Chủ nông trại Linh Dũng và vườn nấm linh chi đỏ (xích chi) hữu cơ chuẩn bị cho thu hoạch.
Mục đích mà người chủ nông trại – tiến sỹ Nguyễn Hồng Yến muốn hướng tới đó là quảng bá vườn canh tác hữu cơ, bởi trên thực tế, nấm linh chi chỉ sống được ở điều kiện môi trường tự nhiên, không hóa chất. Nếu nông hộ can thiệp bằng bất kỳ phương cách nào có yếu tố hóa học, nấm sẽ chết. Theo anh, có 6 loại nấm linh chi, để phân biệt người ta dựa vào màu sắc tán nấm. Xích chi hay còn có tên gọi khác là hồng chi chính là 1/6 loại nấm linh chi quý được anh lựa chọn trồng thử nghiệm dưới sự chuyển giao kỹ thuật của tác giả Nguyễn Tiến Ky, Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam). Để chuẩn bị cho vườn trồng, người chủ nông trại đã phải ủ nguyên liệu từ vài tháng trước (vào dịp đầu năm), hoàn tất các khâu đào rãnh, tạo luống, múc hết đất đi, tiếp đó là lót phủ mùn cưa lim mua từ các cơ sở xẻ gỗ xuống toàn bộ khu vực trồng. Cuối tháng 4 là thời điểm rải các bịch đã được cấy sẵn giá thể nấm lên lớp mùn cưa có sẵn. Tiếp đó, anh phủ lên các giá thể thêm một lớp mùn cưa.
Đáng chú ý, để trồng thử nghiệm thành công, người chủ nông trại trước khi đưa giá thể nấm xuống trồng đã ủ vôi, ủ kỹ với mùn cưa để tránh về sau vùng trồng bị nhiễm nấm tạp và gây thối nấm. Công thức anh thực hiện là 20 kg – 30 kg vôi ủ/1 tấn mùn cưa. Tại vườn nấm linh chi khoảng 300 m2, anh sử dụng 4 tấn mùn cưa để rải phía dưới và phủ thành từng lớp bên trên. Với công nghệ trồng nấm này, anh khẳng định việc trồng không khó, yêu cầu cần được đáp ứng là nấm phải có môi trường độ ẩm phù hợp để phát triển, ẩm độ không khí đủ cao (80 - 90%), ẩm độ trong giá thể có thể thấp hơn (60 - 70%). Khâu quan trọng thứ hai chính là việc xử lý nguyên liệu bằng ủ vôi để tránh nhiễm bệnh trên nấm.
Với 1.000 bịch nấm, nguồn cung cấp giống từ Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ, đến thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, tức sau 60 ngày kể từ lúc xuống giống, nông trại Linh Dũng đã thu hoạch lứa nấm đầu. Sau khi phơi khô dưới ánh sáng tự nhiên trong vài ngày và cách phơi khá cầu kỳ, nông trại đã cho ra thành phẩm nấm linh chi đỏ có giá trị kinh tế cao được đóng gói và ngâm rượu làm thuốc. Với mô hình trồng thử nghiệm lứa nấm đầu, anh Yến cho biết, vừa qua, anh thu được khoảng 10 kg nấm linh chi khô với giá 1,7 triệu đồng/kg, vì vậy phải đến lứa thứ 2 mới thu hồi đủ vốn đầu tư khoảng trên 30 triệu đồng cho 1.000 bịch nấm. Tuy nhiên, nguồn lợi nhuận có được từ đây còn rất lâu dài. Khoảng 1 tháng nữa, lứa thu thứ 2 bắt đầu. Thông thường mỗi năm nấm cho thu 4 – 5 lứa gối tiếp nhau, chu kỳ thu hoạch ít nhất 4 – 5 năm.
Cũng chính vì thế mà bên cạnh việc quảng bá cho sản phẩm canh tác hữu cơ, chủ nông trại còn đầy ắp hy vọng và dự định sẽ mở rộng thêm mô hình với việc nhân thêm 2.000 bịch giống nữa trong thời gian tới. Hiện nay, sản phẩm nấm linh chi hữu cơ từ nông trại chưa đủ cung ứng ra thị trường. Sau khi đưa mẫu nấm đi phân tích tại Viện Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả nấm không có dư lượng độc tố và vi sinh vật.