(HBĐT) - Nắng chiều như rướn lại để kéo dài chiếc bóng lụm khụm của bà Sáu, bà lụi cụi chất củi vào bếp, lửa cháy đỏ rực, nồi luộc măng sôi sùng sục. Mấy hôm nay trời tạnh ráo, nắng hanh, mẹ Điệp lên rừng hái về những búp măng nứa, đặt sọt măng xuống, mẹ nói với Điệp:

 

- Mùa măng rừng, sau cơn mưa, măng mọc lên tua tủa, hái ít măng luộc, buộc thành mớ để mai bà đi chợ bán kiếm thêm ít tiền mua quà trung thu và giấy bút năm học mới cho hai chị em. Cái Điệp năm nay bước vào lớp 6, em Trường lớp 1. Mẹ cặm cụi ruộng nương, bà nhặt nhạnh vườn tược nuôi con gà, con vịt. Bố Điệp làm nghề thợ xây theo công trình đi xây dựng ít khi về nhà, lúc dành dụm được đồng tiền, tranh thủ mang về cho vợ nuôi mẹ, nuôi con. Cả nhà đều lam lũ, ở tuổi nó, lúc rỗi cũng phải đi kiếm củi, vác nước, em nó cũng phải quét nhà, nhặt rau. Bà hay lấy lời già dạy cháu:

 

- Có làm mới có ăn mà làm thì   mới quý cái ăn. Kiếm đồng tiền của con nhà nghèo là vất vả lắm con ạ nhưng được đồng tiền nào là sạch sẽ đồng ấy.

 

Điệp hiểu lờ mờ những điều bà nội nói, còn em nó chẳng hiểu gì cả nên mặc bà nói, nó cứ hồn nhiên, vô tư. Bà đi chợ về có đồng quà, tấm bánh cho là nó mừng, bố lâu ngày về, thương con trai có lúc cưng chiều cõng nó lội suối, qua nhà hàng xóm chơi, nó thích lắm. Ngồi trên lưng bố, nó sờ vai u, bàn tay sần. Nó hiểu nhờ sự chai sạn đó mà bố nó lao động kiếm tiền về nuôi chị em nó ăn học, thương bố, nó vuốt tóc bố, kêu lên:

 

- Bố ơi, tóc bố đã có một vài sợi bạc.

 

Nghe con nói, bố nó ậm ừ cho qua chuyện.

 

Sắp đến Tết Trung thu, bà nội nó cứ lầm lũi ít nói, ra vườn hái quả bưởi, quả na, chùm nhãn “cây nhà, lá vườn” đặt lên bàn thờ thắp hương cúng ông nội nó. Qua di ảnh, nó biết ông nội nó là bộ đội bảo vệ biên giới phía Bắc hy sinh khi nó chưa ra đời. Thằng Trường nghĩ giản đơn, Tết Trung thu có hoa quả, có hộp bánh trung thu, chiếc đèn ông sao là đủ đón Tết tươm tất rồi.

 

Luộc xong nồi măng, đổ vội ra rổ, đợi ráo nước, bà và mẹ tỉ mẩn ngồi buộc thành từng bó, cứ ba búp măng được một bó. Buộc xong, tính tất cả được 90 bó, mẹ lót lá vào hai sọt nứa để sáng mai bà đi chợ sớm.

 

Bà quẩy 2 sọt trên lưng người già, Điệp thấy thương bà quá. Nhìn mãi theo bóng bà đi khuất sau hàng dâm bụt, Điệp mới vào nhà chuẩn bị đi học.

 

Hôm nay, bà đi chợ về sớm, nét mặt bà vui, bà đặt lên bàn một hộp bánh trung thu màu đỏ tươi rói hiệu Kinh Đô, bà chỉ vào hộp bánh trung thu:

 

- Hộp bánh trung thu cho 2 chị em cái Điệp đấy!

 

Điệp ngỡ ngàng, bà lấy tiền đâu mà mua bánh, mở vội hộp bánh, 4 chiếc bánh nằm tròn trĩnh bọc nilon trông rất sang, lịch sự. Nhìn ánh mắt dịu hiền, đầy hạnh phúc của bà khiến lòng Điệp nhẹ nhõm. Bà nội cười, nụ cười đôn hậu hiền lành. Bà thong thả kể: Như mọi ngày, bà quẩy 2 sọt măng đi dọc phố để ra chợ bán, mới bán được chục bó cho khách mua đi làm quà họ xởi lởi trả luôn cho bà những 30.000 đồng. Khách khen măng của bà mới, tươi ngon, non mùi thơm ngai ngái, không có vị chua. Buổi chợ hôm nay đông người, nhiều bánh trái, đèn ông sao, đồ chơi phục vụ cho trung thu. Bà quẩy 2 sọt măng rảo bước lên phía ngã tư rẽ vào chợ thấy một ông bước lên chiếc xe hơi màu đen bóng 4 chỗ ngồi đánh rơi một cái ví. Bà vội nhặt lên đến bên cửa xe quơ quơ chiếc ví. Cánh cửa xe kéo kính đóng lại kín mít. Thoạt đầu ông tưởng bà mời ông mua măng về xuôi làm quà, ông khoát tay từ chối nhưng nhìn kỹ tay bà cầm chiếc ví quen thuộc. Ông vội mở cửa xe bước xuống nhận chiếc ví, ông cảm ơn rối rít, mấy người đi theo ông ngồi trên xe khen bà già thật thà, phúc hậu.

 

Nhìn sâu vào khuôn mặt già nua của bà, ông thong thả, ân cần lấy từ trong chiếc ví 1 tờ 200.000 đồng biếu bà để trả ơn. Bà cười xua tay.

 

- Cảm ơn ông, tôi xin trả lại ông.

 

Một thoáng rất nhanh ông bước theo bà, nhẹ nhàng ân cần hỏi bà.

- Bà ơi, bà bán còn bao nhiêu bó măng nữa?

- Tôi bán được 10 bó còn lại 80 bó.

Ông khách lại hỏi:

- Tất cả bao nhiêu tiền hở bà?

- Một bó 3.000 đồng, vị chi tất cả là 240.000 đồng.

 

Ông vui vẻ đưa luôn bà tờ 500.000 đồng, bà mầm mò túi áo để lấy tiền trả lại ông khách vui vẻ:

- Bà khỏi trả lại, tôi mua về làm quà cho anh em cơ quan đây cũng là lấy cái may, cái lộc bà cho.

 

Nói xong, ông nhờ cô nhân viên đi cùng mua hộp bánh trung thu tặng bà quà trung thu.

 

Bà chỉ vào hộp bánh, cháu Điệp nghe rõ lai lịch của hộp bánh trung thu, nó ôm chầm lấy bà và nó nghĩ phiên chợ bà đi bán măng mà lòng mừng mừng, tủi tủi.

 

Cái Điệp nhìn ra xa, nắng vàng thu như nhảy múa sau cơn gió nhẹ và nghĩ đến những tấm lòng thơm thảo gặp nhau.

 

 

 

                                                                      V.S (T.T.V)

 

 

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục