(HBĐT) - Những ngày trung tuần tháng 5/2018, 125 hộ dân trên địa bàn 8 xóm thuộc các xã: Ngọc Lương, Yên Trị, Phú Lai, Lạc Thịnh (Yên Thuỷ) tham gia hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt xuất khẩu với Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An (Công ty Thiên An) như ngồi trên đống lửa.

Mỗi ngày qua đi, càng chờ đợi, càng thêm lo lắng, sốt ruột vì theo quy chuẩn doanh nghiệp chỉ mua ớt xanh, nhưng những luống ớt đã dần chín và không ít quả đã thối hỏng. Cực chẳng đã, các hộ trồng ớt đành mong ngóng vào các thương lái và thị trường tự do. Theo hợp đồng của Công ty Thiên An giá thu mua 5.500 đồng /kg, giờ đây mời bán 1.000 -1.500 đồng /kg nhưng cũng chẳng mấy ai mặn mà. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và bà con nông dân đang trên trên bờ vực "phá sản” khiến mọi người đều bức xúc.

Theo UBND huyện Yên Thuỷ, ngày 15/12/2017, Công ty Thiên An có trụ sở tại số 732, đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, quân Lê Chân, TP Hải Phòng do bà Lưu Thị Yến Thanh làm Giám đốc đã gửi Công văn số 79-2017/CVTA tới Huyện uỷ, UBND huyện Yên Thuỷ và UBND các xã trên địa bàn huyện "Về việc hợp tác mở rộng vùng trồng ớt tập trung theo phương thức sản xuất chuyên canh phục vụ xuất khẩu”. Theo đó, Công ty đề nghị hợp tác với huyện Yên Thuỷ trồng 50 ha ớt sừng bò, theo phương thức: Công ty đầu tư ứng trước giống, phân bón cho người trồng và cam kết thu mua 100% sản phẩm ớt sản xuất ra từ giống do Công ty cung cấp với quy cách quả ớt xanh, không phân loại to, nhỏ, còn cả cuống màu xanh tươi, không thu mua quả bị thối, hỏng, có mùi lạ, bị ngâm nước hoặc bị thối cuống, giá mua cố định 5.500 đồng /kg. Phương thức thanh toán: sau khi thu hoạch, Công ty và người trồng xác nhận khối lượng hàng hóa, Công ty chi trả ngay cho người trồng 50% giá trị hàng hóa. Sau từ 3-5 ngày, Công ty thanh toán nốt 50% còn lại.

Sau khi tổ chức họp với các nhóm hộ đã có 125 hộ trên địa bàn 8 xóm thuộc các xã: Ngọc Lương, Yên Trị, Phú Lai, Lạc Thịnh đăng ký thực hiện liên kết trồng và tiêu thụ ớt xuất khẩu, với diện tích 13, 35 ha. Theo địa bàn đã hình thành 7 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết với Công ty Thiên An.

Đồng chí Bùi Sỹ Thập, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Trị cho biết: Toàn xã có trên 40 hộ thuộc 3 xóm tham gia liên kết trồng và tiêu thụ ớt xuất khẩu với Công ty Thiên An trên diện tích hơn 11 ha. Quá trình thực hiện, thành viên của các tổ hợp tác đã vượt qua khó khăn để thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, đảm bảo trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo đó, cây ớt sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, việc thu hoạch đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Công ty.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ Bùi Thị Kim Cúc, quá trình thực hiện, Công ty Thiên An giao giống cho các tổ hợp tác thành 3 đợt, đợt 1 vào ngày 10/1, đợt 2 vào ngày 25/1 và đợt 3 vào ngày 5/2/2018. Trong đó, cây giống đợt 1 quá già, nhiều sâu bệnh; cây giống đợt 3 quá non, khi trồng bị rét đậm, rét hại dẫn đến chết nhiều. Quá trình triển khai thực hiện, Công ty chỉ bố trí 1 cán bộ kỹ thuật, nhưng không thường xuyên có mặt tại đồng ruộng để hướng dẫn các hộ phòng trừ dịch hại. Về thu mua, thanh toán, ngày 2/4/2018, Công ty mua đợt 1 được 4.027 kg, sau 3 ngày đã thanh toán đầy đủ tiền cho các hộ theo đúng hợp đồng. Ngày 11/4/2018, Công ty thu mua đợt 2 được 8.346 kg nhưng đến nay đã quá hạn thanh toán trên 40 ngày nhưng chưa thanh toán tiền cho các hộ dân. Đến ngày 12-13/5, Công ty đã thu mua 34.061 kg ớt chín và cam kết đến ngày 17/5 sẽ tiếp tục thu mua cả ớt xanh, ớt chín và thanh toán các khoản tiền còn nợ. Tuy nhiên, đến ngày 18/5, Công ty đã thông báo qua điện thoại là không thể mua ớt xanh và ớt chín theo hợp đồng vì không có thị trường tiêu thụ. Đến nay, sản lượng ớt còn lại của các hộ dân ước khoảng 83 tấn, tương ứng với số tiền trên 510 triệu đồng. Do thời tiết nắng nóng, không tiêu thụ được, người dân chán nản không chăm sóc dẫn đến nhiều quả đã chín rữa, thối hỏng, cỏ trên ruộng ớt mọc um tùm.

Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ Bùi Văn Hải đánh giá: Quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo huyện và các xã luôn quan tâm kiểm tra định kỳ, đôn đốc các tổ hợp tác thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng hợp tác. Chỉ đạo sử dụng nhà văn hóa các xóm làm địa điểm tiếp nhận giống, phân bón và tạo mọi điều kiện thuận tiện cho việc thu mua ớt. Cán bộ ngành nông nghiệp tích cực kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Đoàn thanh niên các cơ quan, đơn vị và các xã chủ động hỗ trợ các hộ trồng ớt và doanh nghiệp trong việc phân loại, đóng thùng, bảo quản, vận chuyển ớt lên xe theo yêu cầu của Công ty Thiên An. Tuy nhiên, trước thực trạng trên, UBND huyện đã đề nghị Sở NN &PTNT giúp đỡ việc đánh giá khách quan sản lượng thu hoạch của cả vụ trồng, trên cơ sở đó cùng đại diện các nhóm hộ trồng ớt làm việc với Công ty Thiên An để thương thảo việc bồi thường thiệt hại cho các hộ trồng ớt theo đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký. Nếu việc thương lượng không thành để bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các hộ trồng ớt, UBND huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các tổ hợp tác trồng ớt khởi kiện Công ty Thiên An theo quy định của Luật Thương mại, Luật Dân sự và nội dung hợp đồng đã ký kết. Cũng từ sự việc này, UBND huyện đã rút ra được bài học kinh nghiệm quý báu trong việc chỉ đạo ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tiếp theo. 

                                                                                       Đức Phượng


Các tin khác


Đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu

Sau gần một năm triển khai thực hiện, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững sự ổn định và hoạt động an toàn hệ thống ngân hàng.

Huyện Cao Phong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Từ thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM đã mang đến cho nông nghiệp huyện Cao Phong diện mạo mới: các hình thức tổ chức sản xuất đổi mới và phát triển. Vùng nông sản hàng hóa lợi thế phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao.

Hợp tác xã nông nghiệp xanh Kim Bôi khởi nghiệp với dưa chuột Nhật

(HBĐT) - Thành lập HTX để giải quyết những bất ổn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay như được giá thì mất mùa, được mùa mất giá, đầu ra không ổn định, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không bền vững là ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi ở xã Đú Sáng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và bản tính cần cù, chịu khó, HTX đã liên kết với Công ty Paciffic Hoà Bình giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm dưa chuột Nhật của 100 hộ nông dân trên địa bàn xã.

Thu hoạch trên 2.200ha lúa vụ mùa

(HBĐT) - Tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh đã thu hoạch được 2.204ha/15.386 ha diện tích lúa gieo cấy vụ mùa, tương đương 14,7%. Các địa phương đang triển khai gặt gồm thành phố Hòa Bình, các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc. Trong đó, diện tích gặt chủ yếu ở các huyện Lương Sơn 1.157ha, Lạc Thủy 650ha, thành phố Hòa Bình 160ha.

Bổ sung dự án Cầu Trắng, TP Hòa Bình vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa đồng ý chủ trương đề xuất của Sở GTVT về việc bổ sung dự án xây dựng cầu Trắng (phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Làm giàu từ mô hình nuôi gà Lạc Thủy

(HBĐT) - Với vườn đồi rộng, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Trần Đình Liêm, thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã gặt hái được thành công khi đặt niềm tin vào giống gà bản địa - gà Lạc Thủy…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục