(HBĐT) - Vụ xuân năm nay, huyện Kim Bôi phấn đấu gieo cấy trên 9.600 ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích trồng lúa trên 2.400 ha. Để chủ động, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất, huyện chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức cho các xã duy tu, bảo dưỡng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi lượng nước tại hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn; vận động, tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất hợp lý, tiết kiệm, phấn đấu sản xuất hoàn thành kế hoạch đề ra.



Công trình bai Cái, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) được đầu tư sửa chữa đầu năm 2019, góp phần đảm bảo lượng nước tích trữ, cung cấp nước tưới tiêu cho trên 70 ha diện tích cây trồng toàn xã.

Chúng tôi đến xã Vĩnh Đồng vào thời điểm bà con vừa hoàn tất việc cấy lúa. Đồng chí Bùi Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, toàn xã có 3 bai lớn, trong đó bai Cái phục vụ tưới tiêu cho trên 70 ha lúa. Sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2017, công trình này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thân bai bị bung thủng, dẫn đến khả năng tích nước không đảm bảo, tăng nguy cơ thiếu nước sản xuất. Để đảm bảo lượng nước sản xuất cho các vụ tiếp theo, đầu năm 2019, từ nguồn kinh phí huyện phân bổ, xã phối hợp tổ chức duy tu, sửa chữa với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trước và sau Tết Nguyên đán 2020, cán bộ thủy nông được tăng cường về các xóm điều tiết nước phục vụ sản xuất, xã chỉ đạo cán bộ các xóm vận động người dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, phát dọn cỏ rác trên các tuyến mương để hạn chế thất thoát nước. Vì vậy, đến thời điểm này, các công trình thuỷ lợi, bai dâng trên địa bàn đảm bảo dự trữ đủ nước phục vụ sản xuất.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, hiện huyện quản lý 288 công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 66 hồ chứa, 187 bai dâng, 22 trạm bơm, 13 trạm máy thuỷ luân. Tổng chiều dài các tuyến kênh mương toàn huyện là 425 km, kênh mương đã được kiên cố trên 200 km, đạt 48%. Các công trình này đảm bảo nước tưới cho gần 6.000 ha cây trồng các loại, trong đó, tưới cho diện tích 2 vụ lúa chiêm và lúa mùa trên 4.500 ha, trên 1.300 ha cây màu 2 vụ và 113,2 ha cây ăn quả.

Năm 2019, với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp”, phong trào tham gia làm thủy lợi được người dân tích cực hưởng ứng. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sửa chữa, nâng cấp 10 bai dâng (bai Cái - xã Vĩnh Đồng, bai Ký Đai - xã Hợp Tiến, bai Khả - xã Hùng Sơn...), 3 hồ chứa (hồ Bưng - xã Nuông Dăm, hồ Suối Đất - xã Hùng Sơn, hồ Hồi Công - xã Sào Báy) và thực hiện kiên cố khoảng 10 km kênh mương với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng. Cùng với đó, ngay sau khi thu hoạch vụ đông, huyện chỉ đạo các địa phương vận động bà con khơi thông kênh mương nội đồng, sửa chữa kênh, mương bị hỏng để bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân.

Năm nay, diện tích lúa có khả năng bị hạn của huyện là 864 ha, diện tích màu có khả năng hạn 764 ha. Hiện tại, mực nước ở các hồ đập, công trình thuỷ lợi vẫn đảm bảo nước tưới cho 90% diện tích cây trồng. Đồng chí Bùi Văn Bộ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Lưu lượng nước tại các công trình thuỷ lợi và hồ chứa trên địa bàn huyện hiện đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, không vì thế mà lơ là, chủ quan trong canh tác, sản xuất. Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí để có thể chuẩn bị đầy đủ các điều kiện công tác phòng, chống hạn; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tốt chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi đợt I năm 2020. Yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn lực, kiểm tra số lượng, tình trạng kỹ thuật của thiết bị. Tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức trong công tác phòng, chống hạn hán, khắc phục hậu quả sau hạn hán. Trong quá trình sản xuất, khuyến cáo nông dân cần tiết kiệm nước, bảo đảm đủ nước cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đối với những diện tích có khả năng bị hạn nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, không để đất trống.


Thu Hằng


Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục