Bà Nguyễn Thị Đông cùng nông dân trong xóm Trường Long, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) tham gia các mô hình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất các nông sản chủ lực của địa phương.
Còn đối với vợ chồng anh Phạm Khắc Thường và chị Đỗ Thị Hương Giang (xóm 3, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc). Có lẽ họ không thể tin nếu 10 năm trước, ai đó hé lộ cho họ biết khoảng 10 năm sau họ sẽ trở thành Giám đốc và Phó Giám đốc một HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả với doanh thu tiền tỷ mỗi năm, cung cấp cho thị trường một loại nông sản tuyệt vời mang tên "bưởi đỏ Tân Lạc”. Hiện nay, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc của anh chị đang sở hữu gần 30 ha bưởi đỏ canh tác theo quy trình VietGAP để cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, HTX còn đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây chuyền công nghệ xử lý rửa, phân loại, đóng gói và bảo quản quả bưởi, bảo đảm cung ứng ra thị trường những sản phẩm có mẫu mã đẹp nhất, chất lượng tốt nhất, tự hào mang nhãn hiệu tập thể "bưởi đỏ Tân Lạc” đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chuyển mình ấn tượng của ngành nông nghiệp sau 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 29/5/2008 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/Tư của BCH T.ư Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT: Sau 10 năm triển khai Chương trình hành động đã cho thấy đây là chủ trương, đường lối đúng đắn, toàn diện của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chương trình có ý nghĩa định hướng rất cao đối với một ngành kinh tế trọng điểm đang nỗ lực chuyển mình để tái cơ cấu như ngành nông nghiệp.
Cụ thể, nội dung Chương trình hành động số 10-CTr/TU đã được ngành nông nghiệp triển khai thiết thực thông qua 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý và nhiệm vụ phát triển của ngành. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được xác định là: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể; tăng cường các hình thức hợp tác, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả; phát triển các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Thống kê sau 10 năm, tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh đã có 174 HTX và 174 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp và HTX phát triển với những hình thức linh hoạt, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế và nhu cầu của nông dân, hỗ trợ nông dân trong các khâu sản xuất nông nghiệp trọng yếu như cung cấp tín dụng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó, vai trò của kinh tế trang trại cũng được phát huy, góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để hướng tới nền kinh tế thị trường, ngành nông nghiệp đã xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực và mở rộng đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Giờ đây, với định hướng sản xuất phải bám sát nhu cầu thị trường, khả năng cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh đang được cải thiện với nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Tiêu biểu như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, mía tím, mật ong, cá vùng hồ sông Đà... Đó là những nông sản chủ lực, được sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và lưu thông trên thị trường với bao bì, nhãn mác đáng tin cậy và được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm này, từng địa phương sẽ xác định và phát triển các sản phẩm lợi thế để tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu, hướng tới nền kinh tế thị trường và đóng góp tích cực vào sự phát triển của KT-XH toàn tỉnh.
Thu Trang