Chị Dương Thị Bin, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) là người góp phần khôi phục nghề dệt truyền thống của địa phương.
(HBĐT) - Tại hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chị Dương Thị Bin, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) đã vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh và là 1 trong 29 phụ nữ xuất sắc của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2002 - 2012. Chị cũng là một trong 36 cá nhân tiêu biểu được Tỉnh ủy và UBND tỉnh khen thưởng là điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2013.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống vất vả mà chẳng đủ ăn, ngoài cấy lúa thì chẳng làm gì ra thu nhập. Có trong tay nghề dệt thổ cẩm truyền thống, được sự ủng hộ của gia đình, chị quyết tâm bắt tay vào khôi phục, duy trì, sau đó là phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Yên Nghiệp. Ban đầu, chị Bin lập khung dệt của gia đình và dệt ra các sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Sau đó, chị vận động chị em trong xóm, mỗi nhà lập từ 1 - 2 khung dệt, tranh thủ thời gian nhàn rỗi có thể làm việc ngay tại nhà. Có được sản phẩm, chị vận động chị em trong xóm Lục 2 thường xuyên mặc trang phục dân tộc Mường, nhất là trong các ngày lễ, tết, hội.... ý tưởng này của chị Bin đã được Hội PN xã Yên Nghiệp và Hội PN huyện Lạc Sơn ủng hộ mạnh mẽ. Từ đó, phong trào mặc trang phục dân tộc dần lan rộng trong chị em PN Lạc Sơn.
Với mong muốn duy trì ổn định, phát triển bền vững cho nghề dệt thổ cẩm, chị xác định cần mở rộng thị trường ra toàn tỉnh cũng như các tỉnh bạn và đưa sản phẩm dệt thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Nghĩ là làm, chị mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành. Để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chị thành lập một tổ gồm các nghệ nhân giỏi để hỗ trợ, hướng dẫn chị về kỹ thuật để sản phẩm đảm bảo quy cách, vừa có nét đẹp truyền thống, vừa có sự sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nỗ lực tháo gỡ từng khó khăn cũng như mạnh dạn tìm, mở rộng thị trường, đến nay sản phẩm của Lục Nghiệp Thành đã có mặt tại các huyện trong tỉnh như: Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Thủy, Kỳ Sơn và các huyện miền núi phía Bắc (tỉnh Thanh Hóa). Từ sự đi đầu, kiên trì vận động thuyết phục, tâm huyết của chị Bin đã nhận được sự đồng lòng của chị em xóm Lục 2, đến nay cả xóm đã có 350 khung dệt thổ cẩm, trung bình mỗi nhà có 2 khung dệt. Nghề dệt thổ cẩm tại đây đã thực sự được hồi sinh. Đồng chí Bùi Văn Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết: Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã. Hiện nay, Công ty giải quyết việc làm cho khoảng gần 200 lao động nữ trên địa bàn xã với thu nhập từ 1,2- 3 triệu đồng/người/tháng (tùy theo làm thường xuyên hay tranh thủ lúc nhàn rỗi). Qua đó đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ gần 54% năm 2010 xuống còn 27% năm 2013, đồng thời hạn chế và dần chấm dứt tình trạng chị em phụ nữ đi làm ăn xa.
Niềm vui càng nhân lên đối với chị Dương Thị Bin cũng như chị em trong xóm Lục khi tháng 12/2012, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống do chị Bin làm trưởng làng nghề. Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự hồi sinh của dệt thổ cẩm tại Yên Nghiệp, đồng thời mở ra niềm hy vọng cho nhiều làng nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Lạc Sơn nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.
Dương Liễu
(HBĐT) - Sau 4 năm tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường biên giới tây nam, năm 1990 CCB Hoàng Văn Chiến ở xóm Rụt, xã Tân Vinh (Lương Sơn) trở về quê hương với cơ thể không còn lành lặn nhưng với nghị lực của anh “bộ đội Cụ Hồ”, ông đã không chùn bước trước khó khăn, thách thức, tự mình vươn lên tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường.
(HBĐT) - Biết rằng thời buổi này “tấc đất, tấc vàng” nhưng đó là lợi ích trước mắt. Có đường giao thông mới, việc vận chuyển hàng hóa của bà con thuận tiện, cây trái, hoa màu và nhiều mặt hàng nông sản khác của địa phương sẽ vươn ra thị trường nhanh hơn và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều... Đấy mới là cái lợi lâu dài. Đó là lời tâm sự của CCB Quách Văn Cạp ở xóm Rại, xã Hữu Lợi (Yên Thủy).
(HBĐT) - Hơn 9 năm làm Chủ tịch Hội CCB huyện, ông Bùi Xuân Mầm ở thôn Bình Tân, xã Nam Thượng (Kim Bôi) đã mang hết tâm huyết và lòng nhiệt tình của mình tham gia vào công tác Hội và các phong trào hoạt động của địa phương. Với sự tận tụy, mẫu mực trong công việc, tích cực vận động hội viên phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông luôn được đồng đội và nhân dân yêu mến.
(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành GD&ĐT thành phố Hoà Bình nói riêng, tỉnh ta nói chung liên tục xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thùy – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, tổ trưởng tổ chuyên môn khối lớp 4, 5, trường tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình) là một trong những nhân tố điển hình. Nhiều năm liên tục, cô Thùy luôn cố gắng hết mình để thực hiện tốt mọi công việc được giao.
(HBĐT) - Đối với người vùng cao, nhất là ở huyện Đà Bắc, chuyện trồng cây ăn quả chỉ là trồng để ăn chơi. Ít ai nghĩ đến chuyện trồng cây ăn quả trở thành hàng hoá để làm giàu được bởi đường sá xa xôi, khó tiêu thụ. Nhưng anh Vũ Văn Tuấn ở xóm Bằng, Giáp Đắt, Đà Bắc đã mạnh dạn mang cây nhãn Hương Chi lên trồng để phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, đối tượng gây án ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Nhưng với sự sáng tạo, không ngừng học hỏi và không ngại khó khăn, đồng chí Trần Bá Dương, chiến sĩ phòng kỹ thuật hình sự cùng đồng đội đã phá được các vụ án lớn tưởng chừng bế tắc.