PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của ngày Doanh nhân Việt Nam?
Ông Nguyễn Cao Sơn: Sau hơn 1 tháng kể từ ngày Quốc khánh 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã nhận thấy vai trò của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi giới công thương Việt Nam. Trong bức thư này, Bác Hồ đã nhấn mạnh: "Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người dạy: "Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Tư tưởng của Bác vẫn giữ nguyên giá trị. Khi đất nước trên đà phát triển, một lần nữa lại khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của doanh nhân, DN trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế. Ngày 20/9/2004, Nhà nước quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam” nhằm tôn vinh đội ngũ doanh nhân, đội quân xung kích, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tự nguyện làm nhiều việc thiện, tích cực tham gia vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, DN được hiến định. Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh Hòa Bình đã ký cam kết thực hiện với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc về hỗ trợ và phát triển đối với DN.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả chủ yếu trong hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh?
Ông Nguyễn Cao Sơn: Nhiều năm qua, cùng với cả nước, cộng đồng DN, doanh nhân của tỉnh đã có nhiều cố gắng, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Đến nay, Hiệp hội DN tỉnh đã có tổ chức hoạt động tại 11 huyện, thành phố với 5 tổ chức Hội thành viên và 12 tổ chức Hội trực thuộc, gần 1.000 DN tham gia. Các tổ chức thực hiện tốt các chương trình công tác, nghị quyết đề ra, thể hiện vai trò, chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và cộng đồng DN; phát huy vai trò cầu nối giữa DN với cơ quan QLNN, DN với DN; tham mưu Tỉnh ủy và UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, phát triển SX-KD; vận động các DN thực hiện tốt quy định của pháp luật, nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động.
Công ty Hoàng Sơn tài trợ hơn 6 tỷ đồng xây dựng cầu Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Lạc Thủy và Công ty Hoàng Sơn dự lễ khánh thành cầu Cố Nghĩa tháng 7/2018.
Hiệp hội DN tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, kêu gọi, liên kết, làm việc với các DN, tập đoàn lớn để giới thiệu về tiềm năng đầu tư tại tỉnh Hòa Bình trong các lĩnh vực: Du lịch lòng hồ sông Đà, nông nghiệp... hỗ trợ DN nâng cao trình độ, năng lực quản trị phát triển SX-KD bền vững; tổ chức tốt hoạt động thi đua hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu SX-KD. Đặc biệt, Hiệp hội DN tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, các sở, ban, ngành tổ chức các Chương trình đối thoại với DN nhằm chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển SX-KD.
Những năm gần đây, cộng đồng DN đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định là vai trò, vị thế trong công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh. Hằng năm, các DN đã tạo doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng, tạo năng lực sản xuất mới, nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu KT-XH của tỉnh. Nhiều DN của tỉnh có sự trưởng thành kể cả tư duy, trình độ quản lý, quy mô SX-KD, thành lập được tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh có thành tích nổi bật trong SX-KD, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng. Nhiều DN được trao tặng các giải thưởng có uy tín như: Sao vàng Đất Việt, Sao đỏ, DN, doanh nhân hội nhập, DN, doanh nhân văn hóa… và nhiều huân chương lao động, bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh, các bộ, ngành T.Ư…
Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như: ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ bão; trao quà Tết cho người nghèo, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ người tàn tật và trẻ em mồ côi; nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, nuôi dưỡng học sinh nghèo vượt khó học giỏi từ bậc phổ thông đến hết đại học...
PV: Xin ông cho biết những việc làm cụ thể của Hiệp hội DN và cộng đồng DN đã và đang thực hiện để phát huy truyền thống Doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Cao Sơn: ý thức sâu sắc truyền thống tốt đẹp của doanh nhân Việt Nam, với tinh thần yêu nước, tự tin dân tộc, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao trước cộng đồng, Hiệp hội DN tỉnh và cộng đồng DN đang nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện phương châm "Tâm sáng, trí cao, tình sâu”, đẩy mạnh phát triển SX-KD, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước cũng như xã hội tin tưởng.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân không ngừng lớn mạnh, góp phần thiết thực phát triển KT-XH của tỉnh. Hiệp hội DN tỉnh đang phối hợp với các cơ quan QLNN triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Hiệp hội DN đang hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực, cùng các cấp chính quyền chăm lo, hỗ trợ DN SX-KD hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước tới các DN, nhà đầu tư; kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền những kiến nghị, đề xuất và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư. Cùng cơ quan Nhà nước thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, hỗ trợ cải cách hành chính; hỗ trợ DN về tài chính, tín dụng, lãi suất, miễn giảm thuế cho hội viên. Xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh cởi mở, thân thiện, đồng hành và hỗ trợ cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, phấn đấu đến năm 2020 có 5.000 DN. Số DN hoạt động hiệu quả tăng bình quân 20% năm.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt cộng đồng DN - doanh nhân, xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, phối hợp tạo môi trường thuận lợi cho các DN, doanh nhân khắc phục khó khăn, thách thức, vươn lên hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ quản trị, điều hành DN, mạnh dạn đầu tư công nghệ, KHKT, triển khai các dự án SX-KD có hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng giàu đẹp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Chung (Thực hiện)
(HBĐT) - Vùng đất Lạc Thủy – Hòa Bình qua thời gian đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của cây cam. Sự hòa quyện giữa tình cây, tình đất và tình người đã tạo nên những trái cam thơm ngon, đậm đà. Để rồi bất cứ ai trên vùng đất bán sơn địa này đều tự hào khi giới thiệu về sản phẩm cam ngon.