Công nhân Công ty TNHH Thấu kính R (TP Hòa Bình) làm chủ dây chuyền sản xuất thấu kính quang học cao cấp xuất khẩu.
Không khí lao động tại Công ty TNHH Thấu kính R (TP Hòa Bình) những tháng cuối năm diễn ra khẩn trương với mục tiêu hoàn thành kế hoạch kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp năm 2019. Đây cũng là doanh nghiệp có đóng góp hàng đầu cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Anh Nguyễn Long, Quản đốc Công ty cho hay: Với lĩnh vực chuyên về sản xuất mặt hàng thấu kính quang học, từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp luôn duy trì tăng trưởng và đạt kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, đạt 8,71 triệu USD năm 2015, 11,6 triệu USD năm 2016, 14,1 triệu USD năm 2017, 14,6 triệu USD năm 2018. 9 tháng năm 2019 đạt 10,61 triệu USD. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Nhật Bản và Malaysia, phục vụ sản xuất các thiết bị công nghệ máy ảnh, camera, các loại camera giám sát hành trình xe ô tô, y tế...
Một doanh nghiệp FDI khác là Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc ESQUEL Việt Nam - Hòa Bình tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) cũng đang quyết tâm phấn đấu đạt mức kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra. Anh Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc nhà máy cho biết: Nhà máy đang tăng cường hiệu suất lao động để hoàn thành khối lượng sản phẩm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đối tác xuất khẩu. Mặt khác, chủ động thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng và cơ hội để mở rộng thị trường. Đây vừa là mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp, đồng thời, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện tại, công ty có 4.200 công nhân với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi về những cơ hội trên lộ trình đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.700 triệu USD, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Đó là thị trường xuất khẩu mở rộng hơn, nhờ tranh thủ cơ hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giúp môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện mạnh mẽ. Đặc biệt, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực kể từ năm 2019 tạo sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất.
Kịp thời nắm bắt những cơ hội đó, các doanh nghiệp của tỉnh đã có xu hướng đầu tư mạnh hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Hoạt động nhập khẩu tập trung vào các loại hàng hóa như nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây đồng thời là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã bước đầu phát triển. Cùng với hoạt động ổn định của các dự án sản xuất thấu kính quang học, linh kiện điện tử, KCN bờ trái sông Đà, KCN Lương Sơn, tỉnh đang thu hút thêm những dự án công nghiệp khác như mở rộng sản xuất của Công ty Sanko với công suất 50 triệu sản phẩm/năm, sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Nissin, linh kiện điện tử của Tập đoàn Samsung công suất 48 triệu sản phẩm/năm.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 49 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có 26 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp liên doanh và trong nước. Thị trường xuất khẩu hàng hóa châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia...) chiếm 35,15%, Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) chiếm 15%, các nước EU (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan) chiếm 15,47%, Đông Âu (Liên bang Nga) chiếm 1,53% và một số thị trường khác.
Kim ngạch xuất khẩu hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đề ta, tốc độ tăng trưởng trung bình các năm là 31%. Tỉnh hiện đứng thứ 5 về kim ngạch, đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người trong các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đó là tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển và đăng ký bảo hộ các thương hiệu quốc gia, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam đảm bảo cho quá trình hội nhập một cách hiệu quả, bền vững. Tăng cường tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất nông thủy sản của tỉnh với doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu. Triển khai chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, chuẩn bị thủ tục, nguồn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký. Tập trung rà soát các dự án, nhất là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn để dự án đi vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Triển khai các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng, giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu.
Bùi Minh