Chia sẻ những quan tâm của địa phương về phát triển thương hiệu nông sản, đồng chí Bùi Thị Mão, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc đặc biệt coi trọng công tác phát triển thương hiệu cũng như nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đơn cử trong 2 năm 2016 -2017, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”, xác định đây là cơ hội để địa phương tiếp tục phát triển sản xuất bưởi đỏ, từng bước xây dựng thương hiệu. Sau khi bưởi đỏ Tân Lạc được cấp chứng nhận, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh tiếp tục được đẩy mạnh. Huyện khuyến khích, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, tích tụ đất, ứng dụng KHKT để phát triển thành vùng chuyên canh bưởi lớn trên phạm vi toàn huyện. Trên đà thương hiệu đã có, sản phẩm bưởi đỏ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Huyện còn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa.
Năm 2017, HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc được hỗ trợ máy móc và nhãn hiệu để xây dựng thương hiệu.
Rau su su Tân Lạc cách đây vài năm mặc dù đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhưng chưa được nhiều thị trường biết đến, giá cả bấp bênh, thậm chí có thời điểm phải "núp bóng” rau su su của Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của huyện, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, rau su su Tân Lạc dần tìm được chỗ đứng, chiếm lĩnh thị trường. Minh chứng là với sự ra đời của HTX Quyết Thắng, xã Quyết Chiến đã tập hợp được các thành viên tham gia sản xuất rau su su theo phương thức an toàn. Tiếp đó, nông dân được chuyển giao KHKT, trồng, chăm sóc rau su su theo quy trình VietGAP và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh khẳng định chất lượng, sản phẩm rau su su đã được đóng gói, có tem nhãn, xuất xứ đầy đủ, đồng thời được tỉnh, huyện hỗ trợ các thông tin, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm rau su su Tân Lạc tại vùng trồng tập trung xã Quyết Chiến và một số xã lân cận Lũng Vân, Nam Sơn đã tìm được đầu ra và giá cả ổn định hơn. Đặc biệt, thương hiệu rau su su Tân Lạc đã được người tiêu dùng ngoại tỉnh ưa chuộng, tin dùng. Hiện nay, rau su su đã được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị và chuỗi thực phẩm của Thủ đô Hà Nội.
Trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, huyện Tân Lạc đã và đang xác định việc xây dựng, phát triển thương hiệu là hành trang thiết yếu để sản phẩm nông sản của địa phương có thể đạt mục tiêu tạo dựng danh tiếng, vươn ra các thị trường lớn, từ đó nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận và thu nhập cho hộ làm nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Bằng những quan tâm, chỉ đạo sát sao về phát triển thương hiệu, cây quýt Nam Sơn đang được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện, xã triển khai các bước tổng hợp danh mục, rà soát và lựa chọn số hộ cam kết, đăng ký tham gia. Sau khi hoàn thành các thủ tục để được chứng nhận, huyện trực tiếp đứng ra tổ chức công bố thương hiệu và có các động thái quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Sau quýt Nam Sơn, huyện sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu khoai lang Phú Cường ở giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã được tỉnh phê duyệt. Đây cũng là 2 sản phẩm của huyện trong số 35 sản phẩm toàn tỉnh được ưu tiên hỗ trợ cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.