(HBĐT) - Năm 2016, cam Cao Phong được mùa và tiếp tục có những bước đi vững chắc, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Cao Phong đang khai thác hiệu quả lợi thế tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lực KH-KT, lao động, phát triển vùng cam hàng hóa mang cuộc sống ấm no, giàu có cho người nông dân.
Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ nông nghiệp - du lịch - thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 thu hút trên 100.000 lượt người thăm quan, mua bán; tiêu thụ 1.000 tấn cam, quýt các loại.
Thị trấn Cao Phong những ngày áp Tết thiên nhiên, đất trời giao hòa cùng lòng người ngập tràn hương sắc mùa xuân. Nắng ấm cuối đông hanh hao, vàng như rót mật trên vùng thảo nguyên mướt xanh. Nụ cười, ánh mắt người nông dân rạng rỡ. Đón Tết, nhiều khu vườn, cam vẫn sai trĩu quả căng tròn mọng nước. Thị trấn Cao Phong là phố cam sầm uất. Năm 2016, cam Cao Phong gặt hái được những thành quả to lớn.
Từ khi được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam vào năm 2014, đến nay, cam Cao Phong có những bước tiến dài, khẳng đinh vị trí trên thị trường. Không chỉ chinh phục các thị trường lớn ở khu vực miền Bắc, cam Cao Phong đã bắt đầu “nam tiến”. Năm 2016, cam Cao Phong được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”, đặc biệt thông qua 2 lần tổ chức Lễ hội cam vào năm 2015 và năm 2016, sản phẩm Cam Cao Phong tiếp tục tạo dựng được uy tín trên thị trường, tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân trồng, kinh doanh cam của huyện đã được cấp giấy chứng nhận và các giải thưởng sản phẩm sạch và an toàn do các tổ chức có uy tín bình chọn.
Một mùa xuân ấm no và tươi sáng hiển hiện trên vùng đất Mường Thàng. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi của huyện là 2.078 ha, trồng tập trung ở thị trấn Cao Phong và các xã: Tây Phong, Bắc Phong, Thu Phong, Dũng Phong, Yên Lập, Đông Phong... Toàn huyện có 900 ha cây thời kỳ kinh doanh, trung bình đạt 700 triệu đồng/ha. Năm 2016, đạt sản lượng 23.000 tấn. Giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, doanh thu từ cam đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng. Đây có thể xem là doanh thu từ sản xuất nông nghiệp đáng mơ ước của nhiều địa phương trong nước. Những hộ giàu có từ trồng cam cũng được nâng lên cùng với thời gian. Cả huyện có khoảng 400 hộ thu nhập từ 100-500 triệu đồng, 122 hộ trên 500 triệu đồng, 44 hộ thu từ 1 - 3 tỷ đồng, trên 3 tỷ không dưới 10 hộ.
Trao đổi về định hướng cho cây cam trong tương lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Hồ Xuân Dũng cho biết: Cao Phong đang thực hiện các giải pháp phát triển thương hiệu cam nhằm thực hiện có hiệu quả định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trong đó sẽ quản lý tốt chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong. Tổ chức cho các tổ chức, cá nhân buôn bán cam, quýt ký cam kết không vì hám lợi mà nhập các loại cam, quýt từ nơi khác vào địa bàn trà trộn với cam Cao Phong để tiêu thụ kiếm lời. Tiếp nhận có chọn lọc các loại phân bón, chế phẩm sinh học phù hợp phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Huyện khuyến khích định hướng cho các hộ dân, tổ hợp tác sản xuất, HTX, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học. Làm tốt khâu quản lý và sản xuất giống có chất lượng, bố trí cơ cấu giống theo hướng rải vụ để có sản phẩm cam, quýt 8 tháng trong năm. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, AseanGap, EuroGap để bảo đảm chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch và an toàn. Huyện phấn đấu 100% diện tích cam sản xuất theo quy trình VietGap.
Khảo sát vùng cam Cao Phong, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT ghi nhận những bước đi đúng đắn và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, người dân huyện Cao Phong đã khai thác tốt tiềm năng, xây dựng vùng sản xuất cam hàng hóa, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM, trong đó du lịch dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao làm nền tảng. Tin tưởng nông dân Cao Phong và tỉnh Hòa Bình có thể làm giàu bền vững trên chính đồng đất quê hương.
Lê Chung
(HBĐT) - Chiềng Châu là xã vùng thấp của huyện Mai Châu được chia thành 6 xóm với 889 hộ, trên 3.600 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm trên 90%. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng xóa đói - giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong xã. Nhờ tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,07%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng.
(HBĐT) - Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư T.ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thu được những kết quả quan trọng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là công cụ hiệu quả giúp thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
(HBĐT) - Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huyện Mai Châu đang tích cực triển khai đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng NTM và phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay có 14/22 xã trên địa bàn huyện đã xây dựng đề án còn lại 8 xã gồm: Tân Dân, Hang Kia, Pù Bin, Noong Luông, Nà Mèo, Đồng Bảng, Tân Sơn, Chiềng Châu chưa xây dựng. Đề án này nhằm tạo ra mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, HTX với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân ở nông thôn.
(HBĐT) - Theo BCĐ 800 huyện Lạc Sơn, năm 2016, huyện Lạc Sơn đã huy động nguồn lực 215,648 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn trực tiếp từ chương trình MTQG xây dựng NTM 22,450 tỷ đồng, bằng 10,4%; vốn ngân sách tỉnh 80,235 tỷ đồng, bằng 37,3%; nguồn vốn khác 25,869 tỷ đồng, bằng 12%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 48 công trình 17,180 tỷ đồng, bằng 7,96%; ngân sách huyện 56,193 tỷ đồng, bằng 26%; nguồn vốn từ nhân dân đóng góp 13,721 triệu đồng, bằng 6,34%.
(HBĐT) - Năm 2016, huyện Lương Sơn thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, toàn huyện đã trồng 817 ha rừng, đạt 116,8 % kế hoạch, bằng 106,7% so cùng kỳ năm 2015; trồng trên 40.000 cây cây phân tán các loại, sản lượng gỗ khai thác ước 28.000 m3, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%.
(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 11/2016, cùng cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, chúng tôi về thăm xã Mỵ Hòa. Câu chuyện bà con nói nhiều nhất là giá cam bán được bao nhiêu? Từ tiền bán cam, Tết này sẽ mua sắm gì? Đây là năm đầu tiên cây cam trên đồng đất Mỵ Hòa cho thu hoạch. Thu nhập từ cam đang đem lại cuộc sống mới cho nhiều hộ dân nơi đây.