Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố khuyến cáo người chăn nuôi một số vấn đề sau:
* Về xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc: Sở NN&PTNT khuyến cáo người chăn nuôi lợn không nên tăng quy mô đàn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong nước; đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc và thị trường các nước khác bằng cách áp dụng chặt chẽ các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt vệ sinh môi trường, phòng bệnh, giết mổ và bảo quản đúng quy trình, xây dựng và tham gia các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối.
Hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi trong tỉnh đã quan tâm đến an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để nâng cao chất lượng sản phẩm thịt lợn.
* Về phát triển các loại vật nuôi chủ lực của tỉnh:
- Chăn nuôi lợn: Phát triển, tăng số lượng đàn lợn bản địa theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái; thành lập các tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu lợn bản địa.
Đối với lợn công nghiệp, chăn nuôi theo chuỗi khép kín đối với doanh nghiệp hoặc tham gia vào các khâu trong chuỗi; xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa...
- Chăn nuôi gia cầm: Phát triển tăng quy mô đàn gà Lạc Thủy, Lạc Sơn, vịt Bầu Bến; xây dựng các mô hình chăn nuôi gà đặc sản, hữu cơ theo chuỗi và xây dựng thương hiệu.
Gà công nghiệp tập trung trong các trang trại, gia trại theo quy hoạch. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi gia cầm áp dụng quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, áp dụng VietGap trong chăn nuôi.
- Chăn nuôi bò: Cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng giống bò địa phương gắn với áp dụng quy trình vỗ béo có sử dụng thức ăn ủ chua, thức ăn tinh bổ sung. Trồng cỏ và ngô sinh khối đi kèm với chế biến và các phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn cho bò...
- Chăn nuôi trâu: Cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng đàn trâu. Phát triển trồng cỏ, cây thức ăn xanh và chế biến nguồn phụ phẩm, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn trâu, nhất là các tháng mùa đông...
- Chăn nuôi dê: Tăng quy mô đàn dê ở các địa phương có điều kiện phát triển, hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi dê; lập kế hoạch tiêu thụ; hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng con lai dê ngoại với dê bản địa làm con giống nuôi thịt để nâng cao năng suất, đảm bảo khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu...
* Thu gom, bảo quản, chế biến rơm: Hàng năm, tỉnh sản xuất ra lượng rơm tương đối lớn. Đây là nguồn thức ăn thô quan trọng trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là trâu, bò. Tuy nhiên, việc thu gom, bảo quản và chế biến rơm còn hạn chế, gây lãng phí rất lớn, trong khi trâu, bò vẫn thiếu nguồn thức ăn thô, đặc biệt là vào vụ đông xuân. Vì vậy, Sở NN&PTNT khuyến nghị người chăn nuôi thu gom rơm, hướng dẫn kỹ thuật chế biến, dự trữ rơm, rạ, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò vào vụ đông xuân.