Mía trắng là cây trồng chủ lực của xã Yên Lập (Cao Phong). ảnh:Người dân xóm Đảy chăm sóc vườn mía.
Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân toàn xã mới đạt 16 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 54,46%, cận nghèo 10,47%. Do đó, những năm qua, với nhiều chương trình thiết thực, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến gần với người dân, kịp thời giúp hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Đời sống kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây mía trắng được xem là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính với diện tích 180 ha. Cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích vườn để trồng cây ăn quả có múi. Trong đó chủ yếu là các giống cam V2, lòng vàng, bưởi Diễn… Dự kiến niên vụ 2018- 2019, nhiều hộ sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, xã duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm trên 8.000 con. Để giúp các hộ có điều kiện phát triển và mở rộng mô hình kinh tế, xã Yên Lập phối hợp với NHCSXH huyện tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, người nghèo, hộ chính sách được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, có điều kiện phát triển kinh tế nhưng do trình độ dân trí ở khu vực nông thôn còn hạn chế nên không phải hộ nghèo nào được vay vốn cũng biết cách sử dụng vốn vay có hiệu quả. Do vậy, các ban, ngành, đoàn thể của xã đã phối hợp với các ngành chức năng như Trạm Khuyến nông, BVTV, thú y tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT về trồng trọt, chăn nuôi... và định hướng cho hội viên lựa chọn những mô hình phù hợp. Nhờ đó, người dân đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hiện, xã có 13 tổ tiết kiệm và vay vốn với 448 hộ còn dư nợ, số vốn trên 16 tỷ đồng thực hiện 9 chương trình tín dụng, trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ cao nhất, trên 8,4 tỷ đồng với 305 hộ còn dư nợ; chương trình cho vay hộ cận nghèo với 73 hộ vay, dư nợ trên 2,3 tỷ đồng; chương trình NS&VSMT có 99 hộ vay với dư nợ trên 1,1 tỷ đồng... Nhìn chung, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, trả gốc, lãi đúng hạn. Ngoài ra, xã huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ được trên 300 triệu đồng. Trong quá trình hoạt động, để nguồn vốn quay vòng và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận và tiếp cận nhiều hơn vốn ưu đãi của Nhà nước, NHCSXH đã đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách mới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn vay, chủ động thông báo nợ đến hạn. Song song với tăng trưởng dư nợ, NHCSXH huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, tích cực đôn đốc thu hồi nợ, do đó, xã Yên Lập không có nợ quá hạn.
Có thể nói, từ nguồn vốn ưu đãi đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn xã Yên Lập.