Hiện tại, Công ty may xuất khẩu GGS – khu công nghiệp bờ trái Sông Đà giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương.
Những ngày cuối tháng 4, tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đội ngũ công nhân lao động tại khu công nghiệp tập trung cao độ lao động, sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.
Cũng như các doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) bờ trái Sông Đà, ở Công ty may xuất khẩu GGS, hơn 1.000 công nhân miệt mài gia công sản phẩm may mặc. Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Nguyệt cho biết, hiện nay, công ty tập trung sản xuất các mặt hàng dành cho đối tác châu Âu. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu hàng triệu sản phẩm may mặc, về lâu dài, đầu ra cho các mặt hàng may mặc luôn được đảm bảo. Chính vì vậy, ngoài đảm bảo thu nhập trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, Công ty luôn quan tâm đến đời sống của công nhân, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Qua tìm hiểu được biết, Công ty GGS hiện có trên 80% lao động nữ, đa phần là người trong tỉnh đã làm việc lâu năm. Gần dây chuyền thuộc công đoạn cuối, công nhân Lường Thị Phương, quê ở xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) vừa đẩy kiện hàng thành phẩm cho biết, chị làm tại Công ty may GGS từ năm 2014. Công ty đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động cả về thu nhập cũng như đời sống tinh thần, do đó, chị Phương mong muốn tiếp tục được làm việc lâu dài trong công ty.
Không riêng Công ty may xuất khẩu GGS, trên địa bàn thành phố Hòa Bình những năm qua, lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển dần mang tính bền vững. Minh chứng là hàng chục doanh nghiệp KCN bờ trái Sông Đà đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng được các cấp, ngành hỗ trợ đắc lực nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn có nhiều cải thiện, nhất là từ khi Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến thực hiện các thủ tục đầu tư.
Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp tập trung đang được gấp rút triển khai, sẵn sàng tiếp nhận các dự án. Song song với đó, KCN được nhà đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo thành phố Hòa Bình, thế mạnh lớn nhất của thành phố hiện nay là có 1 KCN, 3 cụm công nghiệp tập trung. Riêng KCN bờ trái Sông Đà hiện đang thu hút hàng chục dự án đầu tư, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hàng trăm triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.
Thống kê từ UBND thành phố Hòa Bình, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, trong quý I/2018, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn ước đạt trên 817,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 11,45%, so với kế hoạch năm 2018 đạt 24,4%. Trong đó, giá trị sản xuất của doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn ước đạt 20,125 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 13,12%; giá trị sản xuất của các doanh nghiệp ước đạt 650,43 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 12,6%, giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đạt 146,72 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 6,37%.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thành phố Hòa Bình cũng chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển công nghiệp như nguồn lực đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngành công nghiệp hỗ trợ mới phát triển, số lượng doanh nghiệp phát triển chưa nhanh, quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu; chưa có sản phẩm chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao...
Định hướng phát triển công nghiệp của thành phố trong thời gian tới sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và huy động mọi nguồn lực để phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển CN-TTCN. Khuyến khích đầu tư công nghệ và kỹ thuật mới cho những ngành công nghiệp truyền thống chủ lực của thành phố như ngành may mặc, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm… Đồng thời, tại các KCN, cụm công nghiệp sẽ khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng công nghệ cao. Tái cơ cấu ngành công nghiệp hướng tới sản xuất các hàng tiêu dùng cao cấp, các ngành công nghiệp bổ trợ, công nghiệp thiết bị điện - điện tử. Song song với đó, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường, phát triển mạnh theo hướng các mặt hàng có khả năng xuất khẩu cao... đảm bảo tăng thu ngân sách Nhà nước bền vững trong những năm tới.
Hồng Trung