(HBĐT) - Ngoài các di tích, danh thắng tiêu biểu trên, tỉnh Hòa Bình còn có nhiều bản làng, các điểm du lịch nổi tiếng:
Thác mu-danh thắng ở xã Tự Do(huyện Lạc Sơn) đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa
Bản Mường Giang Mỗ: Bản nằm dưới chân núi Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) với hơn 100 ngôi nhà sàn truyền thống còn lưu giữ đến ngày nay. Đây là khu bảo tồn sống của văn hóa người Mường Hòa Bình với nhiều nét nguyên sơ, trọn vẹn, vừa chân thật, giản dị, vừa sống động, tinh tế. Không chỉ những ngôi nhà, nếp sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng như cối giã gạo, hệ thống dẫn nước, cung nỏ săn bắn, phương thức làm ruộng, đến các lễ hội chiêng, phong tục tập quán... đều mang đậm dấu ấn cổ truyền của người Mường.
Bản Lác - thung lũng Mai Châu: Bản Lác thuộc xã Chiềng Châu (Mai Châu). Đây là một bản của người Thái còn giữ được đậm nét những phong tục, tập quán cùng bản sắc văn hóa riêng biệt. Những ngôi nhà sàn cao ráo, xinh xắn được xây dựng san sát, có lớp lang, thấp thoáng ẩn hiện trong những tán cây trái xanh tươi; những khung cửi và những mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu do bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái đan dệt. Bản Lác là điểm homestay tiêu biểu nhất của huyện Mai Châu nói riêng và của tỉnh nói chung.
Suối khoáng Kim Bôi: Trước thuộc xã Hạ Bì, nay là thị trấn Bo (Kim Bôi), nơi tọa lạc của dòng suối khoáng tự nhiên. Suối có nhiều tên gọi: Suối nước nóng Kim Bôi, suối khoáng Kim Bôi, suối nước nóng Mớ Đá, suối Tiên. Dòng suối vốn chảy sâu trong lòng đất, vì vậy, khi vừa lộ thiên, nước suối có nhiệt độ từ 34-360C. Qua kiểm nghiệm, nguồn nước khoáng Kim Bôi có đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, ngâm mình chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp... Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước giải khát đến với nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Thác Mu: Thuộc địa phận xóm Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn), nằm trên dãy Trường Sơn, ở độ cao hơn 1.000m, có khí hậu trong lành, mát mẻ và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Vào mùa khô, thác Mu có mây bao phủ tựa như Sa Pa. Mùa nước, từ xa, dù chưa thấy thác nhưng đã nghe rõ tiếng nước đổ; leo xuống những bậc đá ngắn, vòng qua những lùm cây, thác Mu hiện ra với hình ảnh nước tuôn trắng xóa, ào ạt. Dưới chân thác có nhiều vùng nước xoáy. Chỗ sâu nhất của dòng thác tầm 2m. Quanh những khe suối của thác vẫn có những cây cổ thụ rợp bóng mát.
Cửu Thác Tú Sơn: Thuộc địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn (Kim Bôi), gần khu Suối khoáng nóng Kim Bôi. Ở đây không khí trong lành như Đà Lạt, Sa Pa. Có những dòng thác hiền hòa, uốn lượn giữa các thảm cỏ và phiến đá trắng như thác Trải Chiếu, thác Nàng Út Lót, hồ Chàng Liêu... Có những dòng thác hùng vĩ, tung bọt trắng xóa đầy sức sống như thác Trượng Phu, thác Bạc... Ngọn thác cuối cùng nằm ở độ cao 1.300m. Người dân sống quanh khu Cửu Thác chủ yếu là người Mường.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng trên sông Đà tại TP Hòa Bình. Ngày 6/11/1979, Nhà máy được khởi công xây dựng; đến tháng 12/1988, tổ máy số 1 được đưa vào sản xuất điện năng và hòa vào lưới điện quốc gia; tháng 4/1994, tổ máy số 8 - tổ máy cuối cùng - được đưa vào vận hành; tháng 12/1994, Nhà máy được khánh thành. Với đường dây 200KV Hòa Bình - Đồng Hới, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cung cấp điện cho các tỉnh miền Trung. Với đường dây 500KV xuyên Việt, Nhà máy đã hoàn thành toàn bộ công suất thiết kế, góp phần cung cấp điện cho cả ba miền, phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ý nghĩa là một công trình công nghiệp quan trọng, đóng góp sản lượng điện bằng 1/3 tổng sản lượng điện trong cả nước, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn khi đến thăm Hòa Bình. Nhà máy có nhiều hạng mục công trình có giá trị như: Nhà Truyền thống, nơi lưu giữ bức thư gửi thế hệ mai sau, Đài Tưởng niệm những công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô hy sinh trên công trình, hồ thủy điện Hòa Bình (dung tích gần 10 tỷ km3 với chiều dài chạy suốt 200km nối liền với tỉnh Sơn La).
Mỗi huyện, thành phố đều có làng, bản du lịch đang dần tạo nên những "thương hiệu” ấn tượng như: Xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Sưng, xã Cao Sơn; xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Bản Ngòi, xã Suối Hoa; xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc)… Tất cả tạo nên nét bản sắc văn hóa độc đáo, đem lại ấn tượng sâu đậm đối với du khách.
V.T (ST)
(HBĐT) - Sau khi giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, cùng cả nước, Hòa Bình ra sức củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng cho công cuộc giai đoạn cách mạng mới: đánh Pháp trở lại xâm lược. Ngày 19/ 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ban Cán sự Đảng tỉnh đã họp, phát động Nhân dân đứng lên kháng chiến. Trên cơ sở đó, lực lượng vũ trang Hòa Bình chuẩn bị phương án chiến đấu, toàn dân tiến hành tiêu thổ kháng chiến.
(HBĐT) - Hòa Bình có hàng trăm địa chỉ di tích với trên 100 di tích được xếp hạng; trong đó, 41 di tích được Bộ VH-TT&DL xếp hạng cấp quốc gia (14 di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH), 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh lam thắng cảnh) và 60 di tích cấp tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng trọng đại trong lịch sử nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài 2/3 thế kỷ, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đã đến với Hòa Bình khá sớm.
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Mường, tiếp đó là dân tộc Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Nhắc đến Hòa Bình là nhắc đến dân tộc Mường với đặc điểm vừa tập trung về dân số vừa đậm đà về đời sống văn hóa ngôn ngữ Mường.
(HBĐT) - Đàn áp xong phong trào Đốc Ngữ - Đề Kiều, thực dân Pháp xem thời kỳ bình định miền Tây Bắc như đã kết thúc. Chúng ra sức tổ chức bộ máy cai trị. Không cam chịu cảnh áp bức, Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống bọn thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang.
Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nghiêm, người xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai.
(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua Hàm Nghi, trong toàn quốc đã bùng lên phong trào Cần Vương chống Pháp. Các phong trào kháng chiến chống Pháp của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nhanh chóng tập hợp lại xung quanh phong trào do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo.