(HBĐT) - Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền "Văn hóa Hòa Bình". Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, tự hào là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho cả các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc: Văn hóa Hòa Bình. Kể từ năm 1927, chúng ta đã bắt đầu biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ” của M.Colani. Ngày 30/1/1932, nền "Văn hóa Hòa Bình” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

Văn hóa Hòa Bình tồn tại trong khoảng 18.000 - 7.500 năm trước Công nguyên. Tuyệt đại đa số các di tích Hòa Bình có niên đại trong khung từ 12.000 - 7.500 năm trước Công nguyên, đại diện cho giai đoạn Hòa Bình điển hình, có rất ít di tích nằm trong giai đoạn sớm hơn.

Văn hóa Hòa Bình có phạm vi phân bố rộng, trên địa bàn 14 tỉnh, trong đó, tuyệt đại bộ phận di tích thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa; từ Nam Trung Quốc đến Đông Sumatra và hầu khắp các nước Đông Nam Á lục địa.

Đặc trưng chủ yếu của văn hóa Hòa Bình: Các di tích văn hóa Hòa Bình chủ yếu là hang động hoặc mái đá, phân bố trong vùng núi đá vôi, rất ít di chỉ ngoài trời, bên thềm sông, suối. Đây là nét tiêu biểu chung của nền "Văn hóa Hòa Bình" trong khu vực Đông Nam Á lục địa. Những di vật thường gặp trong văn hóa Hòa Bình là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế phẩm khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật và vỏ, hạt một số loài thảo mộc còn giữ lại trong tầng văn hóa Hòa Bình là những tàn tích sau bữa ăn của người Hòa Bình.

Cho đến nay, đã tìm được trên 130 địa điểm văn hóa Hòa Bình, thu thập một khối lượng lớn di vật đá, xương động vật và di cốt người. Trong số 30.120 di vật thống kê ở 65 địa điểm văn hóa Hòa Bình đã khai quật thì đồ đá chiếm gần 28.000 tiêu bản, đồ xương, sừng và nhuyễn thể có 250 tiêu bản, đồ gốm có 1.800 mảnh. Có thể thấy, đồ đá chiếm ưu thế nổi bật trong văn hóa Hòa Bình.

Đặc trưng cơ bản của loại hình công cụ văn hóa Hòa Bình là những công cụ có hình hạnh nhân, hình tam giác, hình đĩa, hình ô van cùng rìu ngắn, rìu dài chặt đốc được làm từ cuội nguyên hoặc cuội bổ, chủ yếu được ghè một mặt. Gốm cũng đã xuất hiện trong các lớp mặt của 50 địa điểm (1.800 mảnh) thuộc tầng văn hóa Hòa Bình. Văn hóa Hòa Bình là một hiện tượng văn hóa ở Đông Nam Á lục địa. Đó là một kết luận lâu nay đã được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận.

Đặt trong thời đại đá Việt Nam, tuy không tách ra làm 3 giai đoạn phát triển rõ ràng: Tiền Hòa Bình - Hòa Bình - hậu Hòa Bình, nhưng thực tế cho thấy, văn hóa Hòa Bình đóng vai trò trung gian là khoảng tiếp nối của văn hóa Sơn Vi (tiền Hòa Bình) và văn hóa Bắc Sơn (giai đoạn muộn của văn hóa Hòa Bình). Đây là 3 nền văn hóa tồn tại độc lập với nhau, có niên đại sớm muộn khác nhau, nhưng có quan hệ ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, trong mỗi nền văn hóa này, vừa có cái chung của kỹ nghệ cuội, vừa có đặc thù riêng của một cộng đồng tộc người, tồn tại trong khoảng không gian và thời gian nhất định.

 Trong văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn còn giữ lại một số công cụ thô, nhưng đã xuất hiện một loạt công cụ, thể hiện những thay đổi căn bản kỹ thuật chế tác cuội. Đó là những công cụ được ghè một mặt trên khắp các rìa mép của hòn cuội, tạo ra các công cụ có hình dáng ổn định như hình hạnh nhân, hình ô van, hình đĩa...

 Với văn hóa Hòa Bình, nền kỹ thuật nguyên thủy Việt Nam đã đạt một bước nhảy vọt, tạo đà cho sự phát triển và bùng nổ ở văn hóa Bắc Sơn - nền văn hóa có những đặc điểm gần gũi về mặt môi sinh với văn hóa Hòa Bình. Người Bắc Sơn đã đẩy nền kỹ thuật được nuôi dưỡng từ Hòa Bình lên một bước phát triển mới, với bộ sưu tập công cụ bao gồm những dạng cơ bản như của Hòa Bình: Rìu ngắn, rìu dài, các công cụ hình đĩa và đặc biệt là các rìu cuội mài lưỡi.

Sự xuất hiện kỹ thuật mài trong văn hóa Hòa Bình và sự phổ biến của nó trong văn hóa Bắc Sơn không chỉ đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của kỹ thuật chế tác công cụ cuội, mà còn là mốc đánh dấu sự cáo chung của kỹ thuật nói trên ở khu vực này.

Văn hóa Hòa Bình kết thúc vào khoảng 7.500 năm trước đây, một bộ phận vươn ra biển tạo ra văn hóa tiền Hạ Long; một bộ phận chiếm cứ vùng chân núi tạo nên văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa); một bộ phận lưu lại trong vùng núi. Qua các di chỉ và di vật trong các hang động và thềm sông cổ miền núi Bắc Việt Nam cho thấy, đã tồn tại khá đậm nét vết tích hoạt động của các tập đoàn người cổ - con cháu của cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Nói về sự phát triển của văn hóa Hòa Bình, người ta thường nhắc đến các con đường: Con đường Đa Bút, con đường Cái Bèo - Hạ Long... Đó là các con đường tiến dần ra biển của cư dân gốc Sơn Vi - Hòa Bình - Bắc Sơn.

Kể từ đây đã có sự thiên di của người miền núi xuống khai phá, canh tác ở vùng đồng bằng và vùng đồng bằng ven biển, hình thành người Việt (người Kinh bây giờ). Còn bộ phận ở lại miền núi, con cháu văn hóa Hòa Bình thì trở thành các dân tộc thiểu số ngày nay, ở Hòa Bình, đó là người Mường.


V.T (TH)

Các tin khác


Câu chuyện văn hóa phía sau mâm cỗ lá của người Mường

(HBĐT) - Không chỉ đơn giản là bày thức ăn lên lá chuối cho đẹp mắt, đỡ phải sử dụng nhiều bát đĩa mà khi nhìn vào mâm cỗ lá có thể biết đó là mâm cỗ dành cho "người dưới” hay dành cho "bề trên”, dành cho người sống hay dành cho người đã mất. Không chỉ đơn giản là ẩm thực, "cỗ lá” của xứ Mường Hòa Bình còn chứa đựng trong đó cả một câu chuyện văn hóa, một lối ứng xử phép tắc rất tôn ti trật tự trên - dưới thông qua ẩm thực của người Mường.


Tự hào là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình"

(HBĐT) - (HBĐT) - Thành phố Hòa Bình hiện có một con đường và một khách sạn mang tên Colani. Đó là sự tri ân đối với nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani - người đã đề xuất khái niệm "Văn hóa Hòa Bình” và cũng là để các thế hệ người dân Hòa Bình hôm nay và mai sau biết và tự hào: nơi đang sinh sống là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình”.

Hoa văn của núi rừng

(HBĐT) - Dệt thổ cẩm là nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Mường, Thái trên địa bàn tỉnh. Theo thời gian, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, người Mường, người Thái Hòa Bình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống. Những tấm thổ cẩm là thước đo đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ.

Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Để tìm hiểu về cuộc đời và những đóng góp lớn lao của nhà nữ khảo cổ học Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình, chúng tôi được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cung cấp những tài liệu quý về bà. 

Bài 2: Quy hoạch, tên gọi và thành phần cư dân trong các làng Mường cổ trong xã hội cổ truyền


(HBĐT) - Việc tụ cư lập làng Mường theo hình thái trên đây (được nêu ở bài 1) thể hiện rất rõ tính quy hoạch có thể là tự phát song đã thành nếp, truyền thống, một bộ phận cấu thành của văn hoá Mường. Nhìn nhận trong lịch sử có thể thấy rất rõ ý đồ của người Mường xưa, trong điều kiện ban đầu khai mở đất đai, khi đó, dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, tại sao người Mường không làm nhà, lập làng ở các vùng đất bằng phẳng mà lại chọn các địa thế mái thoải hay các chân đồi, chân núi?

Bài 1: Lịch sử ra đời và cách thức lựa chọn địa thế lập khu dân cư cổ truyền Mường

(HBĐT) - Trong xã hội, các gia đình sống sát nhau, làm nhà gần nhau, có chung một loại hình nghề nghiệp sinh tồn, xu hướng liên kết với nhau trong và ngoài huyết thống tạo nên các KDC.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục