(HBĐT) - Chúng tôi thăm vùng cam thị trấn Thanh Hà những ngày cuối thu. Nắng hanh vàng trải dài trên khu, khoảnh, vườn cam xanh mướt, quả sai như mong đợi. Nông dân chăm chỉ vun trồng. Tất cả đất trồng cây truyền thống lạc, đậu, vừng khi xưa đã được chuyển đổi sang trồng cam. Cam đang bước vào vụ thu hoạch, trái vàng mọng sà sát đất. Nông dân Thanh Hà hồ hởi, tin tưởng bước vào vụ thu hoạch cam.
Vườn cam của anh Nguyễn Văn Cường, ở khu Thành
Công, thị trấn Thanh Hà bước vào năm thứ 4, quả sai trĩu, vàng óng, lá xanh,
khỏe. Anh Cường trồng 3,7 ha cam, trong đó có 2.800 gốc cam lòng vàng (cam
Vinh) và 2.800 gốc cam đường Canh. Cam lòng
vàng vừa độ chín tới, quả mọng, ít hạt, ngọt dịu, ăn vào mát lạnh. Anh Cường tự
tin: Năng suất vụ đầu có thể đạt 40-50
kg/cây. Cam Vinh giá bán 22.000 đồng/kg. Cam
đường Canh đầu mùa giá khoảng 30.000 đồng/kg. Dự tính vụ này thu cỡ 80 tấn,
tương đương 2 tỷ đồng. Mỗi năm đầu tư chưa kể công sức mất khoảng 300-400 triệu
đồng. Những vụ sau, khi bước vào thời kỳ đỉnh cao có thể thu tới 1 tạ/cây, có
khi được 2 tạ/cây, sản lượng và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Cán bộ phòng NN&PTNT huyệnLạc Thủy trao đổi kinh nghiệm trồng cam với các hộ dân thị trấn Thanh Hà.
Thanh Hà là vùng được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng,
khí hậu phù hợp với các loại cây ăn quả. Đặc biệt nơi đây có con sông ngầm chảy
dưới lòng đất, nguồn nước sạch và không bao giờ cạn. Người dân có trình độ thâm
canh khá cao, biết tính toán đầu tư, tổ chức sản xuất hợp lý, ngay từ đầu đã
thực hiện theo các quy trình sản xuất an toàn. Thế nên chất lượng cam ở đây có
hương vị rất riêng. Cam mới vào đầu vụ bói đã
có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, quả căng mọng, không rám, vị ngọt dịu. Thực tế, đồng đất Thanh Hà trước đây đã thành
công với cây cam ở thị trường trong nước, cam đã được xuất sang các nước Đông
âu. Trong bối cảnh mới, cây cam đang hứa hẹn những tín hiệu đáng mừng, cam phát
triển, sản lượng và chất lượng như kỳ vọng.
Thanh Hà đã tận dụng cơ chế, chính sách, khuyến khích,
định hướng người dân phát triển cây ăn
quả có múi, trong đó cây cam là chủ lực. Chị Trần Thị Thếp, cán bộ khuyến nông
thị trấn Thanh Hà cho biết: Chỉ trong
vòng 2 năm 2015-2016, Thanh Hà nhận được hỗ trợ ngân sách cho 70 hộ đầu tư
trồng cam, chiếm tới 50% tổng ngân sách hỗ trợ phát triển cây cam của Lạc
Thủy. Chỉ có mấy năm trở lại đây, người
dân chuyển đổi mạnh sang trồng cam, quỹ đất đã được khai thác hiệu quả. Toàn
thị trấn đã có 130 ha cây có múi, trong
đó khoảng hơn 100 ha cam tập trung ở các khu Đồng Tâm, Thống Nhất, Thành Công.
Chỉ vài năm tới sẽ hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Nông dân Thanh Hà tin
tưởng và đặt kỳ vọng nhiều khi Lạc Thủy
có nhãn hiệu tập thể sẽ mở ra cơ hội mới làm giàu cho nông dân.
P.V