Chúng tôi đến thăm gia đình chị Phùng Thị Minh, tiểu khu Đoàn Kết. Trong ngôi nhà nhỏ của chị Minh không còn nhiều sản phẩm mây tre đan vì làm ra đến đâu đã được hợp tác xã thu về hết đến đó. Chị Minh tâm sự: Gia đình có 5 khẩu, trước kia chỉ trông chờ vào 2.000 m2 trồng ngô, nuôi thêm 1 con bò, kinh tế rất khó khăn. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn,vợ đi làm thuê,chồng làm thợ xây cần cù quanh năm cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học. Từ năm 2016,chị được tham gia lớp dạy nghề mây tre đan. Lúc đầu làm chậm, có khi vài ngày mới được 1 sản phẩm. Làm dần thành quen, giờ đây, đôi tay nhanh thoăn thoắt của chị mỗi tháng đã làm được 60 chiếc ấm ủ. Nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm được trao đổi trực tiếp từ HTX. Với giá trung bình hiện nay 25.000 đồng/chiếc, mỗi tháng chị có thu nhập thêm từ 1,8- 2 triệu đồng. Vào những ngày rảnh rỗi, chị em tiểu khu Đoàn Kết, tiểu khu Bờ còn rủ nhau đan chung cho vui. Trong câu chuyện của các chị cũng có nhiều suy tư về mong muốn có việc làm để phát triển kinh tế gia đình.
Người dân tiểu khu Đoàn Kết, tiểu khu Bờ, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) phát triển nghề mây, tre đan, góp phần tăng thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hoài, tiểu khu Bờ chia sẻ: Vừa qua, tôi được tham gia Phiên giao dịch việc làm của huyện tổ chức nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18- 35 tuổi, mà năm nay tôi 37 tuổi. Hiện nay, sức khỏe còn tốt, chị em tôi chỉ mong nghề mây, tre đan được duy trì và mở rộng.
Đồng chí Đinh Công Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đà Bắc cho biết: Nói đến thu nhập 2 triệu đồng đối với nhiều người là ít nhưng đối với chị em nông thôn là khá lớn. Với đặc thù thị trấn Đà Bắc diện tích đất nông nghiệp ít, dịch vụ chưa phát triển. Mỗi hộ trung bình chỉ có từ 1.000- 2.000 m2 trồng lúa, cây màu, ngô không đủ duy trì cuộc sống hàng ngày chứ chưa nói đến phát triển kinh tế. Vấn đề giải quyết việc làm cho người dân nông thôn từ lâu là bài toán khó đối với thị trấn. Việc đưa nghề mây, tre đan về đây có ý nghĩa quan trọng giúp bà con có thêm nghề phụ, tăng thu nhập. Hiện nay, nghề, mây tre đan phát triển ở tiểu khu Đoàn Kết với 20 hộ tham gia; tiểu khu Bờ 15 hộ tham gia.
Trao đổi với chị Đinh Thị Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong được biết, trước đây, công tác ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện thấy huyện Lương Sơn có nghề mây, tre đan giải quyết được việc làm cho nhiều lao động chị mừng lắm. Chị đã cùng với chị dâu của chồng về tận các xã Phú Vinh, Phú Nghĩa, Trúc Sơn (Hà Nội) để tìm hiểu. Sau khi đã liên kết được với các đầu mối, chị bỏ vốn mở các lớp rồi thuê người ở xã Phú Vinh lên dạy nghề cho bà con. Bên cạnh đó, thời kỳ còn công tác ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện, chị kết hợp mở được 3 lớp dạy nghề, gồm 1 lớp cho 30 học viên xóm Doi, xã Hiền Lương; 1 lớp 30 học viênxóm Phủ, xã Toàn Sơn và 1 lớp cho 20 người khuyết tật trên địa bàn toàn huyện. Sau này, nghề mây, tre đan dần được mở rộng ra các xã: Hiền Lương, Tu Lý, Toàn Sơn và thị trấn Đà Bắc. Để có đầu mối cho bà con trao đổi sản phẩm, chị Khánh liên kết thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp thủ công thương mại Tuấn Đạt do anh Đinh Văn Hoàng làm Giám đốc. Bà con trên địa bàn có thể đến trực tiếp HTX để lấy nguyên liệu về nhà làm và trả sản phẩm tại đây.
Hiện nay, với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong, chị tiếp tục nỗ lực đưa nghề mây, tre đan về cho bà con. Vì nơi đây vừa trải qua mấy cơn bão lớn khiến người dân vốn nghèo càng nghèo hơn. Cùng với việc tự đầu tư, chị đã đứng ra xin tài trợ để mở lớp dạy nghề mây, tre đan. Chị mong sao nghề mây, tre đan ngày càng được mở rộng. Theo chị Khánh, việc đưa nghề mây, tre đan về huyện vùng cao Đà Bắc xuất phát từ trăn trở làm sao để người dân nơi đây có thêm nghề phụ để tăng thu nhập, góp phần xóa đói- giảm nghèo ở địa phương. Thời gian tới, chị mong muốn các cấp, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ dạy nghề cho người dân. Vì theo suy nghĩ của chị cần hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp mà hãy cho người dân "cần câu cá” để tự lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngay trên mảnh đất quê hương.
Hương Lan