Chiều qua, lần đầu tiên, phiên thảo luận của QH về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và nhân dân cả nước. Ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác này năm 2017, song các ĐBQH cũng chỉ rõ, phương thức hữu hiệu nhất để bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chính là đối thoại. Nghe dân nói và nói cho dân nghe. Đẩy mạnh thực hiện phương thức này sẽ giúp "hạ nhiệt” những băn khoăn, bức xúc trong dân và từ đó, tìm được hướng giải quyết thấu đáo nhất.

10 vụ khiếu nại, tố cáo chỉ có 1 vụ đúng?

Nhiều ĐBQH đánh giá, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 đã có những chuyển biến rất tích cực. Khiếu nại tố cáo đã giảm trên hầu hết các tiêu chí, cả về số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan hành chính (giảm 8,5%), số đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 8,9%) đến số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (giảm 14,8%)... Theo ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), kết quả này là nhờ các ngành, các cấp đã có nhiều chủ trương, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, việc kiểm tra, rà soát các vụ việc phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; trong đó, phải ghi nhận đóng góp tích cực của ngành thanh tra, cơ quan chính trong việc tham mưu, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tuy nhiên, một số ĐBQH còn băn khoăn khi diễn biến các vụ việc khiếu nại tố cáo vẫn còn phức tạp, gay gắt, khó lường. Đáng buồn là, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp còn nhiều, số đoàn khiếu nại tố cáo đông người đã tăng lên 10,2% so với năm 2016. "Chúng ta không khỏi đau xót khi chứng kiến, khiếu nại, tố cáo dai dẳng từ năm này sang năm khác, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Thậm chí, người khiếu nại đã mất và người con lại là người tiếp tục đi khiếu nại”, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) day dứt.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường


Đi sâu vào phân tích các con số, ĐBQH Dương Minh Tuấn chỉ rõ, Báo cáo của Chính phủ có nêu, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt trên 83,9%. Con số này tuy cao hơn các năm trước, nhưng lại chưa đạt mục tiêu đề ra là 85%. Trong số các vụ việc khiếu nại, Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm các vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng thời hạn; bao nhiêu phần trăm được giải quyết bằng hình thức quyết định; bao nhiêu vụ khiếu nại tố cáo được trả lời bằng văn bản, chuyển đơn, thông cáo… Và bao nhiêu vụ đã chấm dứt không còn khiếu nại, tố cáo.

Cũng trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ đơn khiếu nại sai xấp xỉ 75%; tỷ lệ khiếu nại có đúng, có sai là 25% (trong đó, khiếu nại đúng hoàn toàn chỉ khoảng 20%). Tương tự, nội dung tố cáo sai là 72%, tố cáo có đúng có sai là 28% (tố cáo đúng hoàn toàn chỉ chiếm 10,5%). Cũng có nghĩa là, cứ 20 vụ khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền sẽ có 5 vụ vừa đúng, vừa sai; 10 vụ khiếu nại, tố cáo thì chỉ có 1 vụ đúng hoàn toàn?

Các ĐBQH mong muốn, Chính phủ phải chỉ rõ về chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những gì, chưa đạt được những gì, thay vì những con số mang tính chất tổng hợp như vậy.

Đối thoại với dân - phép thử với năng lực cán bộ

Một thiếu sót nữa trong Báo cáo của Chính phủ cũng được ĐBQH lưu ý, đó là chưa nhìn nhận đúng và trúng tình trạng thiếu sâu sát với nhân dân, chưa lắng nghe và đối thoại với người dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) dẫn chứng, các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu về khiếu nại, tố cáo và an ninh nông thôn đã chỉ ra rằng, hầu hết vụ việc phức tạp, điểm nóng đều phát sinh từ cơ sở. Việc trong dân thì xảy ra hàng ngày, việc nhỏ có, việc lớn có, từ việc bình thường đến việc bức xúc, phức tạp. Vì vậy, cán bộ cơ sở phải luôn sâu sát, gần dân, sớm nắm bắt vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ và đối thoại với nhân dân ngay từ khi vụ việc mới manh nha.

Đối thoại vốn được quy định là hình thức người có thẩm quyền ngồi với dân, để giải quyết công việc của dân, giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, nghe dân nói, nói cho dân nghe, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn, điểm nóng trong nhân dân, nghe sáng kiến của dân, giúp dân. Ở chiều ngược lại, khi được lắng nghe và giải thích, người dân cũng sẽ tin tưởng vào chính quyền hơn.

ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng nhắc lại những ví dụ điển hình về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân như: Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường chủ trì cuộc đối thoại với 300 tiểu thương đã giúp tiểu thương yên lòng, khép lại vụ việc phức tạp kéo dài hơn 1 năm qua. Hay Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo ban, ngành đối thoại với dân đã làm cho điểm nóng được hạ nhiệt, giải quyết thành công nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo của công dân.

Đối thoại giữa chính quyền và nhân dân, giữa cán bộ thực thi công vụ với người dân có tác động lan tỏa như vậy, nhưng dường như, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến phương thức này. ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) chỉ rõ, trong 9 tháng năm 2017, chỉ có 17 tỉnh có người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân và đối thoại với công dân; 13 tỉnh, người đứng đầu ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân; các địa phương còn lại chỉ giao cho các cơ quan chuyên môn tiếp công dân.

Các ĐBQH cho rằng, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan hành chính các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân; xử lý nghiêm cán bộ không thực hiện tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Phải coi đây là một trong những nội dung công tác phải kiểm điểm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, kiểm điểm đảng viên vào cuối năm. Đồng thời, cần sớm luật hóa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, về trách nhiệm đối thoại của người đứng đầu chính quyền, nhất là UBND cấp huyện, cấp xã đối với Nhân dân định kỳ mỗi năm một lần, ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Không phải ai cũng có năng lực đối thoại với dân, đối thoại còn là phép thử đối với cán bộ. Cán bộ có năng lực yếu, bản lĩnh không vững vàng, không nắm chắc công việc sẽ rất sợ đối thoại với dân. Cán bộ ở cơ sở không giữ gìn, rèn luyện phẩm chất cũng khó ngồi với dân vì buổi đối thoại có thể là diễn đàn để dân phê bình, tố cáo cán bộ, thậm chí chính với người đang chủ trì đối thoại. Nhưng đối thoại là phương thức hữu hiệu nhất để bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nghe dân nói và nói cho dân nghe. Niềm tin, mối quan hệ khăng khít giữa người dân và chính quyền cũng sẽ từ đối thoại, từ lắng nghe mà được củng cố bền chắc. Dân tin, dân ủng hộ thì làm việc gì cũng thành công. 

 

                                                      TheoDaibieunhandan

Các tin khác


Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi chăm lo đời sống hội viên

Phát huy vai trò của tổ chức Hội, bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bôi luôn đồng hành, chăm lo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng văn hóa an toàn giao thông từ mỗi cán bộ, chiến sỹ

Thời gian qua, thực hiện tốt phương châm "xây dựng văn hóa an toàn giao thông (ATGT) là nâng cao ý thức chấp hành ATGT từ mỗi quân nhân”, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) về nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông. Nhờ vậy từng bước hình thành và xây dựng văn hóa ATGT trong mỗi cơ quan, đơn vị và CBCS.

Giữ vững trận địa tư tưởng

Đó là tinh thần, quan điểm xuyên suốt của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trên mặt trận đấu tranh, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng trong thời gian qua.

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024

Sáng 16/4, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I; kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của cấp uỷ và UBKT các cấp trong Đảng bộ; triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II/2024.

Huyện Tân Lạc: Đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Nếu năm 2022, huyện Tân Lạc xếp thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh thì năm 2023, căn cứ kết quả công bố tại Quyết định số 3016/QĐ-UBND, ngày 26/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá kết quả chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND huyện, huyện Tân Lạc đạt 86,26 điểm chỉ số CCHC, xếp thứ 9/10 huyện, thành phố. Hiện nay, huyện đang tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục