!”. Lời nguyện thầm của ông Thái như hoà cùng những vần thơ của tác giả Lê Bá Dương: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.



Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa

Các tin khác


Tìm thấy niềm vui

Tôi may mắn lớn lên trong những năm tháng sau chiến tranh nên được sống trong sự thanh bình và náo nhiệt của một đất nước đang chuyển mình. Tuy nhiên, mẹ vẫn không quên dạy tôi rất nhiều điều để không được lãng quên truyền thống. Tôi rất tự hào với bạn bè vì điều đó. Mọi người đến gia đình tôi nhìn ngôi nhà cổ và đồ đạc trong nhà không thể biết rằng, những năm tháng chiến tranh gia đình tôi đã phải sơ tán về vùng miền núi Tây Bắc. Người dân miền núi hiền lành, chất phác, có bàn tay khéo léo, chăm chỉ.

Mùa Xuân lặng lẽ

Ngày còn học đại học, Hải không hiểu sao các bạn lại không chọn quê hương mình làm điểm đến trong những lần cả lớp đi du lịch.

Màu hoa ấy

Năm nay, cây đào ở chái nhà ông Đức được cả phần nụ và lộc. Nhìn những búp to, đỏ tươi, biết ngay là xuân sắc đang về. Nhưng các con cháu trong nhà lại thấy ông có vẻ trầm tư hơn ngày thường. Từ ngày bà về với tổ tiên, 10 năm nay, ngày Tết ông chẳng đi đâu xa, cứ loanh quanh nhà cửa, vườn tược chăm bẵm hàng thược dược, khóm vi-ô-lét mà bà ngày xưa ưa thích.

Sao hơi một tý là "đấm", "đạp", "thụi" vậy…

Đang ngồi nghe hát chèo, tiện thể nhặt mớ rau cải chuẩn bị cho bữa chiều, bà M giật thót người khi thấy chị hàng xóm bậm bạch chạy sang. Khuôn mặt chị khá nghiêm trọng, giọng hổn hển, nhưng chứa đầy sự bực bội, bất bình:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục