Người dân xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) trồng rau hữu cơ cung cấp cho thị trường Hà Nội đem lại thu nhập ổn định.
Đồng chí Trần Xuân Phúc, Trưởng phòng LĐ -TB&XH huyện Lương Sơn cho biết: Kết thúc giai đoạn 2010- 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 13,03% xuống còn 4,35% (theo chuẩn nghèo cũ). Theo kết quả điều tra cách tiếp cận đa chiều, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 6,43%. Năm 2017, huyện phấn đấu giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, huyện đã giao kế hoạch cho các xã, thị trấn để giảm tỷ lệ hộ nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cùng với đó, các phòng chức năng của huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung giải quyết những thiếu hụt, không giàn trải mà đi vào giải quyết theo nguyên nhân nghèo.
Hiện nay, các xã, thị trấn huyện Lương Sơn cơ bản đã khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện từng vùng. Cụ thể, các xã: Hợp Châu, Trường Sơn, Tân Thành, Cao Dương, Thanh Lương, Long Sơn, ngoài tập trung phát triển nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi, chú trọng tìm nghề phụ mây, tre đan để tăng thêm thu nhập. Vùng trung, vùng giữa của huyện như: Liên Sơn, Trung Sơn, Thành Lập, Cư Yên, Nhuận Trạch tập trung sản xuất nông nghiệp, xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa. Các xã vùng huyện, cùng với phát triển nông nghiệp còn đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ trồng cam, bưởi, sản xuất rau hữu cơ ở thị trấn Lương Sơn và các xã: Hợp Hòa, Nhuận Trạch, Thành Lập. Từ một trong những xã khó khăn nhất của huyện, hiện nay, người dân xã Trường Sơn đầu tư trồng luân phiên rừng sản xuất đem lại hiệu quả cao. Cùng với trồng rừng, các xã: Hợp Châu, Tân Thành, Cư Yên, Tân Vinh, Hợp Hòa chuyển sang trồng bưởi Diễn, ổi…
Bên cạnh đó, tất cả các vùng trên địa bàn huyện đều hướng các doanh nghiệp vào tuyển dụng lao động, tích cực hướng người lao động vào các khu công nghiệp trong, ngoài huyện và ngoài tỉnh. Lực lượng lao động đông, số lao động phi nông nghiệp ngày càng gia tăng, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện chiếm 55%, điều này cho thấy, huyện có thế mạnh về nguồn lực lao động. Tỷ lệ người lao động đi làm tại các doanh nghiệp ngày càng cao với mức lương bình quân từ 4- 6 triệu đồng /người/tháng, góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Từ một huyện thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện Lương Sơn đã có bước chuyển tích cực với công nghiệp, dịch vụ chiếm 83,48%, nông nghiệp còn 16,52%. Năm 2016, thu nhập bình quân đạt 43 triệu đồng /người. Năm 2017, huyện phấn đấu tăng lên 47 triệu đồng /người.
Theo đồng chí Trần Xuân Phúc, hiện nay, để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, thách thức đặt ra đối với huyện là phải xác định và giải quyết các nguyên nhân nghèo, trong đó có thiếu kiến thức, thiếu vốn sản xuất và thiếu lao động. Trong thời gian tới, huyện tập trung hướng vào dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, nắm bắt nhu cầu thị trường cho các đối tượng thiếu kiến thức. Đối với các hộ thiếu vốn, Ngân hàng CSXH sẽ tập trung rà soát, cho vay đúng đối tượng, đem lại hiệu quả. Riêng đối với nguyên nhân thiếu lao động là khó khăn, thách thức lớn nhất trong công tác giảm nghèo. Điều quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền để xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Tiến tới giảm dần trợ cấp cho không, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn, kiến thức, đất sản xuất để họ tự lực vươn lên thoát nghèo.
Hương Lan
(HBĐT) - Nông, lâm trường quốc doanh của tỉnh chủ yếu được hình thành từ những năm 1960, được giao quản lý diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn. Trên địa bàn tỉnh trước đây có 6 nông trường và 8 lâm trường thực hiện giao khoán trên 31.000 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản cho hộ gia đình, cá nhân là công nhân, viên chức đang làm việc, đã nghỉ hưu theo Nghị định số 01/CP năm 1996 của Chính phủ.