Xã Yên Mông, TP Hòa Bình đang xây dựng thương hiệu ổi Yên Mông theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2020. Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình đúng tiến độ, thời gian, hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng NTM xây dựng Đề án Chương trình OCOP tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm nông nghiệp hiện có của các địa phương (khoảng 50 sản phẩm); triển khai thực hiện từ 10-15 làng, bản văn hóa du lịch. Tập trung đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn khoảng 50 tổ chức kinh tế và phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Thực hiện xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP; triển khai xây dựng hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương có điều kiện tốt về giao thương và du lịch...
Các địa phương trong tỉnh đã rà soát toàn bộ các sản phẩm, trong đó, lựa chọn tại mỗi huyện từ 1 - 2 sản phẩm chủ lực, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực. Theo đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sản phẩm chủ lực có thể là sản phẩm sẵn có hoặc sản phẩm mới, nhưng phải thể hiện được tính cạnh tranh, tính thương mại và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nếu được chú trọng đầu tư, các sản phẩm có lợi thế ở các địa phương sẽ phát triển bài bản hơn.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng với sự tự nguyện tham gia của tổ chức kinh tế và người dân để khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp, dịch vụ thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Theo đồng chí Nguyễn Anh Quân, các địa phương khi rà soát, lựa chọn sản phẩm phải xác định cụ thể đơn vị nào sản xuất để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm lâu dài. Từ đề xuất của các địa phương, tỉnh sẽ xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xác định nguồn lực, các giải pháp hỗ trợ phát triển về hạ tầng, vốn, khoa học công nghệ cho các chủ thể sản xuất sản phẩm, đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại để có cơ hội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi...
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu sản phẩm địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương.
Đinh Thắng
Hiện ngành nông nghiệp TP Hà Nội mới cung cấp cơ bản được mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng cho thị trường; số lượng thịt bò, thủy sản, rau, củ quả, hoa quả các loại còn ở mức thấp. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tới đây Hà Nội cần tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đạt năng suất, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.