Trong năm 2017, toàn tỉnh thành lập thêm 40 HTX
nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên 148 HTX. Huyện Lương Sơn tiếp tục
là đơn vị đứng đầu khi có 3 xã về đích NTM trong năm 2017.
Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho
biết: Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn đầy thách thức bởi các tiêu chí chủ
yếu do nhân dân phải làm, ít có sự hỗ trợ từ T.ư. Do đó, đối với cơ quan tham
mưu là Sở NN & PTNT đã tham mưu cho tỉnh phân khai nguồn vốn của T.ư từ nay
đến năm 2020 cụ thể cho từng huyện. Từ đó các huyện sẽ phân khai cụ thể cho các
xã.
Trên cơ sở huy động lồng ghép các nguồn vốn, cùng với
nguồn đầu tư năm 2017 trên 602 nghìn tỷ đồng, tỉnh tập trung hỗ trợ đầu tư nâng
cấp hạ tầng KT-XH, nhất là giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, nhà văn
hóa, khu thể thao xã, khu tập kết và xử lý rác thải... cho các xã ưu tiên, xã
đặc biệt khó khăn, xã đăng ký về đích NTM năm 2017. Với sự hỗ trợ đó, nhân dân
các xã đã góp công, góp của, hiến đất làm được trên 130 km đường giao thông
nông thôn, 29 công trình thủy lợi, 13 công trình cầu, cống, 32 km kênh mương
nội đồng, 29 nhà văn hóa xã, 64 nhà văn hóa thôn, 12 trạm y tế xã, 59 trường
học và hơn 30 công trình khác.
Một trong những thành công của chương trình là hầu hết
các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức triển khai; bộ
máy tham mưu, giúp việc đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Người dân và
cộng đồng ngày càng hiểu rõ lợi ích và tích cực tham gia hơn vào xây dựng NTM.
Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông
dân được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình
triển khai Chương trình xây dựng NTM. Các huyện, thành phố đã huy động các
nguồn vốn lồng ghép chương trình, dự án, Chương trình 135 và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM
năm 2017 thực hiện được hơn 230 mô hình, kinh phí trên 41 nghìn tỷ đồng. Nhiều
địa phương xây dựng, triển khai thực hiện phương án phát triển sản xuất quy mô
vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp. Cùng với
đó, các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây
dựng NTM cũng được thực hiện đồng bộ, giúp đời sống vật chất, tinh thần của
nhân dân nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn khang trang, văn minh, sạch đẹp,
nhất là các xã NTM. Điển hình có thể kể đến các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Tân
Lạc, TP Hòa Bình.
Về các xã Thanh Lương, Cao Răm, huyện Lương Sơn mới
thấy sự đổi thay rõ rệt với khung cảnh làng quê thanh bình, no ấm. Từ chỗ là 2
xã vùng sâu của huyện Lương Sơn chưa có sự phát triển mạnh mẽ về KT-XH, giờ đây,
Thanh Lương, Cao Răm đã mang dáng dấp văn minh hiện đại. Là 2 trong 3 xã của
huyện Lương Sơn phấn đấu về đích NTM năm 2017, hai xã đã nỗ lực hoàn thiện 19
tiêu chí, nổi bật là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó tiêu
chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) là tiêu chí khó tưởng chừng không thực
hiện được trong năm nhưng các xã đã hoàn thành. Xuất phát điểm khi thực hiện
chương trình, thu nhập của người dân các xã này chỉ đạt 12,6 triệu đồng/người/năm
thì con số này nay đã tăng gấp đôi. Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy,
chính quyền địa phương trong việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con
giống chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời phát triển kinh tế hộ gia đình gắn
với hình thức tổ chức sản xuất mới là HTX triển khai các dự án phát triển sản
xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ.
Mới đây, xã Cao Răm đã đưa vào thực hiện dự án vùng trồng nhãn muộn với quy mô
lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác, hướng tới mục
tiêu nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/ người vào năm
2020.
Có thể thấy,
những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thể hiện tính chủ động của nhân dân,
không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, là động lực thúc đẩy phong
trào xây dựng NTM lớn mạnh trong nhân dân.
Minh Tuấn