(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 3 km, xã Chiềng Châu (Mai Châu) có tổng diện tích tự nhiên là 16,8 7 km2, dân cư được phân bố thành 6 xóm với 4 dân tộc cùng chung sống, nghề nghiệp chính là trồng trọt, chăn nuôi. Những năm gần đây, ngành nghề dịch vụ, du lịch phát triển góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Tháng 12/2015, sau nhiều năm phấn đấu, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã lãnh đạo nhân dân trên địa bàn giữ vững xã đạt NTM.
Về xã Chiềng Châu bây giờ có thể dễ dàng nhìn nhận cuộc sống ấm no của người dân. Những thửa ruộng được chăm sóc xanh mướt mắt. Những con đường bê tông trải dài uốn lượn bên cạnh những ngôi nhà sàn người Thái khang trang, gọn gàng. Giới thiệu phong tục bản sắc của người Thái, bà Ngần Thị Yết, xóm Chiềng Châu phấn khởi cho biết: Cuộc sống gia đình tôi và bà con trong xã đã khác xưa nhiều. Gia đình tôi có 2.000 m2 ruộng. Bên cạnh cấy lúa 2 vụ/năm, gia đình trồng thêm vụ 3 với cây ngô là chủ yếu cũng đủ trang trải cuộc sống và chăn nuôi trung bình 10 con lợn/lứa và 2 con bò.
Gia đình bà Ngần Thị Yết, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đầu tư chăn nuôi lợn tăng thu nhập.
Đồng chí Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Cuộc sống của trên 800 hộ dân xã Chiềng Châu những năm gần đây đã đổi thay nhiều. Xã đã chỉ đạo các ngành, các xóm và nhân dân tích cực ứng dụng KH-KT vào sản xuất, triển khai kế hoạch sản xuất theo khung thời vụ, điều tiết nước hợp lý, chuyển một số diện tích đất lúa không ăn chắc sang gieo trồng các loại cây màu. Năm 2016, tổng diện tích lúa của xã có 202,8 ha, năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha; diện tích ngô 12,5 ha, năng suất đạt 40 tạ/ha. Xã duy trì số lượng gia súc, gia cầm ổn định. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, xã thực hiện tốt công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, ổn định độ che phủ rừng 73%. Xã duy trì, giữ vững xã đạt chuẩn NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong năm 2016, bằng các nguồn vốn lồng ghép và vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND xã đã chỉ đạo các xóm kết hợp làm mới 1.682 m kênh mương xóm Lác - Mỏ - Chiềng Châu - Nà Sò với tổng mức đầu tư trên 956 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 748 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 207 triệu đồng. Làm đường giao thông nội đồng xóm Lác - Chiềng Châu - Nà Sò với tổng mức đầu tư trên 1,2 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 841 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 397 triệu đồng. Công trình phụ trợ UBND xã 250 triệu đồng. Thực hiện nguồn vốn phát triển, xã đã tu sửa 1 chi trường mầm non ở xóm Lác; làm đường giao thông nông thôn tại xóm Mỏ và xóm Nà Sài với tổng vốn đầu tư do Nhà nước hỗ trợ 175 triệu đồng. Nhà văn hóa xóm Nông Cụ 40 triệu đồng và công trình nhà vệ sinh 250 triệu đồng.
Đặc biệt, trên địa bàn xã có điểm du lịch cộng đồng bản Lác từ lâu đã được nhiều người biết như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo thống kê của xã, trong năm có 2.548 lượt đoàn khách trong nước và ngoài nước đến thăm quan du lịch tại địa bàn với 19.845 lượt người. Từ phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Năm 2016, giá trị sản xuất thương mại, du lịch và dịch vụ của xã đạt 30.850 triệu đồng, chiếm 37,41% trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/người.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng giáo dục ở các bậc học và phổ cập giáo dục đạt kế hoạch đề ra. Trên địa bàn xã có trường tiểu học và trường mầm non đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Chất lượng khám - chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân không ngừng nâng cao; 100% xóm đã có y tế thôn, bản hoạt động có hiệu quả. Y tế xã giữ vững chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011- 2020. Hoạt động văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Toàn xã có 13 đội văn nghệ, 5 đội bóng chuyền nam, 5 đội bóng chuyền nữ thường xuyên giao lưu và biểu biễn phục vụ khách du lịch. Năm 2016, xã có 4/6 làng văn hóa, trong đó có 3 làng văn hóa được UBND huyện công nhận 3 năm liên tục đó là xóm Lác, Nông Cụ và Nà Sài với 751/897 hộ đạt gia đình văn hóa, 547 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục; 3 trường đạt cơ quan văn hóa nhiều năm liên tục. Bộ mặt nông thôn mới ấm no đang hiện hữu trên vùng đất Chiềng Châu đổi mới, giàu bản sắc.
(HBĐT) - Khởi điểm xây dựng NTM từ năm 2011, xã Tu Lý (Đà Bắc) mới đạt 9 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53%, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm. Hết năm 2016, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, kết hợp với huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đã giúp xã hoàn thành 16 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
(HBĐT) - Có dịp về Hợp Thành (Kỳ Sơn) những ngày này mới thấy tinh thần NTM đang trở thành “làn sóng” thi đua sôi nổi của người dân nơi đây. Những con đường được mở rộng, bê tông hóa trên từng làng quê, ngõ xóm. Những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng trong những vườn cây ăn quả xanh tốt. “Bức tranh” NTM hiện lên thật đẹp và gần gũi.
(HBĐT) - Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016-2020 thay thế Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009; các quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2016; bộ tiêu chí từ 39 nội dung tăng lên 49 nội dung. Trong đó có 8 tiêu chí giữ nguyên; 6 tiêu chí sửa đổi, bổ sung; 5 tiêu chí và 13 nội dung phân cấp cho tỉnh hướng dẫn thực hiện.
(HBĐT) - Sáng nay (13/3), UBND huyện Lương Sơn phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư QueensLand – Chủ đầu tư dự án Phố chợ Lương Sơn tổ chức bốc thăm phân bổ vị trí chỗ ngồi kinh doanh khu chợ trung tâm huyện Lương Sơn.
(HBĐT) - Sau 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, xã Trung Hòa (Tân Lạc) mới đạt 6 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.
(HBĐT) - Trước đây, trên cánh đồng không mấy bằng phẳng của xóm Vín Hạ, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) người dân trồng sắn để cải thiện cuộc sống nhưng kết quả mong đợi không cao. Cũng với cánh đồng này, khi Dự án Giảm nghèo triển khai liên kết trồng và tiêu thụ mía đường kể từ niên vụ 2016, trong đó bà con được hỗ trợ giống, phân bón, kết nối với đơn vị tổ chức thu mua giúp đỡ về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm, thu nhập của người dân đã có sự khác biệt, đời sống khấm khá hơn.