(HBĐT) - Theo Đề án quy hoạch phát triển CN – TTCN giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2669, ngày 9/12/2015, đến năm 2020, tỉnh ta quy hoạch 21 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 663,4 ha. Hiện nay, có 15 CCN trong quy hoạch đã được UBND tỉnh quyết định thành lập và lập quy hoạch chi tiết 1/500, với tổng diện tích 361,885 ha.

 


Cụm công nghiệp Khoang U trên địa bàn xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) đang được khẩn trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển KT-XH ở địa phương, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã có sự điều chỉnh. Ngoài việc mở rộng, bổ sung vào quy hoạch một số CCN, thì CCN Hòa Sơn, CCN và dịch vụ Vitaco (Lương Sơn) đã có ý kiến của Bộ Công Thương thỏa thuận với UBND tỉnh, đồng ý rút ra khỏi quy hoạch, để nhà đầu tư chuyển sang mục tiêu xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại. CCN Phong Phú (Tân Lạc) đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, được đề xuất thành lập và giao chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.

Hiện tại, trong tỉnh có 8 CCN đang triển khai đầu tư hạ tầng, với tổng diện tích đất khoảng 315,905 ha, gồm: Khoang U (Lạc Sơn); Phú Thành II, Đồng Tâm (Lạc Thủy); Chiềng Châu (Mai Châu); Trung Mường, Yên Mông, Chăm Mát - Dân Chủ (TP Hòa Bình). Các CCN còn lại chưa được triển khai. Có 6 CCN tại các huyện: Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu đã đi vào hoạt động, thu hút 12 dự án thứ cấp đầu tư SX-KD, với tổng diện tích đã cho thuê 43,22 ha. Các dự án tạo việc làm cho hơn 700 lao động địa phương. Trong 6 CCN này, mới có 1 cụm xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng chính như: giao thông nội bộ, hệ thống điện, chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải tập trung. 3 CCN đang trong giai đoạn xây dựng, hoặc hoàn thiện các hạng mục. 2 CCN hoạt động nhưng chưa có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, ngoài CCN Chiềng Châu tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; CCN Thanh Nông (Lạc Thủy) đạt 52,24%, các CCN còn lại đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là CCN An Bình (Lạc Thủy), Đông Lai - Thanh Hối (Tân Lạc), tỷ lệ lấp đầy đều dưới 10%.

Những năm qua, việc triển khai xây dựng các CCN đảm bảo thực hiện theo quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu, tạo ra môi trường về mặt bằng để phát triển, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài địa phương, từng bước thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các CCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, các CCN không chỉ là động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, mà còn tác động rộng rãi tới nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, việc hình thành các CCN đã hỗ trợ giải quyết mặt bằng sản xuất, tách sản xuất ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư. Số lượng dự án đầu tư thứ cấp đăng ký tại CCN đã tăng lên, điển hình một số dự án có quy mô vốn, diện tích thuê đất lớn tại các CCN cơ bản được đầu tư hạ tầng như: CCN Chiềng Châu và Phú Thành II.

Tuy đã đạt kết quả nhất định, song việc thu hút đầu tư hạ tầng CCN, thu hút đầu tư dự án trong các CCN còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hạ tầng, cũng như đầu tư SX-KD. Mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 67, ngày 8/12/2017 về chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng có văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện, nhưng vẫn chưa có CCN nào được nhận hỗ trợ. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư gặp vướng mắc, nên làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng. Hầu hết các CCN trong tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ với cơ sở hạ tầng xã hội; cơ sở hạ tầng xã hội cũng chưa được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ với phát triển các CCN. Ngoài ra, tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số CCN của các nhà đầu tư rất chậm, làm ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư.

Về khó khăn thu hút đầu tư vào CCN, đồng chí Nguyễn    Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Trên địa bàn huyện có CCN Hào Lý được tỉnh quy hoạch từ năm 2007, trong nhiều năm có rất ít nhà đầu tư quan tâm, nhưng hiện nay có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu. Song cái khó là tuy đã được quy hoạch từ lâu nhưng lại chưa được cắm mốc nên chính quyền địa phương đã cấp đất cho người dân tới vài chục hộ. Giải quyết vấn đề này đang là trăn trở của huyện, phải làm như thế nào khi các nhà đầu tư rất quan tâm đến khu vực này. Hiện nay, Sở Công Thương đã giới thiệu nhà đầu tư vào CCN. Huyện cũng đang có dự án sản xuất hàng may mặc với đối tác Hàn Quốc nhưng rất khó để đưa vào vì liên quan đến vấn đề đất đai đã cấp cho Nhân dân. Điều này đã phần nào ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của huyện.

Trước những khó khăn, thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, lợi ích lâu dài của việc phát triển CCN, bởi đây là yếu tố quan trọng với phát triển KT-XH bền vững của tỉnh. Rà soát, đề xuất, phối hợp, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư phát triển các CCN… Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp tiếp tục rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển các CCN, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các CCN, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, thu hút đầu tư; bố trí quỹ đất xây dưng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ, các công trình phụ trợ, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân các khu, CCN. Quản lý chặt chẽ quy hoạch các CCN, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong các CCN đã được quy hoạch…


Bình Giang

Các tin khác


Doanh nghiệp được vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động

(HBĐT) - Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đáng chú ý có nội dung người sử dụng lao động (NSDLĐ) có khó khăn về tài chính, được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0%, để trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ).

Dư nợ cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt trên 500 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, thực hiện chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 4/2020, doanh số cho vay đạt 46,5 tỷ đồng, cho 1.309 hộ vay vốn. Doanh số thu nợ trong tháng 4 đạt hơn 8,1 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm là 32,7 tỷ đồng.

Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công đường thành phố Hòa Bình - Bình Thanh 

(HBĐT) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội lớn khai thác tiềm năng, phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công đường TP Hòa Bình - Bình Thanh (Cao Phong) chậm, không đáp ứng yêu cầu tổ chức thi công để hoàn thành theo kế hoạch.

Nghị định 41 về gia hạn nộp thuế: Doanh nghiệp còn nhiều lo lắng

Nghị định 41/2020/NĐ-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), và tiền thuê đất đã thực hiện được hơn 1 tháng. Trước những khó khăn của dịch COVID-19, nghị định như liều thuốc cứu các DN đang ở trong "vũng lầy”. Tuy nhiên, không ít DN bày tỏ lo lắng về điều 4 nghị định này.

Đánh giá kết quả Chỉ số PCI 2019: Từng sở, ngành, địa phương phải cố gắng nhiều hơn

(HBĐT) - Ngày 14/5, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo (BCĐ) cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI) tỉnh Hòa Bình để đánh giá chỉ số PCI năm 2019. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

4 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.705 tỷ đồng

(HBĐT) - Những tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới đã làm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do sản phẩm tiêu thụ chậm và khó tiêu thụ, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, khan hiếm, chi phí sản xuất, giá thành cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục