Nhóm nuôi dê ở xóm Lương Cao, xã Lạc Lương (Yên Thủy) quy mô 10 con, giá trị đầu tư trên 34 triệu đồng đang cho sinh sản, có đầu ra ổn định theo liên kết đối tác sản xuất.
Một liên kết thị trường khác cũng được triển khai trong năm nay là liên kết đối tác sản xuất nuôi dê Bách Thảo với 1.023 con giống, tổng kinh phí đầu tư gần 7,5 tỷ đồng, trong đó, vốn dự án hỗ trợ xấp xỉ 5 tỷ đồng, dân góp 1,8 tỷ đồng, vốn đối tác 665 triệu đồng. Đến nay, đối tác đã cấp xong đợt 1 với 510 con, trọng lượng trên 8,8 tấn dê giống cho 19 nhóm và 33 chuồng dê của 3 xã Lạc Hưng, Lạc Sỹ, Bảo Hiệu, đạt 100% kế hoạch. Ban quản lý dự án của huyện tích cực phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Công ty CP V’Star Hòa Bình, Ban Phát triển xã, Ban Giám sát xã thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các nhóm trong quá trình chăm sóc đàn dê theo đúng quy trình kỹ thuật.
Theo anh Bùi Đức Phương, cán bộ Ban quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 phụ trách địa bàn huyện Yên Thủy: Với 17 nhóm đồng sở thích, 259 hộ hưởng lợi, trong đó, 42 hộ thành viên là nữ, liên kết đối tác sản xuất cà gai leo tại 3 xã: Bảo Hiệu, Lạc Sỹ, Hữu Lợi đã trải qua 3 chu kỳ, sản lượng gần 212 tấn, năng suất bình quân đạt 10,2 tấn/ ha/năm. Riêng liên kết đối tác dê Bách Thảo, người dân áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi mới, có đối tác thu mua sản phẩm đầu ra ổn định. Nhờ vậy, đàn dê được chăm sóc, sinh trưởng đồng đều, hầu hết đã sinh sản, trọng lượng sơ sinh trung bình 2,6 kg/con. Các liên kết đối tác sản xuất tại các xã vùng nghèo thuộc dự án đang được thực hiện theo đúng tiến độ. Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan nên không để xảy ra các vấn đề phát sinh lớn.
Cũng với hoạt động liên kết thị trường, người dân chủ động trong sản xuất, tin tưởng lợi ích khi tham gia vào hoạt động liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp để có đầu ra ổn định và bền vững. Đồng chí Bùi Văn Mậu, Phó phòng Tài chính huyện Yên Thủy cho biết: Dự án Giảm nghèo được thực hiện tại các xã: Lạc Sỹ, Lạc Lương, Đa Phúc, Bảo Hiệu, Hữu Lợi. Kể từ đầu giai đoạn bổ sung (2016 - 2018), đến nay đã có 441 tiểu dự án được phê duyệt với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng, trong đó năm 2016 có 219 tiểu dự án, năm 2017 có 222 tiểu dự án. Do thị trường tiêu thụ không ổn định, 16 tiểu dự án trồng mía tím của năm 2016 không thực hiện. Bên cạnh các tiểu dự án liên kết thị trường, Dự án Giảm nghèo cũng tập trung cải thiện sinh kế của người dân vùng hưởng lợi, đồng ý lựa chọn các đề xuất phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của người dân để có những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi lợn sinh sản chiếm 44%, nuôi dê chiếm 31%, còn lại là các loại hình khác như nuôi lợn thịt, trồng bí xanh, nuôi ong lấy mật, ngan lai, gà thịt bản địa… Các hoạt động của dự án về liên kết đối tác sản xuất và sinh kế đã góp phần thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Bùi Minh