Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hoà Bình luôn duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn đối với ngành nghề lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm.
Theo đại diện BIDV Hoà Bình, tổng dư nợ đến đầu tháng 7/2018 của đơn vị đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng khoảng 218 tỷ đồng, tương đương 6,74% so với năm 2017. Lãi suất cho vay VND của đơn vị duy trì ở mức 6,5 - 12%/năm tuỳ từng lĩnh vực cho vay. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với ngành nghề lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường từ 7,5 - 9,5%/năm; lãi suất cho vay trung - dài hạn 10,5%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng từ 11 - 12%/năm; lãi suất cho vay kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản 13%/năm.
Lãnh đạo BIDV Hoà Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, với vai trò là ngân hàng chủ lực cho vay phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh tăng cường huy động vốn tại chỗ nhằm duy trì phát triển quy mô vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng hợp lý của khách hàng. Đồng thời, đảm bảo thu xếp nguồn vốn ngoài địa bàn nhằm tài trợ cho các dự án hiệu quả, phát triển kinh tế của tỉnh…
Cùng với BIDV Hoà Bình, Agribank Hoà Bình cũng là một trong những ngân hàng chủ lực trong huy động nguồn lực đảm bảo cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương của Agribank Hoà Bình đến đầu tháng 8/2018 đạt 5.899 tỉ đồng, tăng 361 tỉ đồng, tương đương tăng 6,5% so với năm 2017. Tổng dư nợ tín dụng của Agribank Hoà Bình đạt 9.062 tỉ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ thông thường 8.936 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 98,6% trên tổng dư nợ.
Agribank Hòa Bình có 62.678 khách hàng cá nhân vay 6.585 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,7% trong tổng dư nợ, tăng 435 tỉ đồng (tăng 7,1%) so với thời điểm 31/12/2017. Cho 445 khách hàng là pháp nhân vay 2.477 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 27,3% trong tổng dư nợ. Đáng chú ý, trong tổng số nguồn vốn đã giải ngân, Agribank Hoà Bình đã cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 8.520 tỉ đồng, chiếm 94% tổng dư nợ.
Theo ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Agribank Hoà Bình, đơn vị luôn tập trung huy động vốn theo định hướng của Agribank, đồng thời bám sát định hướng của tỉnh, qua đó chủ động tìm kiếm, tiếp cận khách hàng đầu tư tín dụng, cho vay đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ưu tiên vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Theo thống kê của NHNN tỉnh, tính đến tháng 7/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của các NH, TCTD trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt gần 21.840 tỉ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm 2017. Trong đó, vốn huy động của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 14.367 tỉ đồng.
Tổng dư nợ của các NH, TCTD trên địa bàn tính đến đầu tháng 8/2018 đạt gần 19.594 tỉ đồng, tăng khoảng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn ước đạt gần 11.952 tỉ đồng, chiếm 61% tổng dư nợ. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 4.029 tỉ đồng, chiếm trên 21% tổng dư nợ.
Bà Vũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, qua giám sát, các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc lãi suất huy động, lãi suất cho vay theo quy định của NHNN Việt Nam. Nhờ đó, lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có NH còn hạ thấp lãi suất cho vay hơn so với đầu năm. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN từ 6 - 6,5%/năm, riêng Agribank Hoà Bình giảm 0,5%; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh thông thường, ngắn hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) phổ biến từ 9 -10%/năm, trung và dài hạn 10,5 - 11%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến tại các NHTM ở mức 9,5 - 11%/năm.
Trong những tháng còn lại của năm 2018, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các TCTD, nhất là các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Thực hiện tốt việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trong đó chủ động tìm kiếm, tiếp cận và chọn lọc doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả thông qua chương trình để tăng trưởng tín dụng; chủ động tư vấn trong các vấn đề tài chính, giới thiệu các sản phẩm tín dụng, các tiện ích ngân hàng và các chương trình hỗ trợ dịch vụ đi kèm cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các HTX, ưu tiên khuyến khích phát triển các lĩnh vực thế mạnh của các HTX hoạt động có hiệu quả của địa phương.
Hồng Trung