Mặc dù cơ giới hóa (CGH) được coi là "chìa khóa” để chuyển đổi cơ cấu hiệu quả nhất đối với nông nghiệp, nhưng trên thực tế ở nước ta, tỷ lệ áp dụng CGH hiện tại rất thấp. Hiện trạng này dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của nông nghiệp Việt Nam đang ở mức báo động: lúa 10 đến 12%, thủy sản 12%, thịt 14% và rau quả lên tới 32%. Trước thực tế diện tích đất, nhân lực lao động dành cho nông nghiệp ngày càng giảm sút, cộng thêm áp lực phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đã đến lúc phải coi CGH là mệnh lệnh trong chiến lược phát triển.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Động cơ và máy nông nghiệp miền nam chế tạo máy phục vụ nông nghiệp.
Bài 1: Lép vế trên sân nhà
Mặc dù tỷ lệ CGH nông nghiệp vẫn tăng theo từng năm, song thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trong nước, thậm chí thị phần này đang bị các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài từng bước thâu tóm. Nếu tình trạng này tiếp diễn, khả năng ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp trong nước sẽ "chết yểu”, phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc và công nghệ nhập khẩu.
Câu chuyện máy gặt đập liên hợp
Từ nhiều năm nay, cứ hai năm một lần, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại tổ chức cuộc thi bình chọn các loại máy gặt đập liên hợp (GÐLH), cả trong nước sản xuất lẫn nhập khẩu đang có mặt trên thị trường, nhằm chọn ra những loại máy móc tốt, phù hợp nhất với điều kiện đất đai và tập quán sản xuất của Việt Nam, sau đó khuyến nghị nông dân mua và sử dụng. Kết quả, trong tất cả các cuộc bình chọn đó, hầu hết các loại máy GÐLH của Việt Nam đều đoạt giải cao, thậm chí đứng thứ nhất, nhì vì đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe như chạy được trên nền đất yếu, gặt được lúa đổ ngã, tỷ lệ gặt sót thấp,… Thế nhưng, kết quả thực tế trên đồng ruộng trong vòng 10 năm gần đây lại cho thấy một nghịch lý, máy GÐLH của hãng Kubota (Nhật Bản) gần như độc chiếm hoàn toàn thị trường.
TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch lý giải: Sở dĩ máy của ta đoạt giải vì được nghiên cứu, chế tạo với nguyên lý, kết cấu rất thích hợp với đồng ruộng và cây trồng của Việt Nam. Nhưng đó chỉ là để đi thi, để quay phim, chụp ảnh, còn khi làm việc trên cánh đồng thật sự, lại lộ ngay điểm yếu về độ bền, khó có thể "quần quật đêm ngày" như máy Kubota. Hơn nữa, các đơn vị sản xuất trong nước thiếu hẳn hệ thống dịch vụ chăm sóc sau bán hàng; khả năng sửa chữa, thay thế linh kiện, vật tư khi hỏng hóc rất kém. Tất cả các viện nghiên cứu về cơ khí nông nghiệp trong nước chỉ đơn thuần nghiên cứu, chỉ có năng lực chế tạo máy mẫu, không được đầu tư bài bản và đồng bộ để sản xuất máy móc hàng loạt phục vụ nông nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) cơ khí địa phương với năng lực sản xuất nhỏ, trình độ chế tạo chủ yếu thủ công, cho nên cũng chỉ đáp ứng được việc "độ, chế" tạm thời linh kiện hỏng hóc, chứ không có khả năng sản xuất chi tiết máy chính xác và đồng bộ. Do đó, máy GÐLH trong nước sản xuất vừa không đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn, thiếu đồng nhất về mẫu mã, năng suất, chất lượng, độ tin cậy chưa bảo đảm,... Ðây chính là điểm yếu để những hãng nước ngoài như Kubota khai thác triệt để, kết hợp năng lực chế tạo đồng bộ, chuyên nghiệp sẵn có và khả năng tài chính hùng mạnh, để nghiên cứu, chế tạo ra những chiếc máy dần thích nghi tốt hơn với đồng ruộng Việt Nam, được người nông dân chấp nhận và từ đó chiếm lĩnh thị trường. Có thể nói, cơ khí trong nước đã thua đau trên "sân nhà".
Rõ ràng, công nghệ sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm là những điểm yếu của cơ khí Việt Nam nói chung và cơ khí phục vụ nông nghiệp nói riêng. Việc chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào cho ngành cơ khí cũng như năng lực sản xuất máy cái, dụng cụ cắt còn kém, nhất là ngành chế tạo linh kiện, phụ tùng phụ trợ còn yếu, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí. Chính vì vậy, máy nông nghiệp của Việt Nam thường có độ bền kém, việc phải "độ, chế" ngay tại thực địa rất mất thời gian và công sức. Mặc dù một số DN gần đây đã đầu tư dây chuyền thiết bị cơ khí hiện đại nhằm sản xuất một số dòng sản phẩm riêng biệt có chất lượng, nhưng cũng không thể theo kịp tốc độ phát triển của các nước tiên tiến. Chính vì vậy, phần lớn nông dân hễ cứ nghe nhắc đến máy nông nghiệp của Việt Nam là không mặn mà, cứ phải là hàng Kubota mới chịu mua hoặc thuê. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Phúc (Tam Ðảo, Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Quyền chia sẻ: Ðể chuẩn bị làm dịch vụ cơ khí cho nông nghiệp, tôi phải tìm hiểu rất kỹ và cuối cùng quyết định chọn loại máy cấy của Kubota. Không chỉ vượt trội về độ bền, các dịch vụ chăm sóc khách hàng và hậu mãi của Kubota đều hơn hẳn so với các thương hiệu khác. Sau khi HTX mua máy, các kỹ sư của Kubota còn xuống tận ruộng để cùng cấy và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời liên tục bám sát bảo trì, bảo dưỡng máy khi cần thiết. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng máy Kubota tại Vĩnh Phúc hiện đã chiếm khoảng 70 đến 75% thị trường. Ngoài ra, một số hãng khác của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, và thị phần đang tăng dần.
DN cơ khí trong nước không mặn mà
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ðộng cơ và máy nông nghiệp miền nam (SVeam) Trần Vạn Tuấn Anh khẳng định: Nếu nói về chất lượng cũng như sản lượng của máy động cơ nông nghiệp công suất nhỏ, ở khu vực hiện nay, Việt Nam chỉ đứng sau hãng Kubota (thương hiệu Nhật Bản, sản xuất ở Thái-lan). Nhưng do cơ cấu về nông nghiệp đã thay đổi nhiều, trước đây chỉ có hộ nông dân cá thể, nhưng nay đã được gom thành các cánh đồng mẫu lớn hoặc những trang trại, sử dụng máy cày bốn bánh, phức hợp công suất lớn, cho nên mức độ áp dụng của máy nông nghiệp trong nước ngày càng thu hẹp dần. Trong khi đó, DN cơ khí Việt Nam lại không được đầu tư để phát triển kỹ thuật và máy móc mới khiến công nghệ ngày càng tụt hậu, không sản xuất được những chủng loại máy móc đủ công suất theo yêu cầu. Không những vậy, các máy móc, động cơ công suất nhỏ lại đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc hoặc "hàng bãi" từ Thái-lan tràn sang. Cùng với đó, hàng nhái, hàng giả còn nhiều, chất lượng tuy không tốt, nhưng thường được bán với giá rất rẻ (chỉ bằng khoảng một nửa giá máy của Việt Nam), cộng thêm chiết khấu lớn cho người bán hàng, phù hợp đối tượng nông dân có thu nhập thấp. Những loại máy móc này đang nhanh chóng len lỏi và tràn ngập ở nhiều vùng miền của nước ta. Theo thống kê, tại đồng bằng sông Cửu Long, máy động cơ nhỏ đi-ê-den, xăng hay máy phun thuốc trừ sâu Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp đang chiếm lĩnh tới hơn 55% thị phần.
Thị trường máy nông nghiệp của các DN Việt Nam đang nằm ở "khe cửa hẹp", giữa máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,... giá cao và hàng của Trung Quốc, hàng cũ Thái-lan giá rẻ. Ðặc thù sản xuất máy nông nghiệp có lợi nhuận rất thấp, lại bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía, nhưng ở một nước nông nghiệp vẫn là chủ đạo như nước ta, không thể vì những khó khăn đó mà bỏ qua không làm. Tuy nhiên, nhiều DN nhà nước có truyền thống, tiềm lực về tài chính, máy móc, nguồn nhân lực và còn được nhận nhiều ưu đãi của Nhà nước, nhưng năng lực sản xuất ngày càng tụt hậu, bỏ rơi thị trường. Ðiển hình là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Vốn là "anh cả" của ngành cơ khí nông nghiệp, những sản phẩm máy móc của VEAM như động cơ đi-ê-den, máy cày,… cách đây 20 đến 30 năm đã tung hoành khắp các cánh đồng của Việt Nam và được nông dân hết sức tín nhiệm. Những năm trước đây, VEAM từng tổ chức nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, đưa máy móc về vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ người nông dân mua máy đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, càng về sau, VEAM càng buông lỏng chức năng, nhiệm vụ chính của mình theo đúng tên gọi là sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp. Dường như, những lợi nhuận khổng lồ có được từ việc liên doanh với một số hãng như Honda, Toyota, Ford đã khiến lãnh đạo VEAM "ngủ quên trên đống vàng", quên mất nhiệm vụ quan trọng là tạo "sức kéo cho nông nghiệp" được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Theo số liệu báo cáo, năm 2018, VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 7.130 tỷ đồng, trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một lãnh đạo VEAM, việc dành kinh phí đầu tư phát triển hằng năm chỉ chiếm chưa đầy 1%, kết quả nghiên cứu cũng ít được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Những định hướng lệch lạc của lãnh đạo VEAM thời gian qua đã tác động trực tiếp đến các đơn vị thành viên chuyên sản xuất máy nông nghiệp như Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Trần Hưng Ðạo, SVeam,… Hầu hết các đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và từng bước đánh mất thị phần vì không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, lại phải cạnh tranh gay gắt với máy móc nhập khẩu, dẫn đến các sản phẩm máy nông nghiệp của VEAM chỉ còn "vang bóng một thời". Theo thống kê, thị phần động cơ đi-ê-den của VEAM tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 20%, máy phun thuốc trừ sâu 10% và máy cày tay chỉ còn 5%,… "Cánh chim đầu đàn" của cơ khí nông nghiệp Việt Nam tuy chưa "gãy cánh", nhưng với thực trạng thoi thóp, ngày càng xuống dốc hơn chục năm nay, khó có thể hy vọng VEAM có được bứt phá nào đáng kể để đóng góp cho nền cơ khí nông nghiệp nước nhà.
Có thể nói, hàng loạt viện nghiên cứu về cơ khí nông nghiệp thuộc các bộ chuyên ngành như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, mặc dù là những đơn vị chủ chốt, đứng mũi chịu sào trong nghiên cứu, sáng tạo, đồng thời tham mưu các cơ chế, chính sách phát triển cơ khí nông nghiệp hiệu quả, nhưng kết quả nhiều năm qua không đạt như kỳ vọng và không để lại dấu ấn đáng kể nào. Biết bao đề tài nghiên cứu xong, không ứng dụng được trong thực tiễn. Các DN tư nhân có quy mô nhỏ trong nước hầu hết đều phải tự "mò mẫm", tìm hướng đi trên chính lĩnh vực được xác định là mũi nhọn, có vai trò quan trọng, đòi hỏi cách nghĩ, cách làm và tư duy mới mẻ hơn, sát thực hơn của chính những người lãnh đạo các bộ chủ quản, nhằm xác định lại chính xác quỹ đạo, lộ trình phát triển ngành cơ khí nông nghiệp bền vững.
(Còn nữa)
Theo báo Nhân Dân
(HBĐT) - Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, tính đến cuối quý I/2019, tổng dư nợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 8.467 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,4%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn 12.499 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,6%/tổng dư nợ.
(HBĐT) - Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Kỳ Sơn về Chương trình xây nông thôn mới (NTM) thay đổi tích cực. Nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, đóng góp ngày công, hiến đất làm đường giao thông và các công trình hạ tầng nông thôn. Dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai gây ra, nhưng hầu hết các địa phương vẫn có chuyển biến tích cực trong phát triển hạ tầng KT - XH, một số xã nêu quyết tâm xây dựng đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Kim Bôi dành nhiều quan tâm thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức sản xuất, trong đó, chú trọng xây dựng các hợp tác xã (HTX) hoạt động theo hình thức liên kết. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21 HTX, 15 trang trại, 1 nông trại.
(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Yên Thủy 11 km, xã Lạc Lương thuộc vùng 135, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do địa bàn chủ yếu là núi đá, sản xuất nông nghiệp manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên; địa phương chưa xác định được các mô hình kinh tế mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao; trên địa bàn không có công ty, xí nghiệp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, theo thống kê năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 20,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 60,03%.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 5 dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 7 dự án, thu hồi 3 dự án đầu tư vào khu công nghiệp (KCN).
(HBĐT) - Điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhưng nông nghiệp của huyện Đà Bắc đang vượt khó và trên đà khởi sắc. Huyện từng bước phát triển các chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm thế mạnh.