(HBĐT) - Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn quả của huyện Lạc Thuỷ ngày càng phát triển cả về diện tích cũng như trình độ thâm canh, từ đó hình thành những vùng sản xuất hàng hoá. Huyện Lạc Thuỷ được thiên nhiên ưu đãi, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng thích hợp phát triển cây ăn quả các loại, đặc biệt là các loại cây có múi có giá trị kinh tế cao.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, từ
năm 2006 đến nay, huyện đã dành kinh phí khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm để
phát triển cây có múi. Sự đầu tư được thực hiện bài bản, từ khâu quy hoạch, rõ
nguồn gốc đầu vào như giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, nước
tưới đến hỗ trợ vay vốn, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt trong 2 năm
2015-2016, huyện được tỉnh hỗ trợ 3,8 tỷ đồng cho trồng và chăm sóc cây có múi
với diện tích gần 300 ha. Đây là những động lực quan trọng góp phần phát triển
vùng cây ăn quả có múi của huyện cả về quy mô cũng như chất lượng sản phẩm.
Thực tế chứng minh, cây có múi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa
đói, giảm nghèo tại nhiều vùng quê.
Trong các loại cây có múi, cam là cây chủ lực của
huyện Lạc Thuỷ, chiếm trên 70% cơ cấu cây ăn quả của huyện. Cam
được trồng tập trung tại 5 xã, trong đó một số xã có truyền thống trồng cam cho
năng suất, chất lượng tốt như: Thanh Hà, Thanh Nông, Phú Thành. Cây ăn quả có
múi đòi hỏi mức độ đầu tư thâm canh cao, chế độ chăm sóc kỹ thuật tỷ mỉ. Để có
nguồn giống tốt và sạch bệnh, huyện Lạc Thuỷ thường xuyên tuyên truyền, hướng
dẫn, giới thiệu cho nhân dân biết các cơ sở sản xuất giống chất lượng, có nguồn
gốc xuất xứ, có đủ điều kiện cung ứng giống trên địa bàn. Hiện nay, 100% sản
lượng cây có múi trên địa bàn huyện được thu hoạch thủ công, cách thức thu
hoạch được nông dân thực hiện cẩn thận, hạn chế ảnh hưởng đến mẫu mã của quả,
vừa hạn chế đến sinh trưởng của cây năm tiếp theo. Cam Lạc Thủy có chất lượng
tốt, vỏ mỏng, mẫu mã đẹp, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ sơ thấp, vị ngọt và thơm,
được người tiêu dùng ưa chuộng và đảm bảo an toàn thực phẩm do áp dụng khá tốt
nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ
và liều lượng, đúng cách). Trong 3 năm gần đây, tất cả các mẫu sản phẩm được
kiểm nghiệm đều đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV.
Huyện Lạc Thuỷ đặt mục tiêu đến năm 2020 ổn định quy
mô 850 ha cam, quýt, sản lượng cam đạt 30.000 tấn/năm và quan trọng hơn là phát
triển bền vững thương hiệu Cam Lạc Thuỷ; trên 35% diện tích được chứng nhận sản
xuất sản phẩm an toàn. Theo đó, huyện xác định vùng phát triển cây ăn quả có
múi tập trung tại các xã: Liên Hòa, Hưng Thi, Phú Thành, Cố Nghĩa, Lạc Long,
Phú Lão, thị trấn Thanh Hà…Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi,
giao thông nông thôn kết nối các tuyến đường chính thuận tiện cho vận chuyển
hàng hóa. Thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, chế biến và kinh doanh.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống từ đầu vào đến đầu ra cho một loại
sản phẩm theo cánh đồng mẫu lớn...
Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện
Lạc Thuỷ cho biết: Trong thời gian tới, huyện quyết tâm giữ vững và phát triển
thương hiệu cam Lạc Thuỷ. Trong đó, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm.
Giải pháp chủ yếu là: duy trì, giữ vững, phát huy nhãn hiệu tập thể cho sản
phẩm cam của huyện đã được công nhận. Xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn
VietGap từ khâu chọn giống, đến áp dụng KHKT trong thâm canh và thu hái, bảo
quản... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng mở rộng mô hình
liên kết tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững sản phẩm cam Lạc Thuỷ trong
tương lai, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Hội chợ cam Lạc Thuỷ 2017 chính là một trong những hoạt động góp phần
quảng bá và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương.
Đinh Thắng