Nghị định 41/2020/NĐ-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), và tiền thuê đất đã thực hiện được hơn 1 tháng. Trước những khó khăn của dịch COVID-19, nghị định như liều thuốc cứu các DN đang ở trong "vũng lầy”. Tuy nhiên, không ít DN bày tỏ lo lắng về điều 4 nghị định này.
Doanh nghiệp vẫn còn lo lắng về một số vấn đề trong gói giãn thuế 180.000 tỉ đồng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Theo đó, điều 4 quy định: "Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn…”. Do đó, DN nộp giấy đề nghị và cơ quan thuế không xác nhận, họ không biết phải như thế nào.
Những đề xuất "thần tốc”
Mới đây nhất, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện ngay từ đầu tháng 4.2020.
Nghị định này được xây dựng "thần tốc” và gói hỗ trợ liên tục được nâng từ 30.000 tỉ đồng lên 80.000 tỉ đồng và đến nay là khoảng 180.000 tỉ đồng. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập DN của DN; thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh và tiền thuê đất của các DN, tổ chức, cá nhân.
Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, với chính sách này, 98% tức khoảng 740.000 DN đang hoạt động và hầu hết hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất.
Theo Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính - Võ Thành Hưng, mặc dù giãn hoãn thuế không phải ngân sách "cho không” DN nhưng trong thời điểm này sẽ giúp DN có thêm dòng tiền để phục vụ các mục đích sản xuất, kinh doanh. "Giãn, hoãn thuế giúp tạo điều kiện cho các DN có thanh khoản. Tức là trong lúc luồng tiền vào của họ không có, họ không phải đi vay để nộp thuế, coi như ngân sách cho họ vay với lãi suất 0% trong 5 tháng. Đối với ngân sách Nhà nước, vì không thu được thuế nhưng vẫn phải chi nên Nhà nước sẽ phải đi vay sớm hơn, như vậy cũng sẽ phát sinh một phần chi phí lãi. Nhưng tựu chung lại, các khoản thuế phát sinh sẽ vẫn phải thu trong năm, vì vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách” - ông Võ Thành Hưng cho biết.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ một loạt giải pháp như nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập DN cho DN vừa và nhỏ xuống còn 15-17% từ ngày 1.7.2020 thay vì từ 1.1.2021 như lộ trình, miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh; sửa đổi biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi; sửa đổi các hỗ trợ cho DN xuất nhập khẩu…
Vẫn còn nhiều lo lắng
Các chính sách để DN vực dậy lúc này là rất tốt nhưng thực tế hiện nay vẫn có những chính sách khiến họ phải lo lắng. Không ít DN bày tỏ lo lắng về điều 4 Nghị định 41 khi quy định: "Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn bảo đảm đúng đối tượng được gia hạn theo nghị định này”.
Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai cho rằng, với quy định này, khi DN nộp giấy đề nghị và cơ quan thuế không xác nhận, họ không biết phải như thế nào. "Giả định DN kê khai chưa chính xác thì sau này, khi thanh tra thuế hoặc kiểm toán, DN sẽ bị phạt. Vì vậy, đề nghị cơ quan thuế nên xem xét và có thông tin cho DN được biết có được chấp nhận gia hạn nộp thuế hay không” - Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai kiến nghị.
Đây cũng là vấn đề khiến Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) băn khoăn. VEIA cho hay, một số DN đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế, sau đó sẽ được giãn nộp thuế 5 tháng mà không cần cơ quan có văn bản chấp thuận. Một số DN khác lại phản ánh có rất nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp với DN của mình nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này. Hiệp hội dẫn ý kiến của Công ty Viettronics Bình Hòa cho rằng, Nghị định 41 vẫn còn chung chung, chưa có thông tư hướng dẫn nên DN không chắc có thuộc diện được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất hay không.
Công ty Viettronics Bình Hòa cũng bày tỏ lo ngại về việc cơ quan thuế không có thông báo chấp thuận việc gia hạn cho người nộp thuế. Nên có thể xảy ra trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra DN không thuộc đối tượng được gia hạn. Khi đó, DN buộc phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp. Vì vậy, VEIA kiến nghị Chính phủ thành lập một ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho DN, mở đường dây nóng để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ cộng đồng DN, người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một lãnh đạo Văn phòng Bộ Tài chính nói rằng, Nghị định 41 mới có hiệu lực hơn 1 tháng nên chưa thể đánh giá được.
Theo Báo Lao động
Dù giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn huy động tiền đồng dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang duy trì mức lãi suất tiết kiệm cao cho các kỳ hạn dài với mức cao nhất lên tới 9,2%/năm.
(HBĐT) - Ở xóm Băn, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) có mô hình khởi nghiệp trồng ớt rừng do phụ nữ nghèo làm chủ. Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện về ý tưởng, nguồn quỹ duy trì sinh hoạt nhóm thường xuyên, tổ sản xuất ớt rừng xã Quyết Thắng đã đạt được dấu ấn thành công trong năm 2019, khi xuất sắc vượt qua vòng loại gần 1.000 ý tưởng toàn quốc, lọt top 35 ý tưởng cấp T.Ư được hỗ trợ vốn khởi nghiệp.
(HBĐT) - Không ngại khó, ngại khổ, ngại thất bại, những người lính rời quân ngũ về với cuộc sống đời thường tại xã Thanh Hối (Tân Lạc) luôn gương mẫu, tiên phong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả được hội viên Hội cựu Cựu chiến binh (CCB) trong xã chia sẻ, nhân rộng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống gia đình hội viên; tăng số lượng gia đình hội viên giàu, khá. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên Hội CCB xã chỉ chiếm 0,46% (2/430 hộ).
(HBĐT) - Thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, góp phần tăng giá trị sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội Nông dân xã Yên Mông (TP Hòa Bình), chúng tôi đến tìm hiểu mô hình nuôi đà điểu của gia đình anh Phan Sỹ Hải, xóm Mỵ. Đây là người tiên phong nuôi giống "gà khổng lồ” trên địa bàn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Bước đầu mô hình cho hiệu quả khả quan, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Yên Mông.
Chiều 12/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, NHNN đã ban hành các quyết định giảm hàng loạt lãi suất điều hành 0,5%, nhằm gỡ khó cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các quyết định giảm lãi đều có hiệu lực từ ngày 13/5.