Mô hình trồng mía của chị Cao Thị Hà (xóm Sống, xã Ngọc Mỹ, Tân Lạc) đem lại thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ năm.
HPN xã Ngọc Mỹ hiện có hơn 800 hội viên sinh hoạt tại 19 chi hội. Phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã thu hút nhiều hội viên tham gia. Đồng chí Bùi Thị Thao, Chủ tịch HPN xã Ngọc Mỹ cho biết: "Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho các hội viên, nhất là hội viên nghèo, HPN xã đã chỉ đạo các chi hội chủ động rà soát, phân công hội viên nòng cốt, hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ tuyên truyền, vận động các hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trồng mía, bưởi, chăn nuôi gia súc, gia cầm...; hỗ trợ vốn sản xuất từ mô hình "Góp vốn xoay vòng”, nhận vay ủy thác từ NHCSXH cho các hội viên với tổng dư nợ hơn 4, 6 tỷ đồng; tích cực tham gia thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT -XH gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Từ phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi như các chị: Cao Thị Hà, Bùi Thị Nguyên (xóm Sống), Nguyễn Thị Hằng (xóm Tân Ngọc)... với thu nhập trên 100 triệu đồng /năm. Các phong trào đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn tích cực đẩy mạnh phong trào giúp đỡ vay vốn, vay ủy thác, ngày công lao động nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phong trào.
Hoàn cảnh gia đình chị Cao Thị Hà (xóm Sống) trước kia vô cùng khó khăn. Mặc dù có nhiều đất sản xuất nhưng chưa có vốn, kỹ thuật nên năng suất lúa, ngô thấp, thu nhập bấp bênh. Được các cấp Hội giúp đỡ, tạo điều kiện tiếp cận với vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KH -KT đã giúp chị chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Năm 2010, được HPN xã giúp vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tân Lạc, chị cải tạo 1 ha vườn tạp để trồng mía, cho thu nhập ngay từ vụ đầu. Chị tiếp tục đầu tư mua 2 con trâu giống, đến nay, đàn trâu đã được 6 con, mô hình đem lại thu nhập cho chị 80-100 triệu đồng /năm.
Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm Tân Ngọc) được công nhận thoát nghèo từ năm 2016. Nhờ mô hình "Góp vốn xoay vòng” của HPN xã và các khoản vay khác từ gia đình, bạn bè, chị dùng 30 triệu đồng mua bưởi giống, vụ đầu tiên thu về hơn 50 triệu đồng. Chị Hằng chia sẻ: "Được sự quan tâm giúp đỡ của HPN xã cùng với những hành động thiết thực, tôi đã tiếp cận được nguồn vốn, kỹ thuật canh tác, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, đời sống kinh tế dần cải thiện”.
Ngoài việc giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, HPN xã Ngọc Mỹ thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên các chị em thuộc diện chính sách, khuyết tật, ốm đau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; thực hiện tốt cuộc vận động "5 không, 3 sạch”, xây dựng nhiều công trình vệ sinh, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các hội viên tích cực góp sức, góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đồng lòng, HPN xã Ngọc Mỹ đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, đời sống kinh tế của chị em từng bước đi lên, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của xã lên 25 triệu đồng / người/năm.
Phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” được HPN xã Ngọc Mỹ phát động đã giúp nhiều hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Bùi Thị Thao, Chủ tịch HPN xã Ngọc Mỹ cho biết: "Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phát huy phong trào, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để các hội viên lao động sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT -XH và xây dựng nông thôn mới”.