Tăng trưởng tín dụng (TTTD) đang theo sát các chỉ tiêu đề ra và hỗ trợ tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Định hướng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt ra cho cả năm là khoảng 17%. Nhưng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, cùng với những chỉ số kinh tế đã và dự kiến sẽ đạt được từ nay đến cuối năm và trong năm 2019, TTTD toàn hệ thống được dự báo sẽ đạt thấp hơn mức đề ra.

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Tăng trưởng thận trọng

Theo báo cáo tài chính từ một số tổ chức tín dụng (TCTD), kết thúc quý III, nhiều ngân hàng có mức TTTD rất cao; nhiều ngân hàng tăng trưởng "kịch trần” phải gửi đề nghị xin "nới” room (hạn mức tăng trưởng tín dụng) từ NHNN. Nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo ngân hàng, việc tăng hạn mức tín dụng cần phải được cơ quan quản lý xem xét thận trọng bởi "ám ảnh” lạm phát vẫn không ngừng "rình rập”. Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, ngân hàng này vừa được cơ quan quản lý cho tăng hạn mức tín dụng từ 14 lên 20% trong năm 2018: "Chúng tôi kỳ vọng hạn mức mới sẽ tiếp tục đáp ứng đúng lúc nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp khi thực hiện kế hoạch sản xuất cuối năm để phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán”. Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại tỏ ra khá dè dặt công bố thông tin khi đã có văn bản xin NHNN điều chỉnh tăng hạn mức TTTD vào cuối năm nhưng chưa được chấp thuận. Theo một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều ngân hàng có nhu cầu xin nới chỉ tiêu TTTD, nhất là khi nhu cầu vay vốn có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Đến nay, tính chung trên hệ thống TCTD, TTTD toàn ngành ước đạt hơn 10,5%. Trước đó, báo cáo tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 4-10, tín dụng tăng 9,89%. So mức TTTD cùng kỳ năm trước (11,02%) thì con số này khá thấp. Diễn biến tăng chậm lại ở quý III trong năm nay cũng khá trái ngược với thông lệ mọi năm khi tín dụng thường có sự tăng tốc vào thời điểm này. Nhìn lại mục tiêu được đặt ra hồi đầu năm là từ 17 đến 18% nhằm bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, diễn biến này cũng khiến nhiều ý kiến nhận định TTTD khó hoàn thành mục tiêu, khi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm tài chính. "TTTD thấp hơn mọi năm ở thời điểm này có vẻ trái ngược với thông lệ nhưng lại phù hợp định hướng của cơ quan điều hành khi ngay từ giữa năm, NHNN đã có những văn bản "nhắc nhở” các TCTD kiểm soát tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn; đồng thời thể hiện rõ quan điểm sẽ không xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu đã giao cho các TCTD như những năm trước, ngoại trừ một số trường hợp” - một chuyên gia kinh tế phân tích.

Dè chừng lạm phát

Định hướng kiểm soát chặt TTTD của NHNN được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Theo nhiều ý kiến, ngành ngân hàng không nhất thiết phải cố gắng thúc đẩy tín dụng bằng mọi cách để đạt mục tiêu 17% như đã đề ra. Trong báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cho thấy, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong quý IV - 2018 và tăng 15,22% trong năm 2018. Tổ chức nghiên cứu Fitch Solutions cũng giảm dự báo TTTD năm 2018 của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ 16% xuống 14% và giảm dự báo năm sau từ 14% xuống 13%. Một số tổ chức quốc tế như WB, ADB,... cũng đồng loạt đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên hạ chỉ tiêu TTTD xuống dưới 17% và hướng tới giảm xuống dưới 14% nhằm củng cố sự ổn định vĩ mô.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 gần như đã đạt được. Do vậy, chính sách tiền tệ cần chuyển hướng trọng tâm điều hành từ mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì sức ép lạm phát là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế trong những tháng cuối năm. "Tôi cho rằng, chúng ta nên ngăn chặn lạm phát khi sức ép bắt đầu xuất hiện. Trong năm nay, tín dụng chỉ nên tăng từ 10 đến 12%, hạn chế cung tiền ra nền kinh tế” - PGS, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị. Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhất trí quan điểm khi cho rằng: Dù dư địa tín dụng còn nhiều nhưng không nên đẩy mạnh TTTD cao, nhất là khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng.

Tăng trưởng GDP được nhận định nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch 6,7% trong cả năm 2018. CPI tháng 10-2018 chỉ tăng 3,89% so cùng kỳ năm 2017, nhưng lạm phát thường tăng tốc trong những tháng cuối năm vì yếu tố mùa vụ. Do vậy, nhiều quan điểm vẫn cho rằng NHNN sẽ phải tiếp tục cẩn trọng với chỉ tiêu này. TS Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện tại định hướng TTTD của NHNN ở mức 15%, nếu có nhu cầu đột biến phát sinh thì cao nhất là 17% và không thể vượt hơn. Nhiều ngân hàng hiện có nhu cầu mở rộng đầu tư tín dụng, nhưng quan điểm của nhà quản lý là phải thận trọng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. "Nếu ngân hàng tăng trưởng cao trong khi vốn huy động không kịp bù đắp, sẽ dẫn tới khó khăn thanh khoản, lại phải huy động lãi suất cao, hoặc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng, khó bảo đảm mặt bằng lãi suất cho vay tốt cho khách hàng. Do vậy, NHNN giao TTTD phù hợp với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn” - TS Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.

Định hướng điều hành tín dụng cũng được các lãnh đạo NHNN nhiều lần khẳng định, phương châm điều hành của NHNN là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro. NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động, phối hợp điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, TTTD theo định hướng đề ra, phối hợp các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Việc điều hành của NHNN không nhất thiết phải đạt được các chỉ tiêu TTTD bằng mọi giá, vì đó không phải chỉ tiêu pháp lệnh. Trong tổ chức điều hành chính sách tiền tệ hằng năm, NHNN đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu. Vì vậy, mấy năm vừa qua, lạm phát được kiểm soát gần như sát với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra.

NGUYỄN THỊ HỒNG

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

                                                                                Theo báo Nhân Dân



Các tin khác


13 doanh nghiệp, HTX tỉnh tham gia hội nghị giao thương kết nối cung – cầu hàng hóa năm 2018

(HBĐT) - Ngày 21/11, tại thành phố Hà Nội, 11 doanh nghiệp, HTX tỉnh ta đã tham gia hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh thành phố năm 2018. Đây là hội nghị thường niên do Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức.

Huyện Kỳ Sơn tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Kỳ Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới.

5 sản phẩm nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân đứng tên chủ sở hữu

(HBĐT) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền hội viên truy cập, sử dụng mạng internet nắm bắt nhu cầu thị trường để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi. Mặt khác, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổng hợp danh sách các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm cung cấp thông tin quảng bá, giới thiệu hình ảnh, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

26 dự án đầu tư nước ngoài hoạt động khai thác kinh doanh tại tỉnh

(HBĐT) - 10 tháng qua, tỉnh ta đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 36 dự án, gồm 34 dự án trong nước với số vốn đăng ký 6.398 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 240.000 USD. Theo đó, kể từ trước đến nay, tổng số dự án được cấp phép đầu tư tại tỉnh là 526 dự án, trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 500 triệu USD, 489 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 65.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để cổ phần hóa chậm

Ngày 21-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Ðổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Vương Ðình Huệ, Trịnh Ðình Dũng.

Tân Lạc: Tọa đàm tìm hiểu sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả

(HBĐT) - Ngày 21/11, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Lạc đã chủ trì phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, phòng NN & PTNT, Trung tâm VH – TT, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện tổ chức chương trình tọa đàm tìm hiểu sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Buổi tọa đàm có sự tham dự của của lãnh đạo các cơ quan phối hợp, đại diện các ngành, đoàn thể xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động sản xuất trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục