Đánh giá kết quả Chỉ số PCI 2019: Từng sở, ngành, địa phương phải cố gắng nhiều hơn
Thứ năm, 14/5/2020 | 3:24:32 Chiều
(HBĐT) - Ngày 14/5, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo (BCĐ) cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình để đánh giá chỉ số PCI năm 2019. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Năm 2019, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 63,84 điểm, là năm có điểm số cao nhất từ trước đến nay, được xếp vào nhóm điều hành khá và xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố. So với năm 2018, có 5 chỉ số thành phần tăng điểm và tăng thứ hạng, gồm: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động. 2 chỉ số thành phần tăng điểm nhưng giảm thứ hạng (chi phí thời gian, thiết chế pháp lý và ANTT); 3 chỉ số thành phần giảm điểm và giảm thứ hạng (gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
So với mục tiêu kế hoạch năm 2018 đề ra tại Quyết định số 02, ngày 2/1/2019 của UBND tỉnh thì điểm số chỉ số PCI tăng 2,11 điểm và 3 chỉ số thành phần (chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động) đạt mục tiêu kế hoạch, còn 7 chỉ tiêu thành phần chưa đạt mục tiêu.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với chỉ số thành phần và những chỉ tiêu bị đánh giá kém như: Gia nhập thị trường, tính minh bạch; việc ứng dụng CNTT vào thủ tục đăng ký DN; nhiều DN còn đánh giá cán bộ chưa am hiểu chuyên môn khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). DN phản ánh tỉnh giải phóng mặt bằng chậm; việc cung cấp thông tin về đất đai của các cơ quan Nhà nước chậm chạp; thiếu quỹ đất sạch... Theo đó, các đại biểu cho rằng cần phải rút ngắn thời gian "cấp giấy phép con"; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ giải quyết các TTHC cho DN đối với chỉ số gia nhập thị trường. Đồng thời, cần công khai, minh bạch hơn nữa, đa dạng kênh thông tin các quy hoạch, kế hoạch do cơ quan mình quản lý, nhất là các quy hoạch xây dựng đối với chỉ số tính minh bạch...
Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Theo đánh giá của DN, nhiều chỉ số tỉnh ta chưa đạt nên từng ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Đặc biệt triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch chung cũng như quy hoạch lòng hồ sông Đà, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất (SDĐ). Sở Tài chính nghiên cứu ưu tiên nguồn lực để thuê tư vấn thực hiện kịp thời công tác này. Đối với các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện quy hoạch SDĐ, trong đó quan tâm cập nhật các dự án để thực hiện quy hoạch đảm bảo phù hợp, chất lượng, thúc đẩy thu hút đầu tư. Sở Tài chính, Sở KH&ĐT quan tâm tạo quỹ đất sạch, tuy nhiên phải theo nhu cầu thực tế của nhà đầu tư.
Đối với từng chỉ số cụ thể, nhất là chỉ số gia nhập thị trường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng sở, ngành nghiên cứu, chẻ nhỏ phân tích từng mục tiêu để quy rõ trách nhiệm, từ đó có hướng phấn đấu, mục đích chung là nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Với chỉ số Tính minh bạch, cần cung cấp công khai các thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai cũng như các văn bản pháp lý để các DN nắm bắt.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Trong công tác thanh tra đối với DN cần có kế hoạch cụ thể, phối hợp giữa các ngành để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Về tính năng động, cần quan tâm luân chuyển cán bộ, lựa chọn những người có năng lực, trình độ, có tâm, có tầm trong giải quyết công việc với DN. Lãnh đạo các sở, ngành phải quan tâm văn bản đi, văn bản đến để kiểm soát các thủ tục, nắm chắc và sát sao các phần việc để có sự chỉ đạo sát, đúng…
(HBĐT) - Ở xóm Băn, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) có mô hình khởi nghiệp trồng ớt rừng do phụ nữ nghèo làm chủ. Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện về ý tưởng, nguồn quỹ duy trì sinh hoạt nhóm thường xuyên, tổ sản xuất ớt rừng xã Quyết Thắng đã đạt được dấu ấn thành công trong năm 2019, khi xuất sắc vượt qua vòng loại gần 1.000 ý tưởng toàn quốc, lọt top 35 ý tưởng cấp T.Ư được hỗ trợ vốn khởi nghiệp.
(HBĐT) - Không ngại khó, ngại khổ, ngại thất bại, những người lính rời quân ngũ về với cuộc sống đời thường tại xã Thanh Hối (Tân Lạc) luôn gương mẫu, tiên phong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả được hội viên Hội cựu Cựu chiến binh (CCB) trong xã chia sẻ, nhân rộng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống gia đình hội viên; tăng số lượng gia đình hội viên giàu, khá. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên Hội CCB xã chỉ chiếm 0,46% (2/430 hộ).
(HBĐT) - Thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, góp phần tăng giá trị sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội Nông dân xã Yên Mông (TP Hòa Bình), chúng tôi đến tìm hiểu mô hình nuôi đà điểu của gia đình anh Phan Sỹ Hải, xóm Mỵ. Đây là người tiên phong nuôi giống "gà khổng lồ” trên địa bàn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Bước đầu mô hình cho hiệu quả khả quan, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Yên Mông.
Chiều 12/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, NHNN đã ban hành các quyết định giảm hàng loạt lãi suất điều hành 0,5%, nhằm gỡ khó cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các quyết định giảm lãi đều có hiệu lực từ ngày 13/5.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình tư vấn và truyền thông về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh vừa phối hợp với các ban, ngành huyện Đà Bắc tổ chức tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chợ Mường Chiềng, xã Mường Chiềng.