(HBĐT) - Ở xóm Băn, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) có mô hình khởi nghiệp trồng ớt rừng do phụ nữ nghèo làm chủ. Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện về ý tưởng, nguồn quỹ duy trì sinh hoạt nhóm thường xuyên, tổ sản xuất ớt rừng xã Quyết Thắng đã đạt được dấu ấn thành công trong năm 2019, khi xuất sắc vượt qua vòng loại gần 1.000 ý tưởng toàn quốc, lọt top 35 ý tưởng cấp T.Ư được hỗ trợ vốn khởi nghiệp.
Mô hình trồng ớt của nhóm phụ nữ khởi nghiệp xóm Băn, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho kinh tế hộ.
Chị Bùi Thị Thu Hà, tổ trưởng tổ sản xuất ớt xóm Băn cho biết: Tổ sản xuất có 15 thành viên, đều là phụ nữ nghèo. Trước đây, việc trồng ớt chỉ manh mún, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Từ khi xây dựng ý tưởng đã tập hợp được những chị em cùng chung sở thích, mở rộng diện tích canh tác lên khoảng 2 ha ớt rừng, được trồng theo hướng hữu cơ. Về sau, nhờ có vốn hỗ trợ ý tưởng T.Ư cấp, tổ sản xuất được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, tập huấn khoa học kỹ thuật. Sản phẩm ớt rừng đặc sản sau khi thu hoạch chế biến theo công thức gia truyền của người Mường, được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng, nguồn cung hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước đây, chị Bùi Thị Hậu ở xóm Chiềng Vang 1, xã Tân Lập chăn nuôi 1.500 con gà, gồm cả gà thịt và gà đẻ trứng. Tháng 4/2019, chị tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện với ý tưởng chăn nuôi gà kết hợp nuôi giun quế, nhằm tạo thêm việc làm cho lao động và tăng nguồn thu nhập. Ý tưởng của chị Hậu đã đạt giải thưởng cấp huyện, được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ Hội. Một số trường hợp phụ nữ nghèo khác được hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp như: chị Bùi Thị Dưng, xóm Đôm Hạ, xã Quyết Thắng, với mô hình chăn nuôi lợn thịt; chị Bùi Thị Hà, xóm Bai Vớn, xã Quyết Thắng với mô hình nuôi bò sinh sản. Cả 2 ý tưởng trên đều được hỗ trợ với mức 10 triệu đồng.
Theo đồng chí Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện, chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đang được khởi động rất tốt, có ý nghĩa thiết thực đối với chị em phụ nữ nghèo. Thông qua hỗ trợ xây dựng ý tưởng, tổ chức thi ý tưởng khởi nghiệp đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên toàn Hội. Năm 2019, Hội đã chọn được 18 ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ vốn từ nguồn dự án. Bên cạnh đó, Hội còn tự nguyện để lại phần "hoa hồng" từ nguồn ngân hàng ủy thác cho vay, để tạo thêm nguồn quỹ đạt 100 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo thực hiện ý tưởng. Đến nay, tổng nguồn vốn cho phụ nữ vay khởi nghiệp là 500 triệu đồng. Hội đã triển khai cho 50 hội viên vay, mức vay bình quân 10 triệu đồng/ý tưởng. Trong đó, có 1 ý tưởng được vay mức 50 triệu đồng, 1 ý tưởng được vay mức 30 triệu đồng, còn lại được vay mức 5 - 10 triệu đồng tùy theo nhu cầu hỗ trợ.
Toàn Hội hiện có trên 200 chi hội, tổng số 37.000 hội viên, còn trên 1.000 hộ hội viên nghèo. Với việc quản lý, đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đã giúp hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo thực hiện hiệu quả ý tưởng, góp phần phát triển kinh tế hộ, cải thiện thu nhập, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ. Ngoài ra, Hội hỗ trợ 3 HTX do phụ nữ làm chủ, trong đó, hỗ trợ thành lập và ra mắt HTX chăn nuôi gà đồi của chị Bùi Thị Sa, xóm Đảng, xã Quyết Thắng đang hoạt động tích cực với tổng số 25 thành viên; HTX mây tre đan của chị Bùi Thị Sành, xóm Bui, xã Nhân Nghĩa tạo việc làm cho 50 lao động; hỗ trợ tập huấn, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho HTX gà đồi Hương Nhượng do chị Quách Thị Hòa làm chủ.
Bùi Minh
(HBĐT) - Thực hiện chương trình tư vấn và truyền thông về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh vừa phối hợp với các ban, ngành huyện Đà Bắc tổ chức tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chợ Mường Chiềng, xã Mường Chiềng.
(HBĐT) - Ông Bùi Văn Nhưng không chỉ được biết đến là người đầu tiên đưa thành công mô hình quả thanh long cho năng suất cao về xóm Thóng, xã Bình Cảng - nay là xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, mà ông còn thành công cả với mô hình nuôi gà, thả cá…
(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Kim Bôi đã quy hoạch phát triển sản xuất theo vùng, chú trọng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
(HBĐT) - Sau nhiều năm đứng ở nhóm tương đối thấp và trung bình trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2019, lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình vươn lên nhóm khá. Tuy vị trí xếp hạng vẫn đứng thứ 48, bằng năm 2018, nhưng tỉnh đã có sự cải thiện về điểm số với 63.84 điểm (tăng hơn 2 điểm so với năm 2018), nhất là có những chỉ số thành phần tăng điểm đáng kể.
(HBĐT) - Dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL 12B đi QL 1 được khởi công ngày 28/11/2017, đi qua địa bàn 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, có tổng chiều dài 30 km, điểm đầu tuyến giao với đường Hồ Chí Minh tại km 479+300 thuộc địa phận xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), điểm cuối tuyến giao với QL 12B tại km 67+100, thuộc địa phận thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Dự án có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, tuyến đường được hoàn thành đưa vào sử dụng sau 24 tháng (cuối năm 2018).