Bon bon trên chiếc xe máy từ xóm Bò, xã Lũng Vân về mua sắm tại phiên chợ Lồ, xã Phong Phú, vợ chồng anh Bùi Văn Nhạnh phấn khởi chia sẻ: Đường trước đây đã tốt, nay càng êm ái, thuận lợi hơn vì những khúc cua hẹp đã được nắn, cắt. Từ nhà xuống chợ trước đây đi chừng 40 phút nhưng giờ đường tốt, quan sát dễ dàng nên chỉ khoảng 30 phút đến nơi. Được biết, đường từ xã Địch Giáo lên xã Lũng Vân tuy đã trải nhựa, có đoạn làm bằng bê tông nhưng khá hiểm trở, ngoằn ngoèo dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Những tháng cuối năm 2017, Sở GTVT đã triển khai dự án mở rộng tầm nhìn, cải thiện điểm đen tại các điểm km2+950, km6+680, km7+350, km11+480, km12+300. Nhờ đó, đường lên các xã vùng cao của huyện Tân Lạc đã êm thuận và hạn chế được những nguy hiểm. Thời gian tới, việc đầu tư mở rộng tầm nhìn và cải thiện điểm đen sẽ còn tiếp tục kéo dài đến địa phận xã Bắc Sơn.
Niềm vui đâu chỉ có vậy, ở vụ mùa – hè thu 2018, nông dân các xã vùng cao còn đón niềm vui được mùa lúa, ngô và trúng vụ su su. Năng suất lúa ước đạt 56,2 tạ/ha. Cây ngô trồng tập trung ở một số xã như Quyết Chiến, Lũng Vân, Ngổ Luông, Bắc Sơn cũng cho năng suất cao hơn vụ trước, bình quân đạt 55 tạ/ha. Vùng trồng su su Quyết Chiến nhờ tăng cường các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP đồng thời thành lập được HTX, phát triển thương hiệu đã hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Sản phẩm rau su su Tân Lạc hiện nay được tiêu thụ tại các thị trường lớn, tiếp cận chuỗi các nhà hàng, siêu thị nông sản – thực phẩm tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Cũng từ đây, kinh tế nông nghiệp ở vùng cao Tân Lạc tạo ra những dấn ấn, góp phần quan trọng cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nông dân xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) vừa đón vụ rau su su được giá, được mùa.
Những khởi sắc về hạ tầng thôn bản, y tế, văn hóa – xã hội, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các xã vùng cao cũng là điều đáng để vui mừng. Nhiều chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, vùng đặc biệt khó khăn đến được với người dân, cụ thể là những hỗ trợ xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, cải thiện sinh kế cho đồng bào thông qua các hoạt động sinh kế, liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm liên kết. Theo số liệu của phòng Dân tộc huyện, trong năm 2017 đã có 35 công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với kinh phí trên 17 tỷ đồng, 19 dự án hỗ trợ sản xuất với kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Năm 2018, huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt 25 công trình hạ tầng các xã vùng cao với tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Địa bàn các xã vùng cao cũng được đánh giá và ghi nhận về việc đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình tự quản về an ninh trật tự tại cơ sở.
Theo đồng chí Bùi Văn Tinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, so với những năm 2010, 2011 trở về trước, cuộc sống của bà con vùng cao đã đổi khác nhiều. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được coi trọng, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn. Đặc biệt là gần đây, du lịch vùng cao có bước phát triển mới, nhiều giá trị văn hóa, các danh thắng địa phương đưa vào khai thác. Đồng bào vùng cao cũng có nhận thức và chuyển biến về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tận dụng lợi thế sẵn có về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, bản sắc văn hóa độc đáo để làm du lịch. Dịp Tết Độc lập, người dân vùng cao đón Tết với tâm thế hân hoan bởi mùa vụ vừa kết thúc thắng lợi, cuộc sống mới đang từng ngày đổi thay. Trên khắp các bản làng vùng cao, lại rộn vang lời ca, tiếng hát, thể thao sôi nổi mừng Quốc khánh. Đây cũng là thời điểm du khách muôn phương muốn đến thăm và trải nghiệm vẻ đẹp, hơi thở cuộc sống ở các xã vùng cao này.
Bùi Minh