(HBĐT) - Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, đồng thời hưởng ứng phong trào thi đua “Đà Bắc chung sức xây dựng NTM”, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, nguồn vốn từ Dự án giảm nghèo, Chương trình 135, đến nay, xã Vầy Nưa đạt 10 tiêu chí NTM. Các tiêu chí còn lại gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, môi trường đang được chính quyền và nhân dân trong xã nỗ lực thực hiện để hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Xuất phát điểm thấp, điều kiện KT-XH khó khăn nên tiến trình xây dựng NTM ở xã Vầy Nưa diễn ra khá chậm. Một trong những trăn trở lớn của cấp ủy, chính quyền nơi đây không thể không nói tới những chỉ tiêu về tiêu chí số 2 trong bộ tiêu chí quốc gia.
Hiện nay, nhiều tuyến đường liên thôn, đường nội đồng đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo, ảnh hưởng lớn tới lưu thông của người dân. Đặc biệt vào mùa mưa, những vũng nước lớn trên đường lầy lội, trơn trượt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông. Đồng chí Xa Văn Đẳng, cán bộ phụ trách lĩnh vực NTM của xã cho biết: Xã đã xây dựng kế hoạch, lập đề án trình cấp có thẩm quyền cải tạo một số tuyến đường, cụ thể như: tuyến đường dài trên 2.400 m từ xóm Thín đến xóm Tham, tuyến đường gần 4 km từ xóm Thín đến xóm Lau Bai và tuyến đường trên 7 km từ xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) đến xóm Nưa. Đề án cải tạo, cứng hóa các tuyến đường còn lại hiện vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong năm 2017.
Tuyến đường từ xóm Thín đến xóm Tham đang chuẩn bị khởi công xây dựng.
Một tiêu chí khó thực hiện không kém đối với xã Vầy Nưa là tiêu chí môi trường. Với địa hình nhiều đồi núi dốc, diện tích đất bằng phẳng không nhiều nên việc tìm mặt bằng quy hoạch xây dựng nghĩa trang khiến chính quyền xã phải trăn trở. Bên cạnh đó, bãi rác tập trung chưa được quy hoạch xây dựng, chưa thành lập tổ thu gom rác ở các thôn, xóm, lượng rác thải sinh hoạt chỉ được xử lý bằng cách tự tiêu hủy tại nơi ở làm cản trở việc hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường.
Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập và trường học cũng là những tiêu chí khó trong tiến trình xây dựng NTM nơi đây. Đời sống người dân nói chung ở mức thấp bởi thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 45%, thu nhập bình quân đầu người 13,8 triệu đồng (thấp hơn 5,2 triệu đồng so với mức bình quân chung của huyện). Với tiêu chí trường học, chất lượng giáo dục của 4 trường trên địa bàn chưa được nâng cao do thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Thêm nữa, hầu hết các trường không đủ diện tích đất xây dựng nhà đa năng phục vụ hoạt động sinh hoạt tập thể của học sinh, đồng nghĩa với việc chưa đạt chuẩn quốc gia và cũng chưa hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học.
Đồng chí Đinh Thế Hùng, Phó Bí thư Thừong trực Đảng ủy xã, Phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Vầy Nưa: Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động tới cộng đồng, từng hộ dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung chung. Huy động thêm nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa. Đồng thời, để cải thiện tiêu chí hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, xã chủ trương lựa chọn 1 - 3 cây, con, ngành nghề có triển vọng để quy hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực, chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, đào tạo thêm nhân lực, hướng dẫn nhân dân áp dụng KH-KT vào sản xuất. Xã nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành được 14 tiêu chí NTM.
Thu Hằng
(HBĐT) - Thời gian qua, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trên các hồ thủy lợi và nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình phát triển mạnh. Hiện, toàn tỉnh có 2.785 ha ao, hồ nhỏ nuôi trồng thủy sản; 3.855 lồng nuôi cá. Các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý môi trường, ương nuôi cá bột, thu hoạch cá thương phẩm, cải tạo ao, hồ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
(HBĐT) - Không có nước để gieo cấy, nhiều năm qua, nông dân ở xóm Cha Long, xã Tòng Đậu (Mai Châu) chuyên canh trồng rau sạch với nhiều sản phẩm đa dạng. Hướng đi này không chỉ biến khó khăn thành lợi thế mà còn đem lại kết quả thiết thực giúp bà con xóm Cha Long nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
(HBĐT) - Sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thủy thường xuyên đối mặt với diễn biến cực đoan của thời tiết. Chính vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, Yên Thủy huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển diện tích lúa cấy không ăn chắc, diện tích cây màu kém hiệu quả sang trồng cây các loại cây trồng có giá trị cao hơn như khoai sọ, mía tím, mướp đắng lấy hạt và cây dược liệu.
(HBĐT) - Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiểu một cách đơn giản nhất, tái là trên những nguồn lực hiện có ở các địa phương sẽ bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ để tập trung nguồn vốn đầu tư vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.
(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có bước đi đúng thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cấp ủy, chính quyền và người dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã bước đầu xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa cây ăn quả có múi cho hiệu quả cao với 2 loại cây là cam và bưởi đỏ, đem lại thu nhập cao cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
(HBĐT) - Hòa Bình được đánh giá là tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, bước đầu tạo được sự chuyển động trong tư duy và tổ chức sản xuất trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế, xây dựng các sản phẩm nông sản có lợi thế gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh vẫn còn khó khăn, bất cập cần giải quyết từ vấn đề nhận thức về tái cơ cấu; thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, huy động các nguồn lực; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng chuỗi liên kết, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững.