Người dân xã Ngọc Lương (Yên Thủy) tham gia thực hiện mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bí bao tử.
Cùng với một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, Đề án trên nhằm hỗ trợ phát triển các nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao và tiềm năng tạo thành vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Cụ thể sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn như thịt lợn, thịt gà; nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, quả, gạo hữu cơ; nhóm sản phẩm thủy sản là cá lồng sông Đà. Các nhóm sản phẩm này sẽ được tăng cường quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh. Bằng cách đó sẽ kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh "từ trang trại đến bàn ăn” trên cơ sở đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý ATTP theo chuỗi giá trị.
Được biết, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang ưu tiên thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tập trung vào một số nông, lâm, thủy sản chủ lực như: Chuỗi rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn, chuỗi gà Lạc Sơn, chuỗi bưởi đỏ Tân Lạc tại huyện Tân Lạc, chuỗi rau su su tại xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc), chuỗi rau an toàn tại xã Dân Chủ (TP Hòa Bình), chuỗi cá sông Đà tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) và xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc), chuỗi thịt lợn hữu cơ an toàn tại các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình… Đây cũng chính là những nông sản hàng hóa chủ lực được lựa chọn để xây dựng thành các mô hình điểm chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn được giám sát, xác nhận sản phẩm đảm bảo ATTP theo chuỗi. Trên phạm vi cả nước đã có 63 tỉnh, thành xây dựng thành công 818 mô hình, trong đó, 416 mô hình đã được giám sát, xác nhận sản phẩm đảm bảo ATTP theo chuỗi. Tại tỉnh ta, đến nay đã triển khai được 25 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản đảm bảo ATTP do kinh phí Nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó đã có 2 doanh nghiệp tự đầu tư kinh phí để xây dựng chuỗi gồm chuỗi thịt lợn hữu cơ an toàn tại trang trại chăn nuôi thôn Đồng Tiến (Phú Thành, Lạc Thủy) và chuỗi thịt lợn an toàn tại trang trại chăn nuôi thôn Thung Cả (Sủ Ngòi, TP Hòa Bình).
Theo đánh giá của Sở NN &PTNT: Nhìn chung, việc triển khai các mô hình thí điểm chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm an toàn trong thời gian qua đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Lợi nhuận cao hơn so với trước khi xây dựng chuỗi. Các cơ sở tham gia chuỗi đều áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhận thức của người dân về ATTP trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản dần được nâng cao. Các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng ATTP đã được tuân thủ. Đặc biệt, rất đáng ghi nhận là đến nay, chúng ta đã tạo ra một số liên kết bền vững trong chuỗi từ khu sản xuất đến sơ chế, chế biến và kinh doanh phân phối sản phẩm, từ đó cung ứng ra thị trường các sản phẩm hàng hóa đảm bảo ATTP, có thể truy xuất nguồn gốc và được người tiêu dùng đánh giá cao. Tiêu biểu như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, hạt dổi Lạc Sơn, mía tím, mật ong, cá vùng hồ sông Đà...
Riêng đối với các nông sản hàng hóa chủ lực được sản xuất theo chuỗi giá trị, kết quả kiểm tra, giám sát mẫu thực phẩm trong 3 năm gần đây cho thấy: Các sản phẩm đều đảm bảo tốt các tiêu chí về ATTP, trong đó, các sản phẩm rau, quả trên địa bàn không có dư lượng thuốc BVTV, chưa phát hiện mẫu thủy sản nào có dư lượng kháng sinh cấm, việc sử dụng chất cấm salbutamol và cysteamine đều không có trong sản phẩm thịt lợn. Như vậy, 100% sản phẩm chủ lực nằm trong chuỗi giá trị của tỉnh đều đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về chất lượng ATTP. Kết quả đầy thuyết phục này càng cho thấy sự đúng đắn của định hướng xây dựng và phát triển chuỗi nông sản hàng hóa chủ lực đảm bảo ATTP.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đây chính là định hướng xuyên suốt nhằm phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho các loại nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh. Trong thời gian tới, để tạo thêm động lực thúc đẩy định hướng quan trọng này, UBND tỉnh sẽ xem xét, ban hành một số chính sách đặc thù phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương. Trước mắt trong giai đoạn 2018-2020 sẽ chú trọng việc hình thành các mô hình chuỗi nông sản hàng hóa đảm bảo ATTP, tập trung ưu tiên cho các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, cá lồng sông Đà, cam, bưởi, rau hữu cơ, gạo hữu cơ. Thời gian thực hiện chuỗi phù hợp với chu kỳ sản xuất sản phẩm, đảm bảo thành công rồi mới tiếp tục mở rộng quy mô, từ đó đặt nền tảng vững chắc để toàn tỉnh tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết mới đến năm 2025, góp phần quan trọng thực hiện thành công lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thu Trang