Anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Can, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) thu hoạch bí xanh cuối vụ.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Can đang thay phiên thu hái, đưa bí xanh từ chân ruộng lên tập kết tại điểm bên đường. Anh Hùng phấn khởi cho chúng tôi biết: Vì là cuối vụ thu hoạch nên giá cả nhích lên đáng kể. Hiện tại, lái thương thu mua với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg tại ruộng. Thời điểm giữa vụ, giá dao động từ6.000- 8.000 đồng/kg. Vụ này, mặc dù năng suất không bằng các vụ trước đó, nhưng giá cả tương đối ổn định, có lợi cho người sản xuất. Gia đình anh trồng bí đã được 5 - 6 năm nay, diện tích cỡ 800 m2, năng suất vụ này đạt khoảng 16 tấn/ha.
Trên đồng đất vùng cao đang nỗ lực vượt qua gia khó này, những người đi đầu trong chuyển đổi trồng bí xanh, mướp đắng là ông Trần Đại Nghi ở xóm Nội, Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Văn Dân ở xóm Nưa. Tiểu biểu nhất là ông Nguyễn Văn Hợp, xóm Nưa chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất ruộng 1 vụ sang trồng bí xanh và mướp đắng lấy hạt. Nhờ đất đai màu mỡ, đầu tư cải tạo thường xuyên, năng suất bí xanh của gia đình ông luôn đạt từ trên 20 tấn/ha. Với 2 vụ trồng trong năm, ông đạt thu nhập bình quân từ 150 triệu đồng - 200.000 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thực hiện luân canh tăng vụ, triển khai trồng các loại rau đậu ở vụ đông để tăng nguồn thu nhập.
Tìm ra cây trồng mang lại giá trị kinh tế, lại phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác chính là động lực để bà con nông dân xã vùng cao Độc Lập mạnh dạn chuyển đổi. Từ mô hình mướp đắng lấy hạt, bí xanh được đưa vào ở những năm 2011 - 2012 với diện tích chừng vài ha, đến nay đã phát triển và mở rộng vùng trồng bí xanh, mướp đắng lấy hạt tập trung tại 5/5 xóm gồm Sòng, Nưa, Nội, Can, Mùi. Trong đó, bí xanh 26,5 ha, mướp đắng lấy hạt 7,8 ha. Riêng mướp đắng lấy hạt được triển khai theo hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Công ty Hạt giống đỏ và Công ty Đông Tây là 2 doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm còn nhân dân có đất bỏ sức lao động, một phần phân bón.
Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập nhận định: Sau gần 4 năm chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, xã đã hình thành vùng bí xanh, mướp đắng hàng hóa. Nếu như trước đây, đời sống của người dân phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô, giá trị kinh tế thấp thì sau chuyển đổi, hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân trồng bí xanh, mướp đắng lấy hạt đã tăng gấp 2, gấp 3 lần. Cùng với tập quán canh tác thay đổi, nhiều hộ thay vì bỏ phí đất ruộng sau thu hoạch vụ mùa đã cải tạo để trồng cây ngắn ngày vụ đông. Sản phẩm hàng hóa do bà con nông dân làm ra đồng đều và thường xuyên hơn. Dự kiến năm 2019, hộ nghèo của xã giảm xuống còn 35,5%, cận nghèo giảm còn 18,5%, bình quân thu nhập đầu ngườiđạt 21 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2018. Bí xanh, mướp đắng lấy hạt với vai trò cây trồng chuyển đổi chủ lực đã góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao. Nhờ các cây trồng này mà hiện tại, trên địa bàn đã có hàng chục hộ đạt thu nhập bình quân từ 70 triệu- 80 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng/năm.