Khách du lịch nước ngoài thưởng thức ẩm thực Hòa Bình ở Little Mai Chau Homestay, xã Nà Phòn (Mai Châu).
Chị Hường chia sẻ: Xã Nà Phòn chủ yếu là người dân tộc Thái, sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Xã còn là cái nôi lưu giữ nghề dệt truyền thống. Do vậy, để phát triển được nghề làm du lịch cần có hướng đi riêng. Tôi xác định khách hàng mục tiêu là khách nước ngoài trẻ, đến từ các nước châu Âu, phân khúc bình dân và thường sử dụng cách thức đặt phòng trực tiếp qua các trang thương mại điện tử chứ không qua công ty, văn phòng du lịch. Sau 6 tháng mở cửa, homestay của tôi đạt được tỷ lệ đặt phòng cao. Năm 2019, doanh thu tiền phòng chưa tính các dịch vụ đi kèm đạt trung bình trên 51 triệu đồng/tháng, cả năm đạt trên 620 triệu đồng. Với những thành quả ban đầu, tôi mở rộng thêm cơ sở vật chất, tổng cộng gồm 2 nhà sàn và 6 bungalow.
Đối với nghề dệt truyền thống ở Nà Phòn, các sản phẩm thổ cẩm rất đẹp nhưng chưa được quan tâm quảng bá. Cùng với đó là sự xâm nhập ồ ạt của hàng Trung Quốc giá rẻ, dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người trẻ không mặn mà với nghề dệt truyền thống. Mặt khác, thanh niên trong bản đến tuổi lao động đi các khu công nghiệp làm công nhân thu nhập không ổn định. Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng mong muốn được tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Thái bản địa, chị Hường xây dựng các tour du lịch như: đạp xe khám phá bản Nhót kết hợp trải nghiệm dệt thổ cẩm, cooking class hướng dẫn khách làm cơm lam, workshop đan vòng đeo tay... Cũng từ homestay của mình, chị quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách hàng nước ngoài, qua đó nhiều khách hàng biết, ưa chuộng sản phẩm dệt thổ cẩm của Nà Phòn. Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị xây dựng một nhóm sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống trong bản.
Năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khách nước ngoài. Chị Hường mở rộng quảng bá trên các trang mạng xã hội góp phần thu hút khách nội địa. Do vậy, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng mỗi năm. Tháng 3/2022, ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại, khách du lịch nước ngoài cũng bắt đầu đến với Nà Phòn. Cùng với việc quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm được được duy trì. Doanh thu từ du lịch và bán sản phẩm dệt thổ cẩm tăng trưởng đều qua các tháng. Tính đến hết tháng 8/2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và bán hàng thổ cẩm đạt 530 triệu đồng. Hiện tại, homestay của chị có 3 lao động, thu nhập đạt trên 4 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, chị cộng tác với 5 lao động không thường xuyên làm hướng dẫn, đi tour theo ngày, các thợ dệt khoán tính công theo sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Việt Lâm