(HBĐT) - Là một trong những nông dân tiên phong trồng bưởi trên mảnh đất Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân Vũ Văn Thái từng được chọn là nông dân xuất sắc của tỉnh năm 2019. Năm nay, với những đóng góp của mình cho quê hương, một lần nữa ông vinh dự là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước được Hội đồng chung khảo bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.
Mỗi năm, gia đình ông Vũ Văn Thái, thôn Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) thu lãi gần 500 triệu đồng từ vườn bưởi.
Về vùng bưởi Đại Đồng trong một ngày đầu thu mát mẻ, dọc đường đi đã có thể thấy những vườn bưởi bạt ngàn, cây nào cũng trĩu quả, xanh mướt cả một vùng. Đâu đó vang vọng tiếng bà con gọi nhau vun gốc, cắt tỉa, có người cố gắng hái bưởi thật nhanh để kịp chuyến hàng cho xe thương lái đang chờ sẵn. Theo con đường thẳng tắp chúng tôi tìm tới nhà ông Thái. Người nông dân đậm chất lính ấy dáng người tuy nhỏ nhắn nhưng lại tạo nên một cơ ngơi khang trang từ vườn bưởi trĩu quả, mang lại nguồn thu nhập đến cả nửa tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ áp dụng tốt các quy trình chăm sóc an toàn, hữu cơ, hiện vườn bưởi của ông Thái đã mở rộng lên khoảng 1 ha với các loại bưởi Diễn, bưởi Thồ, bưởi da xanh. Cứ vào mùa là cây nào cây ấy sai trĩu quả, ước chừng trên 100 quả mỗi cây. Đưa chúng tôi thăm quan vườn bưởi đã được chăm sóc mấy chục năm, ông chia sẻ: Trước đây, sản xuất kinh tế của bà con vùng này chỉ dựa vào trồng mía, khoai, sắn, cuộc sống quanh năm chẳng đủ ăn. Từ năm 2012, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tế để phát triển mô hình trồng bưởi, các giống bưởi lúc ấy trồng nhiều là bưởi Thồ, bưởi Diễn. Nhờ hợp thổ nhưỡng, lại được thời tiết mưa thuận, gió hòa, bưởi Đại Đồng hầu như năm nào cũng được mùa, thương lái từ các huyện, tỉnh lân cận đến thu mua tận vườn, có người còn đặt riêng cả cây trước vài tháng làm quà biếu.
Từ khi chuyển sang trồng bưởi, cuộc sống nhiều nông dân khấm khá lên trông thấy. Thời bưởi được giá, có nhà thu bạc tỷ là chuyện bình thường. Bởi bưởi Diễn, bưởi Thồ ở Đại Đồng có vị ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng lại giàu dinh dưỡng nên khá được giá. Thời kỳ cao điểm giá bưởi bán ra từ 25 - 30.000 đồng/quả, hiện giá thấp hơn nhưng cũng ở mức 15 - 20.000 đồng/quả. Riêng với gia đình ông Thái, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng từ vườn bưởi.
Theo ông Thái, bưởi là loại cây khá dễ trồng nhưng cũng khá "đỏng đảnh”. Phải lựa chọn giống tốt từ ban đầu mới có thể cho quả ngọt và chất lượng, khoảng 1 - 2 năm đầu nên cắt tỉa, tạo tán cho cây theo tiêu chí "bưởi cành la, na cành bổng". Bưởi ở Đại Đồng cho thu mỗi năm 3 vụ nên hiệu quả kinh tế cao. Vụ đầu tiên vào tháng tháng 4 - 5, nông dân thu bưởi non bán ghép cây chưng Tết, vụ này xuất đi khoảng 30 - 40 vạn quả. Vụ tiếp theo từ tháng 7 - 8 thu sớm bưởi da xanh, bưởi Thồ. Từ tháng 10 - 12 là thời gian thu bưởi Diễn.
Vừa tập trung phát triển kinh tế, ông Thái còn đảm nhiệm Bí thư chi bộ thôn Đại Đồng. Vì vậy, ông luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, tích cực vận động người dân trồng bưởi xen canh với cây cam, quýt… để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nông dân từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương cũng như gìn giữ giá trị thương hiệu bưởi Đại Đồng.
Đồng chí Lê Thị Minh Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Lương cho biết: Những nỗ lực của ông Thái cũng như người dân trong thôn đã góp phần đưa thương hiệu bưởi Đại Đồng vươn xa, hình thành vùng sản xuất cây có múi an toàn tập trung cho huyện; góp phần đưa Đại Đồng trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, làng văn hóa, QP-AN. Đặc biệt, đối với nông dân Vũ Văn Thái, những đóng góp của ông đã được ghi nhận với danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 sẽ diễn ra tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022); kỷ niệm 10 năm chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013 - 2022).
Thu Hằng
(HBĐT) - 45 năm gắn bó với mảnh đất Hòa Bình, ông đã dành cho nơi đây một tình yêu trọn vẹn, sâu sắc. Tình yêu đó dẫn dắt ông đi qua muôn nẻo đường, tìm hiểu những mảnh đời, những câu chuyện, những lớp lang văn hóa hiển hiện trong cuộc sống… Để rồi, ông sáng tác không biết mệt mỏi những áng văn, bài thơ, bài báo, thậm chí, ông còn đi sâu nghiên cứu về lịch sử Hòa Bình thời kỳ trung đại và cho ra đời những cuốn sách được đánh giá cao về chuyên môn. Ông là nhà văn, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình.
(HBĐT) - Chúng tôi gặp Thượng úy Đào Ngọc Hồng, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh khi chị vừa trở về từ khóa đào tạo thạc sỹ Học viện An ninh nhân dân. Với thái độ cầu thị, ham học hỏi, Thượng úy Hồng cho rằng, để nắm chắc nghiệp vụ, vận dụng sáng tạo vào quá trình công tác đòi hỏi mỗi cán bộ phải tự học, tự rèn, tự tu dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực công tác. Có như vậy, mỗi cán bộ mới đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
(HBĐT) - Làm lính đã vất vả, nhưng khi "phái yếu” làm chiến sỹ thì vất vả hơn gấp bội phần. Ấy vậy mà vượt qua mọi khó khăn, Thiếu tá Bùi Thị Du, nữ chiến sỹ quân y Ban CHQS huyện Tân Lạc luôn tiên phong nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng, được cấp trên đánh giá cao.
(HBĐT) - Không chỉ xác định nuôi giun quế để phát triển kinh tế gia đình, cô gái trẻ Thanh Thủy xác định nuôi giun quế gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững và bảo vệ môi trường (BVMT).
(HBĐT) - Nhập ngũ tháng 6/1969, sau 5 năm chiến đấu ở chiến trường B3 - Tây Nguyên, cuối năm 1973, thương binh Bùi Xuân Dương (SN 1947) xuất ngũ trở về quê hương Mường Vang - xóm Đồi, xã Bình Chân, nay là xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Ông Dương nói vui, về đến nhà, vợ không nhận ra chồng, con không nhận ra bố, vì lúc nhập ngũ, ông là chàng trai lành lặn, khỏe mạnh. Nay, tay còng khoèo, người gầy, xanh xao, đó là hậu quả của những trận sốt rét ác tính ở vùng rừng núi đại ngàn B3 - Tây Nguyên.
(HBĐT) - Không sợ thất bại, cần cù, ham học hỏi, ông Phạm Đình Lưu, thôn Đội 3, xã Nam Thượng (Kim Bôi) đã mạnh dạn trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi bò 3B theo hướng hàng hóa. Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông Lưu đã thu hút nhiều bà con trong xã và các địa phương tới học tập kinh nghiệm.