(HBĐT) - Ngay từ khi khởi động sản xuất vụ xuân năm nay, huyện Kim Bôi đã chủ động chuyển đổi trên 100 ha cấy lúa sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế và khả năng chịu hạn tốt hơn. Cùng với đó, cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, nhãn, mía, rau, đậu thực phẩm… vốn là các loại cây trồng đang phát huy lợi thế, tạo dấu ấn ngày càng mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của huyện.


 

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và Huyện ủy, UBND huyện Kim Bôi tìm hiểu mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng cam, bưởi tại xóm Đông Hà (xã Mỵ Hòa).

Cụ thể, trong 7.822 ha dự kiến gieo trồng các loại cây hàng năm sẽ có khoảng 2.426 ha lúa và trên 5.395 ha màu. Cơ cấu cây màu được xác định với ưu tiên hàng đầu là ngô (khoảng 1.677 ha), sau đó là các loại cây đang được thị trường ưa chuộng nên có giá trị gia tăng khá cao như mía (612 ha), khoai lang (379 ha), dưa các loại (367 ha), bí xanh (330 ha), sắn (330 ha)… Đặc biệt, diện tích rau các loại dự kiến được mở rộng với khoảng 600 ha. Đây là cây trồng được khuyến khích mở rộng diện tích trong kế hoạch cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Kim Bôi vài năm trở lại đây.

Riêng năm 2018, trong khoảng 195 ha lúa được chuyển đổi thì diện tích chuyển sang trồng rau các loại chiếm khoảng 125 ha, còn lại rải rác chuyển sang trồng cây hàng năm như: ngô, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâu năm… Đối với vụ xuân năm nay, trong khoảng 100 ha lúa được chuyển đổi ngay từ đầu vụ thì lựa chọn hàng đầu vẫn là rau các loại. Đây được xem là lựa chọn thiết thực và an toàn dành cho nông dân huyện Kim Bôi khi muốn thay thế cây lúa trên những diện tích không chủ động được nguồn nước cũng như hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi: Trong năm 2018, toàn huyện gieo trồng khoảng 3.437 ha rau, đậu các loại, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Với năng suất bình quân đạt 12-14 tấn/ha, sản lượng đạt 4,1 - 4,8 vạn tấn, loại cây trồng này được xác định giá trị thu nhập khoảng 80 -130 triệu đồng/ha/vụ, tiếp tục tạo thêm dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, điển hình như vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, lặc lày, mướp đắng, khoai tây… tại các xã: Nam Thượng (425 ha/năm), Đú Sáng (420 ha/năm), Vĩnh Đồng (160 ha/năm), Hợp Kim (150 ha/năm), Mỵ Hòa (145 ha/năm), Nật Sơn (130 ha/năm)…

Bên cạnh đó, trên đồng đất Kim Bôi còn có sự xuất hiện đầy thuyết phục của các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi… Tính đến đầu năm 2019, tổng diện tích cây có múi toàn huyện đạt gần 1.300 ha, trong đó vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bắc Sơn, Hùng Tiến, Kim Sơn, Nam Thượng, Mỵ Hòa… Đây vốn là loại cây đòi hỏi sự đầu tư lớn, áp dụng trình độ KHKT cao nên rất đáng ghi nhận là khi quyết định đầu tư canh tác cây ăn quả, người dân không đầu tư ồ ạt, cảm tính theo phong trào mà có phương án sản xuất, kinh doanh khá thận trọng, bài bản. Đây là điểm khác biệt mấu chốt giữa các mô hình sản xuất cây ăn quả với các mô hình trồng trọt khác đang được rải rác đầu tư trên địa bàn huyện.

Đồng chí Chu Văn Đương, Trưởng xóm Đông Hà (xã Mỵ Hòa) xác nhận: Cây ăn quả là một trong những lựa chọn ưu tiên của quá trình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xóm Đông Hà nói riêng cũng như nhiều địa bànthuộc huyện Kim Bôi. Gia đình tôi từ năm 2013 đã tiên phong chuyển đổi gần 1 ha vườn tạp để trồng cam, quýt. Trong hai năm gần đây, diện tích này đều đặn mang về cho gia đình nguồn thu trên 200 triệu đồng/niên vụ. Hiện cả xóm Đông Hà đã có khoảng 62 ha cam, dần bỏ hết vườn tạp để trồng cam, bưởi và một số loại cây màu có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: UBND huyện tích cực chỉ đạo triển khai Đề án cải tạo vườn tạp, coi đây là động lực cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt của địa phương. Trong năm 2018, cùng với duy trì diện tích cải tạo vườn tạp năm 2017 là 100 ha/14 xã, huyện đã chuyển đổi thêm 82 ha vườn tạp, tiến hành hỗ trợ trên 19.200 cây ăn quả có giá trị cao như nhãn, bưởi Diễn, mít Thái, hồng xiêm, xoài, ổi, na… để tiếp thêm động lực cho người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong nỗ lực chung, rất đáng ghi nhận là các chuỗi liên kết được triển khai với quy mô ngày càng nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất trồng trọt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Kết quả là sản xuất nông nghiệp năm 2018 không những phát triển ổn định mà còn đạt giá trị tăng thêm 23,4% /năm, tăng gấp 5 lần mục tiêu đề ra (4-5%/năm), chiếm trên 32% cơ cấu kinh tế, Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng mạnh với mức 22,8%, giá trị sản xuất trung bình đạt 138,2 triệu đồng/ha/năm, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Với kết quả đó, huyện Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp năm 2019, chủ động thực hiện ngay trong vụ xuân để có đà phát triển thuận lợi, hướng tới những mục tiêu tốt đẹp, bền vững trong sản xuất nông nghiệp của địa phương từ nay đến năm 2020.

 

Thu Trang

 

Các tin khác


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng ước đạt 5.323 tỷ đồng

(HBĐT) - 2 tháng đầu năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết như lương thực, thực phẩm, rượu, bia các loại, nước giải khát.

AGRIBANK dành 6.000 giải tri ân đến khách hàng nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập

(HBĐT) - Theo đại diện Agribank Hòa Bình, từ ngày 01/3 đến 31/03/2019, Agribank triển khai chương trình "Sinh nhật rộn ràng – Nhận ngàn quà tặng” nhằm kỷ niệm 31 năm thành lập (26/3/1988-26/03/2019).

Khởi động Chương trình mỗi xã một sản phẩm - tạo đà xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được tỉnh ta triển khai, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Phấn đấu chuẩn hóa 25 sản phẩm OCOP trong năm 2019

(HBĐT) - Hiện nay, đơn vị tư vấn đã tiến hành điều tra, khảo sát lập cơ sở dữ liệu để xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hòa Bình. Dự kiến trong quý I/2019, UBND tỉnh sẽ phê duyệt Đề án.

Tập huấn cho gần 200 học viên về OCOP

(HBĐT) - Ngày 20/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2018-2020.

Tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 21.258 tỷ đồng

(HBĐT) - Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh đặt mục tiêu huy động nguồn vốn tại địa bàn tăng 15% trở lên, dư nợ tín dụng tăng trưởng 14%; nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Đến hết năm 2018, nguồn vốn huy động đạt 23.346 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2017, trong đó vốn huy động trong các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 15.049 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, đáp ứng 71,6 tỷ trọng vốn đầu tư cho vay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục