(HBĐT) - Con phố như được kéo dài ra hun hút bởi hai hàng cây xà cừ và sấu già. Mùa này đang bắt đầu thay lá, chúng thi nhau trút xuống đường biết bao nhiêu là lá. Phố tĩnh lặng. Chiều tĩnh lặng và dường như còn bao nhiêu sự thừa thãi của yên ắng nữa đã ném tất vào ngôi nhà 4 tầng cao ngất nơi đầu phố. Ngôi nhà dường như bị bỏ hoang và đang say ngủ.

 

Nhìn bề ngoài chẳng ai biết trong ngôi nhà tưởng chừng hoang vu ấy đang có những 4 nhân khẩu. Nếu tính thế hệ thì đến giờ vẫn giữ được tròn 3 thế hệ trẻ, già. Trong ngôi nhà ấy, những con người ấy đã tạo cho riêng họ một thế giới rất riêng. Ngay cả lời ăn, tiếng nói cũng dường như xa lạ - khác biệt đến nỗi họ không thể nhận ra nhau mặc dù cùng bàn ăn, thậm chí cùng chăn đắp...

Câu chuyện bắt đầu từ ông Huấn, thế hệ già nhất ngôi nhà. ông sinh ra và lớn lên, đến khi lấy vợ, có con cũng chỉ quẩn quanh ở vùng đồi núi này. Ký ức của ông chẳng gì ngoài những thửa ruộng bậc thang dạt dào sóng lúa.

Cuộc sống đang yên ả, sau cơn bạo bệnh, vợ ông mất sớm để lại cho ông đứa con trai thơ dại. Đêm đêm, lòng ông như có hàng ngàn, hàng vạn bó gai mây cào xé rồi sát muối vào khi vừa nựng, vừa lóng ngóng dí thìa sữa lỏng toẹt vào miệng đứa con đang khóc ré lên vì khát sữa và thèm hơi ấm của mẹ. Bằng tình thương của cả cha lẫn mẹ, mồ hôi bao nhiêu năm cật lực, lăn lộn trên đồng ruộng, bằng những hạt thóc còm cõi những ngày giáp hạt và biết bao tháng ngày tha hương làm thuê, làm mướn để dồn hết cho con. ông thầm cảm ơn trời, phật đoái thương đến cảnh gà trống nuôi con mà cho thằng con trai duy nhất của ông khỏe mạnh, học hành tử tế, có chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Đời ông như thế cũng mãn nguyện.

Từ ngày thị xã miền núi này được quy hoạch lên thành phố hạng ba, thằng con tậu được nhà, lấy vợ rồi sinh con và nuôi dạy thằng cháu đích tôn của ông cũng theo kiểu... thành phố. Một ngày nọ, vợ chồng con trai về giục ông bán đất cát ở quê để lên thành phố sống. ông cũng lấn cấn mãi vì nếu ông đi sẽ bỏ lại bà một mình quạnh quẽ mà đưa bà đi theo thì chắc gì bà đã ưng lại còn mồ mả cha ông nữa biết lấy người nào hương khói. Hình như đứa con cũng đoán được suy nghĩ của bố, nó lập tức triệu tập một buổi họp họ bàn về vấn đề sửa sang mồ mả tổ tiên và dùng các ông chú, bà thím để ép ông lên thành phố. Làng xóm bảo ông sướng, có thằng con làm ăn khá giả, giờ trở về quê quán báo đáp ơn nghĩa họ hàng và hiếu đễ với bố hết mức. Sau tiệc rượu, ai cũng ngà ngà say, đứa em ruột ông chếnh choáng tuyên bố: “Thế là quyết định xong, bác cả sẽ chuyển lên thành phố ở. Vài mét vuông vườn với cái nhà cũ này bán đi. Còn mồ mả cha ông, chúng em ở quê sẽ lo liệu những ngày lễ, hôm rằm. Phần công cán bác không phải suy nghĩ cho nhọc thân. Cậu nhà đã chu toàn tất cả...”.

Mới sáng sớm, ông Huấn bị kẻng gọi đổ rác gõ vào tai nên đành gượng dậy. Cảm giác đầu tiên là ông ngỡ mình bị bắt cóc lên cái nơi ồn ào này mà người ta gọi là phố thị này. Ra đường, nhà nào, nhà ấy đóng cửa im ỉm, chẳng chơi bời bạn bè gì với ai. Hôm mới lên, ông nghĩ cũng nên đi quanh quanh chào hàng xóm, láng giềng cho phải phép, còn sống với nhau về lâu về dài, tắt lửa, tối đèn có nhau. Nghĩ vậy, nhân lúc chiều rảnh rỗi có quà quê, ông sang ngôi nhà đối diện thăm hỏi. Gõ cửa mãi mới thấy một người đàn ông bước ra nhìn ông nghi hoặc:

- Trò trống gì mà đấm cửa nhà người ta ầm ầm như có hỏa hoạn thế? Không nhìn thấy chuông lù lù kia à mà phải đấm. Thu tiền rác hả?

- ấy xin lỗi bác, tôi...

Bà vợ chạy ra đỡ lời chồng

- Xin lỗi cụ quá, nhà cháu không biết. Đây là cụ nhà bác Tuất đối diện nhà mình.

- Thế à, mời cụ vào nhà uống nước...

- Thôi các bác ạ! Hôm qua tôi mới ra, sang biếu bác mấy con ếch gọi là của quê kiếm được. Tôi về, rỗi mời các bác sang  nhà chơi.

Thấy vậy, bà vợ giật lùi thốt ra câu “eo khiếp” nho nhỏ rồi đi vào nhà. ông chồng nhón tay cầm túi ếch rồi đóng cửa lại. Đi rồi ông còn nghe thấy tiếng anh chồng nói vọng ra “ông cụ nhà Tuất ngộ nhỉ?!”.

Tối về nghe chuyện, thằng con trai bảo ở phố sống khác ở quê. Bố cứ làm như thế người ta không những không quý mình mà còn khinh cho là không biết sống theo kiểu thành phố. ông thấy như thế là vô lý lắm. Con người sống với nhau phải có phường, có hội. Chả vậy mà ngày xưa các cụ dạy bán anh em xa, mua láng giềng gần là gì. Người ta sống thế nào kệ người ta, cốt là ở mình chân thành. Vào những ngày rỗi rãi, ông vẫn thường đi đến nhà nọ, nhà kia chơi bời để lấy tình cảm làng xóm. Nói mãi mà ông chẳng chịu nghe, thằng con trai mặc kệ không thèm nói nữa. Chỉ dặn “bố đi đâu thì đi, làm gì thì làm nhưng đừng để mang tiếng là thấy sang bắt quàng làm họ”. ông cáu tiết vặc lại: “Kệ tao, tao còn đẻ ra mày”.

Con phố chỉ nhốn nháo lên ít hôm vì có một ông già hay đến nhà nọ, nhà kia chơi rồi thỉnh thoảng lại cho quả bưởi, cân gạo nương làm quà, lâu dần cũng thành quen rồi trở lại cái bình yên cố hữu “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” như cái ngày mới lên thành phố.

Bỗng một ngày, đầu ngõ cuối phố chộn rộn hẳn lên cái câu chuyện ông cụ nhà Tuất có bồ, mà bồ của ông ấy là một đứa con gái chỉ bằng tuổi cháu mình. Vừa đi làm về, thằng con trai đã nghe tiếng vợ như lệnh vỡ choang choác đôi co với bố chồng:

-  Ông già rồi, phải biết giữ mẫu mực cho con cho cháu. Đừng để thiên hạ người ta cười vào mũi chúng con.

- Chị ăn nói cho phải phép, tôi làm gì mà người ta cười vào mũi nào. Hay chỉ tại cái chuyện tôi đến nhà này, nhà khác. Thế thì tôi không đi nữa là được chứ gì!

- Có mỗi thế thì con nói làm gì. Thế bố cho cái con ranh con ấy bao nhiêu tiền rồi? Bố tưởng kiếm được đồng tiền thời buổi này là dễ như bố đi bắt ốc ở quê ấy hả?

- Tôi cho con nào? Đứa nào bảo thế?

- Bồ của bố chứ ai! Già rồi lại còn...

Thấy chồng về, Lan cầm túi đựng vỏ hoa quả vứt đánh xoạch vào sọt rách rồi hậm hực đi vào bếp. Giữa nhà, chỉ còn lại hai người máu mủ đứng trân trân nhìn nhau, nửa như cầu cứu, nửa như nghi hoặc… Không gian bỗng trở nên mênh mông không còn chỗ bám víu. Ai về phòng nấy, bữa cơm trưa nguội lạnh!

Tình hình giữa nàng dâu và bố chồng càng ngày càng căng thẳng. Đã nhiều lần ông định bụng bỏ cái nơi đầy thị phi, đơm đặt này để về quê. Nếu về quê, thể nào thiên hạ cũng bảo ông ăn ở chẳng ra gì nên con cái nó đuổi, đến con đẻ mà không sống được thì còn sống được với ai?! Đất đai, nhà cửa đã sang tên, đổi chủ hết cho thằng con mà nó cũng lên kế hoạch bán chác gì đó. Quãng đời còn lại của ông cũng có dài được bao lăm, thôi thì một điều nhịn chín điều lành cho nó yên nhà ấm cửa. Nghĩ vậy, ông ngậm ngùi ở lại, thui thủi như chiếc bóng trong ngôi nhà. Trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, nước hoa xịt phòng lúc nào cũng thơm nưng nức, có những con người sạch sẽ và học thức, ông thấy mình trở thành một thứ cổ quái, vô giá trị.

Thời gian nặng nề trôi đi. Thấm thoắt lại đã đến mùa thu. Hàng cây dọc hai bên con đường lại thi nhau rây xuống mặt đường những chiếc lá già cỗi. Nửa đêm khó ngủ, ông Huấn lần ra góc sân kiếm điếu thuốc lào hút vài điếu cho đỡ nhớ quê. Đang khoan khoái nhả khói, ông chợt nghe thấy vợ chồng thằng con trai to tiếng. Ban đầu ông chỉ nghĩ là công việc làm ăn thây kệ vợ chồng nó, sau dần ông lại thấy hình như đứa con dâu có động chạm đến mình:

- Tổng diện tích đất bố anh để lại cho không bằng chỗ con mèo giãy chết. Tôi tưởng được đền bù kha khá thì tôi mới nhịn nhá. Biết thế này, tôi có mà thèm vào nuôi báo cô.

- Giá đất đang xuống, bán thế chứ như nào nữa. ông cụ cũng già rồi, sống được mấy mà cô...

- Cái ngữ anh nuôi mồm chả đủ, còn bày đặt chuyện hiếu nghĩa... Không có con này, ông cháu, bố con ăn ra đường ăn xin tất. Thế mà vẫn có người mang tiền đi cho gái cơ đấy, gớm chửa!

- Cô bé cái mồm không ông cụ nghe thấy...

- Nghe thấy thì đã sao? Già rồi mà còn... không chịu nổi nữa là con này đuổi...

Giọt nước tràn ly, trong tâm trí ông Huấn như có cái gì đó vỡ vụn. Người già hạt lệ hiếm hoi lắm, có cố vắt, cố nặn cũng chẳng ra, thế mà hôm nay ông Huấn bưng mồm bật khóc như đứa trẻ trong lúc đói, bị người ta cướp mất mẩu bánh cuối cùng. Sau cơn nức nở, ông thờ thẫn trở lại gian phòng của mình và thắp cho vợ nén hương, gói ghém mấy bộ đồ cũ rồi lẳng lặng ra đi. Lần cuối cùng nhìn lại ngôi nhà mờ nhạt trong màn sương đêm thu se lạnh, phòng đứa con trai vẫn sáng đèn với hai cái bóng đi lại in trên rèn cửa sổ. Có lẽ chúng nó vẫn đang cãi vã nhau về sự thiệt hơn, cân đo, đong đếm giữa số tiền kiếm được khi bán mảnh đất hương hỏa và khẩu phần ăn của ông hàng ngày cho đến khi chết. Lầm lũi đi trong ánh đèn đường heo hắt vàng vọt, bóng ông đổ dài, xiêu vẹo trên rây rắc xác lá khô úa. Con đường phía trước ông Huấn như được kéo dài ra vô tận trong bóng tối.

Bẵng đi hơn một năm tìm kiếm hết quê hương, người quen thân thích mà không thấy ông đâu, đứa con trai bàn với vợ báo công an về cái sự mất tích không nguyên nhân của ông. Cô vợ kịch liệt phản đổi:

- Vật vã mãi mới nhấp nhỉnh sắp ngoi lên được cái giám đốc. Người ta đang tìm sơ hở của anh để tung hê, tự dưng bố đẻ bỏ nhà đi, liệu anh có còn cơ hội được sờ vào cái tai ghế ấy nữa không?

- Nhưng tôi biết ăn nói với họ hàng, làng xóm ra sao? Gì thì gì cũng là bố tôi - Anh chồng cự nự.

- Thế giờ anh chọn bố hay cái ghế của anh?

- Ghế tôi có thể có hoặc không nhưng người đẻ ra tôi thì tôi không thể chối bỏ!

- Bố mẹ đi tìm ông về đi! ông không mang bưởi ở quê lên, mẹ toàn mua bưởi đểu, ăn đắng như thuốc cloxít - Đứa con trai phụ họa.

- Thế thì  mặc xác bố con nhà anh, mai tôi đi công tác độ hơn tháng... Đừng có mà gọi điện ỷ eo với tôi.

Nhà dưỡng lão thanh bình, cũ kỹ và già nua nép mình dưới tán cây cũng cổ thụ và già nua như thế. Ông Huấn ngồi lặng yên trên ghế đá, mắt nhìn xa xăm như chẳng ai có thể cắt ngang dòng suy nghĩ của mình. Đứa con trai đang cố nài nỉ ông về. Nó kể lể là cháu nhớ ông nội. Vợ nó đã bỏ đi với người khác, tuần tới ra tòa ly hôn. Gia đình giờ đang lộn tùng phèo như canh hẹ, nó muốn bố trở về làm điểm tựa để vượt qua giai đoạn sóng gió này. Bất chợt ông lên tiếng:

- Tôi đang định báo cáo ban giám đốc xin một góc nhỏ trong phòng đặt bát hương mẹ anh. Mộ phần dưới quê, ngày trước anh chị lo chu toàn cả rồi.

- Bố thương con, thương cháu về nhà đi bố ạ! Con có địa vị nhất định, người ta nhìn vào!?

- Việc gì anh sợ mang tiếng? Về mà chăm nom cho con cái nó phương trưởng, có đi bước nữa thì cũng phải chọn  người biết lễ nghĩa trước sau. Hậu vận anh nó nằm cả ở con anh đấy...

Thời gian như ngừng trôi. Một lúc lâu, Tuất buồn bã đứng dậy từ biệt bố:

- Bố quyết định vậy cũng đành. Lúc nào rỗi, con đưa cháu vào thăm ông...

Đứa con trai ra về như thể nó chạy trốn tội lỗi không thể tha thứ mà nó vừa gây ra. Hai hàng cây ven đường với những bộ rễ xù xì găm sâu vào lòng đất -  như những ngón tay gầy gộc bóp chặt lấy trái tim tưởng chừng như trơ lỳ về cảm xúc của nó. Một thứ xúc cảm khó gọi tên được đánh thức ùa về, nó thèm được trở lại thời thơ bé, khi mà bố cưng nựng trên tay và đút cho nó từng thìa sữa đi xin hàng xóm. Nó muốn gào lên: “Bố ơi, bố tha tội cho con...”. Nó ngoảnh lại, chỉ thấy bóng một ông cụ đang lặng lẽ khuất dần sau cơn mưa lá khô úa vàng. Nó cũng đâu biết rằng, những nếp nhăn trên một khuôn mặt khắc khổ bởi thời gian, của sự lao động và chịu đứng quá sức cũng đang co giật, bóp nặng ra hai hàng lệ ướt nhòa và ấm nóng.

 

 

                                                          Hoàng Dương

                                             (Phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn)

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Vết sẹo

(HBĐT) - Mới sớm mà ông Nghị đã nhấp nhổm, thay bộ quân phục vẫn nguyên nếp đã lâu ông không mặc. ông dặn với bà “Tôi đi gặp mấy ông bạn để chuẩn bị cho ngày thầy thuốc Việt Nam, chiều mới về, bữa trưa bà đừng chờ cơm”.

Anh lính biển với ngày tình yêu

(HBĐT) - Đêm nay, ngày tình yêu trên biển đảo trăng vàng rực sáng và anh đã ra đây bảo vệ biển đảo quê hương.

Hoa xuyến chi

(HBĐT) - Tháng chạp. Mưa phùn gió bấc triền miên. Ngày nào cũng vậy, phải tới hơn 9 giờ sáng, ông mặt trời mới ló ra khỏi đám mây dè dặt ban tỏa ánh nắng xuống trần gian. Cánh đồng làng De lác đác vài bóng người. Một phần vì rét, phần nữa là từ ngày máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, địa phương quán triệt hạn chế tụ tập đông người. Công việc đồng áng, ai thuận giờ nào thì làm giờ ấy, bất kể sớm, trưa.

Đào thắm

(HBĐT) - Bà lặng lẽ đi ra vườn, thẫn thờ ngắm gốc đào đang mùa ủ nụ. Năm nay đào ra nhiều nụ mà nụ nào cũng to, cũng đẹp. Bà tưởng tượng đến đầu xuân một cây đào thắm nở bung, rực rỡ cả khu vườn.

Nụ cười của lính

(HBĐT) - Bến xe Chiềng Vãng một sáng mùa đông giáp Tết. Sương mù giăng giăng, người ra bến xe đều trùm đầu, đội mũ kín. Khách phương xa về xuôi ăn Tết, lỉnh kỉnh những túi xách, ba lô, vừa đi, vừa thở ra hơi như những làn khói.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục