Những cây dổi đang đến kỳ cho thu quả của người dân xóm Be Trong, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn

Những cây dổi đang đến kỳ cho thu quả của người dân xóm Be Trong, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Ông Nhâm không còn đếm nổi bây giờ trong làng có bao nhiêu cây Dổi, mà điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Giờ đây ông rất vui vì Mường Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) quê ông nhà nào cũng có cây dổi. Những cây dổi to, nhiều năm tuổi cũng không bị chặt bán nữa, những cây mới 7,8 năm cũng bắt đầu cho thu quả bói và cả những vườn ươm giống cũng ngợp một màu xanh mướt….!

 

Ông Nhâm cho biết: Năm nay, ông đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn thích cùng con cháu tập trung bên gốc cây dổi to nhất của nhà để hái quả và kể những câu chuyện đầy ý nghĩa về loại cây đã gắn bó bao đời với người dân quê ông. Câu chuyện của ông luôn bắt đầu từ khi quả dổi chín đỏ cây, đó cũng là lúc dân làng thu hoạch xong vụ mùa, chuẩn bị cấy trồng vụ chiêm - xuân và vào chính vụ thu hoạch hạt dổi.  Không biết có phải vì là mùa thu hoạch, mùa có tiền để mua sắm không mà con cháu luôn vui vẻ và lắng nghe chăm chú những câu chuyện của ông - ông Nhâm cười hiền hậu với câu nói vừa đùa vừa thực của mình và chỉ tay “khoe” những cây dổi mới trồng khoảng hơn 7 năm nay của con cháu cũng đang cho thu quả bói. Ông nói cây dổi là cây quý, “cây lành” của đất mường Be. Con cháu biết nghe lời, biết trồng cây, nay đã được thu quả.

 

Quả thực khi nghe những câu chuyện của ông Nhâm và nhìn những cây dổi cao thẳng tắp, tán lá xum xuê xanh quanh năm từ bao đời ở Chí Đạo, tôi cũng có cảm nhận thật gần gũi. Loại cây này rất hợp với đất Mường Be nên cứ trồng là sống, là tốt tươi và ra hoa kết trái. Cây lặng lẽ chắn gió bão, mưa giông cho từng ngôi nhà, làng bản; loại cây vừa cho bóng mát, cho hạt thơm để làm gia vị chế biến các món ăn lại còn là vị thuốc quý và là cây có hiệu quả kinh tế, là mặt hàng làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây. Mấy năm gần đây, giá bán hạt dổi khô liên tục tăng. Đặc biệt là năm nay, giá 1kg hạt dổi khô là trên 700.000 đồng (năm 2009 là 300.000đồng/1kg). Năm nay, hạt dổi được mùa nên nhiều hộ có nhiều cây lâu năm cho thu được số lượng hạt lớn cũng dành được một khoản tiền kha khá để đầu tư phát triển kinh tế. Như gia đình ông  Bùi Văn Biền, xóm Be Trên, năm nay thu hoach được khoảng 1 tạ hạt khô cho thu về khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, còn  có nhiều hộ khác như ông Bùi Văn Hòa, xóm Be Ngoài, bà Bùi Thị Siềm, xóm Be Trong…là những gia đình có nhiều cây dổi to cho thu hoạch khá.

 

Ông Bùi Văn Huy, cán bộ văn phòng UBND xã Chí Đạo cho biết: năm nay, ước sản lượng hạt dổi của xã đạt trên 70 tấn. Giá trị kinh tế thu được từ cây trồng này đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế chung của xã. Trung bình mỗi hộ dân của xã hiện có 10 cây dổi đang phát triển tốt. Nhiều hộ còn phát triển nhân rộng trồng thành rừng, có hộ lại phát triển mô hình ươm bán giống cây…Ưu điểm của phát triển cây trồng này là không mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ; sản phẩm là hạt lại dễ thu hoạch, bảo quản, chỉ cần phơi khô, không sợ hỏng, mốc và bán được quanh năm.   

 

Tuy nhiên, đây chỉ là cây trồng đang phát triển nhất thời, tự phát, chưa có những định hướng, giải pháp cụ thể cho phát triển lâu dài. Hiện nay, xã Chí Đạo vẫn còn là xã có nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; không có công nghiệp, dịch vụ ít phát triển; giao thông đi lại khó khăn, thu nhập bình quân người năm 2009 mới đạt 4.750.000đ/người/năm. Chính vì vậy, cây dổi có giá trị kinh tế cao, gợi mở cho việc biết tìm tòi, mạnh dạn đầu tư, phát triển cây trồng thế mạnh tại địa phương. 

 

 

                                                                         Hồng Duyên

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục