Người dân xã Phú Vinh (Tân Lạc) phát triển trồng cây mía tím.
Cây mía tím là loại cây trồng chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế của xã Đa Phúc (Yên Thủy). Dẫu vậy, trong những ngày đầu tháng 3/2019, loại cây này vẫn còn hiện hữu bạt ngàn trên các cánh đồng. Toàn xã hiện có khoảng 200 ha diện tích trồng cây mía tím với 100% hộ dân tham gia trồng hàng năm.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Đa Phúc Bùi Văn Hoan: Thường vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm, lượng tiêu thụ cây mía tím ít nhất cũng phải được 1/3 hoặc một nửa so với tổng diện tích trồng mía toàn xã. Nhưng đến thời điểm này, sản lượng tiêu thụ mía tím trên địa bàn hầu như không đáng kể, một phần phụ thuộc vào tiêu thụ của các tư thương. Vấn đề đầu ra của cây mía tím đang là nỗi trăn trở của chính quyền và nhân dân trong xã từ 1-2 năm nay.
Trên phạm vi cả tỉnh, Hòa Bình là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất miền Bắc. Cây mía tím tập trung chính ở các huyện Tân Lạc, Cao Phong, một phần ở Kim Bôi, Lạc Sơn và Yên Thủy với tổng diện tích trồng khoảng 3.100 ha.
Cây mía tím không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng nhưng đem lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Sản lượng trung bình của mía tím trong tỉnh đạt khoảng 5 tạ/ha. Giá bán tại vườn giao động từ 5.000 - 7.000 đồng/cây, cá biệt có vùng đạt 10.000 đồng/cây. Theo tính toán, một ha mía mỗi vụ mang lại cho người dân thu nhập trung bình khoảng 150 - 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần thu nhập trồng lúa.
Dẫu vậy, thị trường tiêu thụ của cây mía tím hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái về mua và đưa đi khắp các tỉnh miền Bắc. Do đó, mỗi khi thị trường diễn biến bất lợi, bao khó khăn, thiệt thòi người nông dân trồng mía tím chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, tình hình thiêu thụ mía tím năm nay đang khá chậm so với những năm trước, bởi hiện nay, các loại hoa quả khác đang rất phát triển, sản lượng cũng tăng mạnh.
Hiện, việc tiêu thụ mía đều phụ thuộc vào tư thương, tại các khu đô thị lớn không còn cảnh bán rong truyền thống như trước đây. Do vậy, bắt buộc thời gian tới, người trồng mía cũng như tư thương cần thay đổi phương thức bán hàng mới mong sản phẩm mía tím đến được tận tay nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần thay đổi phương thức sản xuất làm sao số lượng cây ít nhưng giá trị cao, đảm bảo độ mềm, độ ngon, ngọt của cây mía. Tỉnh ta cũng đang triển khai thay giống mía tím bằng nuôi cấy mô. Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% giống được nhân bằng phương pháp này.
Mặc dù hiện nay, mía tím Hòa Bình vẫn được cho là "thủ phủ”, nhưng một vài năm tới, nếu người dân trong tỉnh không thay đổi tập quán canh tác và phương thức bán hàng thì khó có thể đưa mía tím vào các siêu thị cũng như đông đảo khách hàng để có thu nhập cao… Cùng với đó, sức ép về cạnh tranh cũng khá lớn, bởi một số địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa… người dân đang trồng cây mía tím rất tốt.
Còn về câu chuyện xuất khẩu cây mía tím từ đầu năm 2019. Theo một số nghiên cứu, nước mía tím rất giàu vitamin và khoáng chất như phốt pho, sắt, kali, canxi và magiê. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nước mía có thể giúp phục hồi sự thiếu hụt các vitamin trong cơ thể do sốt cao. Do có chứa nhiều kiềm trong thành phần nên nước mía có thể ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng, ung thư phổi và ung thư vú. Nghiên cứu cũng cho rằng, người tiểu đường vẫn có thể ăn, uống nước mía nhưng với một lượng vừa phải, không cần phải kiêng tuyệt đối. Chính vì vậy, người Nhật cũng rất thích dùng sản phẩm mía tím từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến: "Giá thành sản phẩm cao là rào cản lớn nhất đối với việc mía tím sang Nhật Bản hiện nay”.
Cụ thể, việc xuất khẩu mía tím Hòa Bình sang Nhật từ đầu năm đến nay mặc dù rất nhiều cố gắng nhưng phía đối tác chỉ mới đặt hàng khoảng 3 tấn sản phẩm. Tuy vậy, từ 2 tuần nay, việc xuất khẩu mía tím bất ngờ phải dừng lại bởi giá mía tím từ Trung Quốc sang Nhật được cho khá thấp, vì vậy, mía tím Hòa Bình rất khó cạnh tranh.
Thực tế xuất khẩu mía tím đòi hỏi cây chất lượng. Nếu mua ở xã Phú Vinh (Tân Lạc) vào khoảng 10.000 đồng/cây đẹp đạt yêu cầu xuất khẩu, về sơ chế mỗi cây 1kg, sau khi chi phí nhân công, bao bì, nhãn mác… thành phẩm vào khoảng 17.000 đồng/ kg. Với giá thành như vậy, về phía đối tác Nhật Bản phản hồi rằng hơi cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước khác.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, trong tình hình hiện nay, việc xuất khẩu mía tím của tỉnh không hy vọng vào sản lượng lớn bởi quá nhiều "rào cản”, chính vì vậy, việc xuất khẩu mặc dù rất cần thiết nhưng không quá kỳ vọng về sản lượng lớn.
Điều quan trọng và mấu chốt vấn đề hiện nay thông qua việc xuất khẩu đó tạo ra sự lan tỏa thương hiệu cũng như giá trị, hiệu ứng của cây mía tím đến đông đảo người dân trong nước, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó kích cầu tiêu thụ mạnh và bền vững cây mía tím trong thời gian tới.
Hồng Trung