(HBĐT) - Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN & PTNT, huyện Lạc Thủy đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị. Trong đó, chương trình được ưu tiên số một là trồng rau an toàn theo chuỗi.
Nông dân xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) trồng rau an toàn cho giá trị kinh tế cao.
Kể từ năm 2016 đến nay, tại địa bàn các xã, thị trấn của huyện hình thành một số vùng trồng rau an toàn. Lấy các HTX, tổ hợp tác làm nòng cốt, tập hợp đông đảo thành viên, huyện đã triển khai trồng 10 ha rau an toàn. Cụ thể, xã Lạc Long trồng 2,5 ha, xã An Lạc 3,5 ha, xã Cố Nghĩa 4 ha. Các bước tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát chặt chẽ ngoài đồng ruộng đã giúp nông dân tiếp cận và thực hiện phương pháp canh tác an toàn. Hầu hết các loại rau - củ - quả đa dạng, phù hợp với nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng như bắp cải, đậu đũa, bí xanh, rau ngót, muống, dền, bí đỏ, cà chua… Sau khi đủ các điều kiện đảm bảo về khả năng cung ứng thị trường, huyện đã khai trương cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn tại thị trấn Chi Nê. Đây là nơi giới thiệu và bán các sản phẩm trồng trọt an toàn, ngoài rau – củ - quả sản xuất theo chuỗi còn có một số thực phẩm chăn nuôi của các trang trại, nông trại có uy tín trên địa bàn như trứng gà, thịt gia súc, gia cầm… để người tiêu dùng thuận lợi trong việc mua bán hàng hóa rõ nguồn gốc, đảm bảo ATTP.
Theo đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN & PTNT huyện, các mô hình trồng trọt của năm 2016 thành công đã thúc đẩy việc sản xuất theo chuỗi giá trị tại địa phương. Năm 2017, bên cạnh việc duy trì các chuỗi rau, huyện đã ký hợp đồng với Công ty ớt Việt Nam trồng 5 ha ớt tại xã An Lạc, hợp đồng với Công ty CP Xanh miền Bắc trồng ớt với 3,6 ha tại thị trấn Chi Nê, 5 ha tại xã Lạc Long, 6,5 ha tại xã Hưng Thi và 0,7 ha tại xã Khoan Dụ. Đây là loại ớt chỉ địa có giá trị kinh tế. Với mức giá tối thiểu 5.500 đồng/kg, doanh nghiệp cam kết mua toàn bộ sản phẩm do nông dân làm ra. Đặc biệt, khi giá thị trường thế giới tăng, doanh nghiệp cam kết mua với giá bằng 80% giá trị trường thế giới. Đổi lại, người dân tham gia mô hình cam kết bán hết sản phẩm cho Công ty.
Chuỗi ớt giá trị đã thu hút sự tham gia của 632 lao động các HTX, hộ gia đình có đất sản xuất, tổng kinh phí đầu tư cho chuỗi khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, 100% cây giống, vật tư che phủ nilon và lượng phân NPK thời kỳ đầu. Nông dân đầu tư phân hữu cơ, công sức lao động bỏ ra. Hiện chuỗi đang khởi động với việc hoàn thành mở lớp tập huấn canh tác rau an toàn, hộ tham gia mô hình đã cày, bừa ngả cho hả đất, ủ phân chuồng chờ gieo ươm hạt. Dự kiến đến đầu tháng 11/2017 sẽ trồng lứa đầu. Thời gian từ khi trồng đến khi có sản phẩm thu hoạch khoảng 60 ngày. Với năng suất 1 - 1,2 tấn/sào Bắc Bộ, mỗi ha ớt trồng theo chuỗi giá trị đạt trên 160 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân thu lãi 120 triệu đồng trở lên.
Đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu trồng từ 150 - 200 ha rau an toàn. Cũng theo đồng chí Phó phòng NN & PTNT, nếu các chuỗi tiếp tục phát huy hiệu quả, người nông dân sẽ không ngần ngại đầu tư. Về phía huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy, kích cầu nếu huy động, bố trí được nguồn để các chuỗi tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, hình thành thêm những vùng rau an toàn thực phẩm đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.
Bùi Minh
Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 cho thấy Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, và ước dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 6,4%. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thu ngân sách trung ương (NSTƯ) ước khó đạt dự toán và có thể đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTƯ có khả năng hụt thu.