Ông Quẩn bên những kỷ vật ghi dấu thời thanh niên xung phong.
(HBĐT) - “Họ là “Nguyễn” thì cùng họ với Bác, đệm là “Mỹ” thì đẹp đấy nhưng tên là “Quẩn” thì nghe chừng luẩn quẩn quá. Bác đặt tên mới cho cháu là Tiến - Nguyễn Mỹ Tiến để lúc nào cũng tiến lên, hướng về phía trước và phấn đấu”. Hơn 50 năm đã qua đi nhưng kỷ niệm được Bác đặt tên và cảm xúc vinh dự, tự hào vì được sống bên Người, được chăm lo bữa cơm, giấc ngủ cho Người thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người thanh niên xung phong Nguyễn Mỹ Quẩn (tổ 21, phường Hữu Nghị, thành phố Hoà Bình).
Tháng 12/1951, theo tiếng gọi của đất nước và tinh thần “Ba sẵn sàng” của thế hệ trẻ, người thanh niên Nguyễn Mỹ Quẩn vừa tròn 24 tuổi đã hăng hái lên đường tham gia thanh niên xung phong (TNXP). Ông Quẩn nhớ lại: “Vào TNXP, công việc đầu tiên tôi được tham gia là vận chuyển súng đạn, đi theo bộ đội thu chiến lợi phẩm trong chiến dịch Hoà Bình. Chiến dịch Hoà Bình thắng lợi, tôi tiếp tục tham gia TNXP chiến dịch Tây Bắc - Nà Sản. Đội TNXP của chúng tôi lúc này gọi là “Thanh niên xung phong Cù Chính Lan”. Khi đó tôi được phân công phục vụ bến phà Phương Lâm, vận chuyển xe cộ, hàng hoá qua lại và đưa ra chiến trường. Không trực tiếp cầm súng nhưng được tham góp sức mình làm nên thắng lợi liên tiếp của các chiến dịch lớn nên bản thân tôi cũng như các đồng đội hết sức vui mừng, phấn khởi”.
Niềm vinh dự, tự hào và tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ đã tiếp tục thôi thúc ông Quẩn cùng hơn 50 anh em thanh niên tỉnh Hoà Bình hăng hái tham gia “Đội TNXP công tác đặc biệt” do Tỉnh đoàn Hoà Bình tổ chức vào tháng 2/1953. Ông Quẩn vẫn còn nhớ rõ những “điều kiện” để được tham gia vào “Đội TNXP công tác đặc biệt” này. Trước tiên, đó phải là con em gia đình bần nông, nông dân, có lý lịch rõ ràng, sống gương mẫu, điều quan trọng nhất là tình nguyện, sẵn sàng phục vụ kháng chiến lâu dài cho đến ngày kháng chiến thành công. Lúc này, bản thân ông Quẩn cũng chưa biết chính xác nhiệm vụ công tác đặc biệt là gì nhưng được lựa chọn đi phục vụ kháng chiến thì rất vinh dự, tự hào và phấn khởi.
Tháng 3/1953, “Đội TNXP công tác đặc biệt” của Tỉnh đoàn Hoà Bình được đưa lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, đội đã được đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ và cũng là đoàn trưởng phụ trách TNXP đón tiếp, gặp gỡ và giao nhiệm vụ: “Công việc dễ nhất của người TNXP là tiếp nhận công văn và khó nhất là trực tiếp tham gia kháng chiến. Dù công việc nào cũng đều là đóng góp công sức cho kháng chiến nên phải cố gắng hoàn thành tốt”.
Tại chiến khu Việt Bắc, ngày 26/3/1953, “Đội Thanh niên xung phong XP” được thành lập với nhiệm vụ là phục vụ an toàn khu Việt Bắc. Vinh dự cho tỉnh Hoà Bình khi có hơn 20 TNXP của tỉnh ta được tham gia vào Đội TNXP đặc biệt này. ông Quẩn kể: “Đội TNXP XP” có nhiệm vụ chính là xây dựng lán trại, đào hầm hào bảo vệ an toàn chiến khu. Tiếp phẩm, tiếp lương, phục vụ các hội nghị lớn của T.ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Tại đây, tôi đã vinh dự được trực tiếp tham gia phục vụ các hội nghị lịch sử như hội nghị của Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến mở chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 6/11/1953, hội nghị Quốc hội họp thông qua Luật cải cách ruộng đất vào tháng 12/1953.
Trong quá trình làm việc tại “Khu A” phục vụ các hội nghị quan trọng, ông Quẩn đã vinh dự được phục vụ các đồng chí trong Bộ Chính trị như đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là Bác Hồ. ông Quẩn bồi hồi nhớ lại kỷ niệm lần được Bác Hồ gặp gỡ, trò chuyện và đặt tên. Đó là vào một buổi tối thứ bảy khi ông Quẩn đang tập văn nghệ thì Bác đi qua. Thấy các cháu đang tập văn nghệ, Bác dừng lại trò chuyện. Bác hỏi tên và quê của ông Quẩn. Khi ông Quẩn nói tên là Nguyễn Mỹ Quẩn thì Bác bảo: “Họ là “Nguyễn” thì cùng họ với Bác, đệm là “Mỹ” thì đẹp đấy nhưng tên là “Quẩn” thì nghe chừng luẩn quẩn quá. Bác đặt tên mới cho cháu là Tiến, Nguyễn Mỹ Tiến để lúc nào cũng tiến lên, hướng về phía trước và phấn đấu”. Tiếp đó, khi nghe ông Quẩn nói là người Mường, quê ở Hoà Bình thì Bác đã nói ngay về văn hoá, phong tục tập quán của người Mường là: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Bác còn đọc ra chính xác các địa danh của tỉnh Hoà Bình.
Những năm tháng được vinh dự sống gần Bác Hồ đã để lại trong ông Quẩn cũng như những TNXP khác thật nhiều ấn tượng đặc biệt sâu sắc về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Tại chiến khu Việt Bắc, tình cảm Bác dành cho TNXP càng được thể hiện ân cần, trìu mến hơn bao giờ hết. Ngoài giờ làm việc, Bác thường dành thời gian chơi thể thao, thậm chí là cuốc đất trồng rau cùng TNXP; vui vẻ trò chuyện, động viên TNXP. Bác cũng rất quan tâm đến đời sống, bữa ăn, giấc ngủ của TNXP. Hàng tuần, Bác đều xuống bếp ăn tập thể xem các cháu ăn uống ra sao, thấy các cháu ăn cơm rơi vãi, Bác trực tiếp quét dọn và nhắc nhở: “Vốc cơm rơi vãi này đủ cho hai người ăn. Cơm là ngọc thực do người nông dân vất vả làm ra. Cần biết quý trọng, giữ gìn từng hạt cơm”. Không chỉ giáo dục TNXP về việc tiết kiệm trong ăn uống, Người còn gương mẫu trong tiết kiệm thời gian bằng cách làm việc đúng giờ, tập trung làm việc nghiêm túc...
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đất nước ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Hoàn thành nhiệm vụ tại chiến khu Việt Bắc, ông Quẩn cùng các đồng đội trong “Đội TNXP XP” về tiếp quản thủ đô. Tháng 1/1955, vinh dự đứng trong hàng tiêu binh đón Bác Hồ về Thủ đô, ông Quẩn cùng các anh em trong “Đội TNXP XP” đã được Bác tặng cho mỗi người một chiếc khăn quàng đỏ. Chiếc khăn quàng đỏ ấy đã được ông Quẩn trân trọng nâng niu giữ gìn suốt bao nhiêu năm qua. Chiếc khăn quàng đỏ gợi nhớ cho ông về những năm tháng sống ý nghĩa và đáng nhớ với tinh thần “Ba sẵn sàng” vì đất nước. Càng tự hào, nâng niu lưu giữ hơn khi đó là món quà của vị Cha già kính yêu của dân tộc đã trao tặng cho ông.
Trở về quê hương sau những tháng ngày TNXP hào hùng, ông trở thành người cán bộ đoàn nhiệt tình, người giáo viên mẫu mực. Ngày hôm nay, tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ khi đã bước sang tuổi 86 nhưng ông Quẩn vẫn còn rất minh mẫn, tỉnh táo. Nâng niu trên tay chiếc khăn quàng đỏ được Bác Hồ trao tặng, lần giở từng kỷ vật một cách trân trọng và say sưa nói về những năm tháng đã qua, chúng tôi chợt nhận ra rằng, ở ông vẫn còn vẹn nguyên tinh thần “Thanh niên xung phong” ngày ấy, đầy nhiệt tình và niềm tin. Từng ngày trôi qua, thường trực trong tim sự kính yêu hướng về Người, ông Quẩn tự nhủ cần tiếp tục không ngừng học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, sống gương mẫu, là cây cao bóng cả, chỗ dựa tinh thần cho con cháu noi theo.
Dương Liễu
(HBĐT) - Với ông Nguyễn Văn Sính, tổ 10, phường Thái Bình (TPHB) học tập Bác không phải là học những điều gì to tát mà học ngay đức tính giản dị, đời thường của Bác. Trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, từ những việc làm nhỏ nhất ông đều học tập và làm theo Bác.
(HBĐT) - Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc huyện Đà Bắc, các đại biểu tham dự bị lôi cuốn bởi tiết mục hát khắp Tày “Ơn công lao Bác Hồ, Đảng kính yêu” chân chất, bình dị do nghệ nhân Hà Thị Tươi tự sáng tác và biểu diễn.
(HBĐT) - Đó là CCB Bùi Trọng Quyết, xóm Rỵ, xã Phú Thành (Lạc Thủy). Sau những năm tháng phục vụ trong quân đội, năm 1983, ông Quyết trở về quê hương rồi lập gia đình. Lúc đầu lập nghiệp, 2 vợ chồng chỉ có 2 bàn tay trắng. Với quyết tâm không để nghèo khó cứ bám mãi, ông cùng vợ chăm lo làm kinh tế từ diện tích đất ông cha để lại.
(HBĐT) - Sinh sống tại một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Cao Phong, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng gia đình ông Quách Văn Quý ở xóm Ngái, xã Yên Lập vẫn luôn nỗ lực để nuôi dạy 4 con gái học hành đỗ đạt. Gia đình ông thực sự là tấm gương hiếu học cho nhiều gia đình noi theo.
(HBĐT) - Về thăm trang trại của anh Bùi Văn Hà, Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy (Kim Bôi), chúng tôi thực sự khâm phục ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu của người thủ lĩnh thanh niên này.
(HBĐT) - Hơn 20 năm gắn bó với các giá trị văn hoá cổ của đất Mường Hoà Bình, đối với Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Thi, công việc đã mang tới cho chị một điều vô cùng quý giá: được sống với niềm đam mê của mình. Vì đam mê văn hóa Mường, người phụ nữ quê xã Lam Điền, Chương Mỹ (Hà Nội) đó đã ăn cơm Hòa Bình, uống nước Hòa Bình và từ lâu đã trở thành một người con đích thực của xứ Mường “Đẻ đất, đẻ nước”.