Đội ngũ doanh nhân, doanh
nghiệp Việt Nam ngày càng được nhìn nhận đúng về vị trí, vai trò và có những
đóp góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh
khốc liệt, điều mà doanh nghiệp cần nhất, không phải chỉ là sự hỗ trợ mà chính
là môi trường kinh doanh "sạch” và bình đẳng, để doanh nghiệp vững vàng xây
dựng, phát triển được thương hiệu và thị trường.
Thành công nhờ tính
"kỷ luật” và chất lượng
Mỗi doanh nhân, doanh
nghiệp đều có cách đi riêng để hướng tới thành công. Với Công ty Cổ phần Quản
lý và Khai thác Tài sản Dầu khí (PSA), sau hơn 10 năm hình thành và phát triển,
mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành dầu khí, nhưng
nhờ những bước đi táo bạo, vươn ra thị trường ngoài ngành như: quản lý, vận hành
tòa nhà, khách sạn và bếp ăn công nghiệp… mà doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng
nhanh chóng, từ chỗ chỉ khoảng 78 tỷ đồng năm 2008 đến năm 2017 ước đạt khoảng
300 tỷ đồng và là một trong 88 doanh nghiệp đã được Chính phủ công nhận Thương
hiệu Quốc gia năm 2016.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HDQT
Công ty cho biết, thành công này có được bắt nguồn từ chính kỷ luật lao động
chặt chẽ, các quy trình vận hành nghiêm ngặt và đảm bảo sản phẩm, dịch vụ chất
lượng cao và ổn định.
|
Ông Nguyễn Đăng
Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Tài sản Dầu khí
(PSA)
|
"Nói đến năng lực cạnh
tranh, đa số doanh nghiệp nghĩ ngay đến vấn đề giá, nhiều doanh nghiệp cạnh
tranh theo hướng giảm giá sản phẩm dịch vụ để chiếm thị phần. Nhưng tôi lại
nghĩ muốn phát triển bền vững thì phải hướng đến chất lượng. Không bao giờ
chúng tôi chấp nhận chất lượng thấp để đánh đổi thị phần”, ông Quang chia sẻ.
Hội nhập với "cuộc
chơi” toàn cầu
Trong bối cảnh hội nhập
kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam hiện đã ký kết, thực thi, và đang đàm phán
tổng cộng tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nhân, doanh nghiệp
Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội thuận lợi để vươn ra thị trường thế giới.
Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ
tịch HDQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Secoin – chuyên sản xuất các loại vật liệu
xây dựng không nung, lần đầu tiên đạt Thương hiệu Quốc gia, chia sẻ đến nay,
doanh nghiệp đã tới được thị trường của 60 nước trên thế giới.
Cuộc cách mạng Công
nghiệp 4.0 đang cận kề và làm thay đổi nhanh chóng về cách thức sản xuất. Bởi
vậy, doanh nghiệp Việt cần hướng đến các sản phẩm mang thế mạnh riêng của Việt
Nam hoặc những sản phẩm mà thế giới chưa làm, đó là cũng thị trường ngách mà
doanh nghiệp có thể tận dụng để chiếm lĩnh thị phần.
"Chúng ta đang trong cuộc
chơi toàn cầu, hàng rào thuế quan xóa bỏ. Nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam. Khi
đó doanh nghiệp muốn tồn tại phải có suy nghĩ toàn cầu. Trong cuộc chơi toàn
cầu cần tham gia chuỗi sản xuất thì mới bền vững. Khi đó sẽ thành công và bền
vững hơn là hoạt động riêng lẻ”, ông Đinh Hồng Kỳ nhấn mạnh.
Cần môi trường lành
mạnh để doanh nghiệp tự lớn
Hiện, doanh nghiệp tư
nhân chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp hơn 40% GDP và
tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Mặc dù chiếm số lượng đông đảo nhưng lại
gặp nhiều khó khăn, rào cản về cơ chế chính sách và môi trường kinh doanh, chưa
được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Mong muốn của đông đảo
doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là các chính sách cần rõ ràng, minh bạch và công
bằng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, doanh nghiệp trong nước hay nước
ngoài.
Ông Đinh Hồng Kỳ ví von, giống như cá
ở các dòng sông, cần dòng sông sạch thì cá mới sống, doanh nghiệp cũng cần môi
trường "sạch”, loại trừ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Có môi trường lành
mạnh, doanh nghiệp sẽ tự lớn lên.
|
Ông Đinh Hồng Kỳ -
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Secoin
|
Mới đây, Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư
nhân. Có thể nói đây là một cách làm mới, chưa có tiền lệ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ
tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho
rằng: Trước nay các ban, tổ công tác đều là của cơ quan quản lý nhà nước chưa
làm doanh nghiệp ngày nào. Nay Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân có
những doanh nhân thành công và có kinh nghiệm nên sẽ tư vấn và có sáng kiến cho
Chính phủ hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đánh giá cao vai
trò doanh nhân và như vậy sẽ giúp môi trường kinh doanh lấy lại được niềm tin
của các cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Những động thái cắt giảm
thủ tục, điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương hay mới đây là việc nghiên cứu
thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thể hiện sự quyết tâm của
Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh
tế tư nhân vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như
nâng cao vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là luồng gió mới tháo gỡ rào cản, tạo sức
bật để doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn trong thời gian
tới./.