Đồi keo của bà Bùi Thị Thảo, xóm Đừng, xã Đồng Môn (Lạc Thủy) đem lại thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Đức Lâm, xóm Cú là một trong những hộ có diện tích rừng lớn nhất xã với gần 40 ha, chủ yếu là keo lai và bạch đàn. Hàng năm, ông khai thác 5 ha, thu về 250 triệu đồng. Ngôi nhà lớn, đồ đạc tiện nghi đều từ rừng mà có.
Bà Bùi Thị Thảo, xóm Đừng cho biết: "Gia đình tôi phát triển kinh tế đồi rừng được 10 năm nay. Trồng rừng không cần nhiều vốn nhưng cho thu nhập cao, ổn định. So sánh kinh tế thì trồng keo cho hiệu quả cao và nhàn hơn trồng ngô, sắn. Với 7 ha keo, mỗi năm gia đình tôi thu về 60 - 70 triệu đồng".
Giống như hộ ông Lâm, bà Thảo, đa số các hộ trong xã đều chọn trồng rừng là hướng phát triển kinh tế chính. Hộ ít thì vài ha, hộ nhiều từ 30-40 ha, điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Thái (xóm Đừng) 30 ha, Bùi Văn Cơ (xóm Vôn) 30 ha... đều có thu nhập cao, ổn định. Xã Đồng Môn có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 1.500 ha, trong năm 2018 trồng mới 72 ha keo. Mỗi năm, tổng lượng khai thác đạt hơn 300 ha, tương ứng 50.000 - 60.000 m3 gỗ, đem về thu nhập cho nhân dân hàng chục tỷ đồng. Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp được phủ xanh, không còn đất trống, đồi trọc. Các xóm: Cú, Vôn, Đừng... đều bát ngát màu xanh của keo, bạch đàn với độ che phủ đạt 60%.
Đồng chí Bùi Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn cho biết: "Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tới nhân dân lợi ích kinh tế từ trồng rừng. Thực hiện đồng bộ chuyển giao KH-KT, nâng cao chất lượng lâm sản. Tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng nhằm tạo vùng cây nguyên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, xã tiếp tục chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới đường giao thông, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa".
Phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống mà còn tạo những hiệu ứng tích cực về môi trường. Hầu hết các hộ tại 3/3 xóm đều hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Xã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm Lâm huyện cử cán bộ đến từng cơ sở, hướng dẫn cách tổ chức, chăm sóc các diện tích rừng trồng mới, phòng trừ sâu bệnh hại, chủ động phát dọn thực bì, làm cỏ thường xuyên, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Đồng thời, hướng dẫn người dân khai thác rừng tập trung, đúng quy trình, đem lại năng suất cao. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Hiện tại, xã có 1 cơ sở thu mua, chế biến lâm sản, tạo nhiều việc làm, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương.
Bên cạnh trồng rừng lấy gỗ, xã Đồng Môn cũng quan tâm phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp với tổng đàn trâu 310 con, đàn bò 175 con, gia cầm 12.000 con, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Đến năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 27,5 triệu đồng/người/năm.
Hiệu quả kinh tế từ rừng là rõ rệt, tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, địa thế của xã. Là nguyên liệu giá rẻ, việc phát triển cây keo lai chỉ mang lại ổn định chứ khó tạo sự bứt phá trong sản xuất lâm nghiệp. So sánh với các loại lâm sản khác như quế, bồ đề... thì keo có giá trị thấp hơn trên một đơn vị diện tích. Đồng chí Bùi Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn cho biết: "Thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm, chủ động tìm các giống mới cho năng suất cao hơn, mở thêm các lớp chuyển giao KH-KT, tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, giúp nhân dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống".
Hoàng Anh
(HBĐT) - Ngày 29/11, tại xã Tân Sơn (Mai Châu), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức hội nghị tổng kết mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau các loại đảm bảo ATTP áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.