Anh Hoàng Văn Thuận đang chăm sóc đàn lợn rừng.
(HBĐT) - Với 4ha rừng đồi, chăn thả 260 con lợn rừng, lợn bản địa, trang trại lợn rừng Thuận Linh của gia đình anh Hoàng Văn Thuận, xóm Quê Sụ, xã Cao Răm (Lương Sơn) nổi tiếng khắp vùng về gia đình chăn nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, gia đình anh còn có uy tín về chăn nuôi lợn rừng chất lượng, lợn “chuẩn rừng”, là đầu mối cung cấp cho các nhà hàng đặc sản và các đầu mối thu mua ở Hà Nội.
Chia sẻ về ý tưởng chăn nuôi lợn, anh Thuận cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều làm giáo viên. Trước kia, gia đình chỉ nuôi từ 2-3 con lợn, gọi là có đồng ra đồng vào. Về sau, thấy việc nuôi lợn cũng hiệu quả, gia đình lại còn quả đồi 4ha, chưa đưa vào khai thác sản xuất. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định vay vốn ngân hàng, thế chấp tài sản, tất cả vốn liếng đều dồn vào việc nuôi lợn rừng. Tôi xuống tận Ba Vì để chọn, mua giống về chăn nuôi. Cũng may mắn, suốt 4 năm chăn nuôi, lứa lợn nào cũng đem lại hiệu quả cao, không dịch bệnh gì”. Nhưng không vì thế mà chủ quan, anh Thuận chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn ở nhiều nơi khác, tham gia các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện. Anh cũng nhận hỗ trợ giống của chương trình hỗ trợ định canh định cư, liên kết giữa các gia đình trong nhận giống và cho giống để nhân lên số hộ chăn nuôi lợn rừng, giúp nhau phát triển sản xuất. Hiện tại, gia đình anh Thuận đang chăn thả 260 con lợn, gồm cả lợn rừng, lợn bản địa. Gia đình anh còn chăn nuôi lợn nái để tạo giống ngay tại nhà. Trang trại nuôi lợn được chia thành 3 khu, khu chăn nuôi lợn nái đẻ, khu chăn nuôi lợn con, khu thả lợn chạy đồi. Theo anh Thuận, nuôi lợn không gặp nhiều khó khăn, cản trở, chỉ thả rông trên đồi, ngày cho ăn hai lần, lợn ít mắc bệnh, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Với hơn 200 con lợn, gia đình anh chỉ cần một nhân công ở lại để trông nom, cho ăn. Thức ăn cho lợn chủ yếu là gạo nghiền, bã bia, cỏ... Cẩn thận hơn, anh Thuận phải nhập bã bia trên Hà Nội về, thức ăn cho lợn vừa đảm bảo an toàn, không có chất công nghiệp, lợn ăn chắc thịt, tăng cân đều.
Mỗi cân thịt lợn rừng gia đình anh bán 120.000 đồng, lợn địa phương 110.000 đồng. Đầu mối thu mua chủ yếu là các nhà hàng đặc sản, các gia đình ở Hà Nội hay các dịch vụ cỗ, lễ. Mỗi năm, gia đình anh bán được hơn 400 con lợn, trừ tất cả các chi phí, thu về được hơn 400 triệu đồng. Ngoài việc bán lợn cả con, gia đình còn mở thêm dịch vụ, chế biến sẵn thịt lợn cho khách, dịch vụ làm mâm cỗ với các món ăn chế biến từ lợn rừng. Ông Bùi Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Răm cho biết: “Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Thuận nổi tiếng trong xã và gia đình là một điển hình hay về sản xuất kinh doanh giỏi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại lợn rừng là mô hình tiêu biểu để bà con trong xã học tập kinh nghiệm cũng là động lực thúc đẩy bà con phấn đấu đầu tư làm ăn, phát triển sản xuất”.
Nguyễn Tuyết (CTV)
(HBĐT) - Từ bốn đời nay gia đình bà Trần Thị Thảo ở xóm Trung Thành A, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn làm nghề bốc thuốc nam. Ban đầu là những bài thuốc do cụ nội của bà Thảo trong quá trình bốc thuốc cho các bệnh nhân đã tự mày mò nghiên cứu ra.
(HBĐT) - Lâu nay, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả đối với nông dân là công đoạn khó nhọc, tiềm ẩn độc hại cho sức khỏe. Có một nhà nông từ thực tiễn sản xuất của chính gia đình mình đã tìm ra giải pháp cải tiến kỹ thuật xây bể chứa thuốc hình trụ. Cải tiến này không những làm gia tăng hiệu quả sử dụng thuốc BVTV mà còn đảm bảo sức khoẻ con người, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông là Phạm Văn Cường, nông dân khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong).
(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Liệp ở xóm Vành, xã Mông Hoá. Năm nay 72 tuổi, nhưng ông Liệp vẫn hăng say làm kinh tế, trở thành một trong những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của huyện.
(HBĐT) - Mô hình trồng dứa trái vụ của gia đình ông Trịnh Trọng Bình, ở xóm Bãi Đa, xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy) đang được đánh giá cao bởi hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với diện tích trên 6 ha, cây dứa trái vụ, loại cây có khả năng chịu hạn cao, ít sâu bệnh, dễ trồng, dễ chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ và giá bán khá ổn định được gia đình ông Trịnh Trọng Bình duy trì và phát triển từ năm 2001 đến nay đã đem lại thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương theo thời vụ.
(HBĐT) - Nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu của thị trường và kiên trì làm giàu, ông Bùi Khánh Khuyên, Chủ tịch Hội CCB xã Do Nhân (Tân Lạc) đã phát triển kinh tế với mô hình nuôi lợn, gà, ngan kết hợp trồng mía đem lại nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.
(HBĐT) - Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt hiền, giọng nói nhẹ nhàng, đó là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô bé Bùi Thị Huệ. Em vừa đỗ vào ngành Luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội với 26,25 điểm trong đợt thi tuyển sinh vào đại học vừa qua. Huệ là một trong những học sinh tiêu biểu được Hội Khuyến học tỉnh tuyên dương trong lễ tuyên dương học sinh đạt kết quả cao kỳ thi tuyển sinh 2015.