(HBĐT) - Đường 445 từ phường Kỳ Sơn đi Pheo Chẹ - Ba Vì (Hà Nội) qua các xã Thịnh Minh, Hợp Thành (TP Hòa Bình) xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến giao thương, thúc đẩy KT-XH.


Đoạn đường khắc phục trượt sạt km 3, đường 445 vẫn chưa hoàn thiện,khó khăn cho các phương tiện giao thông khi di chuyển.

Đường 445 nối từ quốc lộ 6 đi các xã ven sông vùng Phú Cường, thuộc TP Hòa Bình liên thông với tỉnh bạn, có vai trò hết sức quan trọng, thúc đẩy giao thương, dân sinh. Tuy nhiên, đi trên tuyến đường này là nỗi ám ảnh của người và phương tiện. Không tính khoảng 1 km được thảm nhựa bê tông dưới đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cả tuyến đường dài cỡ 16 km, từ phường Kỳ Sơn tới Pheo Chẹ đều trong tình trạng mặt đường bong tróc, gồ ghề, lồi lõm. Nhiều đoạn xấu tồi tệ như khu vực xóm Máy Giấy (cách quốc lộ 6 khoảng 3 - 4 km), mặt đường như chiếc áo rách, vá víu chằng chịt, lại có nhiều đoạn cua gấp, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Bà Nguyễn Thị Cơ nhà ở xã Hợp Thành, ngày nào cũng phải qua lại tuyến đường này cho biết: Qua Pheo Chẹ, hết khu vực tỉnh Hòa Bình sang Hà Nội mà chạnh lòng. Đường của họ thảm bê tông nhẵn lỳ, vừa êm, rộng. Còn khu vực địa phương mình, đường xấu, lồi lõm, đi vừa mất thời gian, lại nguy hiểm. Đi xe máy như đi ngựa, nếu không chắc tay là có thể lăn kềnh ra đường. Đã nhiều vụ tai nạn xảy ra. Mỗi lần người nhà có việc phải đi lại, lo ngay ngáy cả buổi. Cực chẳng đã khi phải đi trên con đường này.

Đúng là, đường 445 như người già đã yếu, lại phải cõng nặng. Những người dân tổ 11, phường Kỳ Sơn than thở: Đường xấu nên Nhà nước cũng tổ chức duy tu, sửa chữa, vá víu. Nhưng do khai thác hàng chục năm, tình trạng đường cũng không được cải thiện. Đặc biệt, con đường này đang bị tàn phá bởi các xe chạy quá tải. Hàng ngày, hàng đêm, các loại xe chở quá tải, chở cát khai thác ở sông Đà. Xe hàng chục tấn chạy rung bần bật cả nhà, đường nào chịu nổi. Mà chẳng thấy ai kiểm soát. Xót của, xót đường của Nhà nước.

Mấy năm nay, thiên tai, mưa lũ cũng đã gây mất an toàn giao thông. Một số đoạn trên tuyến đã bị trượt sạt. Đặc biệt, năm 2018 khu vực xóm Máy Giấy đã xảy ra đứt đường dài hàng trăm mét, đường chảy xệ xuống sông, phải di dời khẩn cấp các hộ dân và cấm đường, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại. Một số khu vực dọc sông khác cũng đã bị trượt sạt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của con đường. Nhà nước cũng đã triển khai một số dự án, công trình cấp bách khắc phục, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến. Trong đó, đã tổ chức kè chắn máy ta luy dương, gia cố nền đường, khắc phục đứt đường hơn 100 m khu vực km 3, tổ 11. Kè chắn ta luy âm khắc phục bước đầu nguy cơ trượt sạt đường ở km 8; sửa chữa một số cầu yếu như Ngòi Mại, Ngòi Mới, để bảo đảm an toàn giao thông… Ông Phạm Đình Đề, tổ trưởng tổ 11, phường Kỳ Sơn cho biết: Nghe thông tin sẽ có dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tuyến đường, người dân rất mừng. Song chẳng biết khi nào thực hiện. Trước mắt, người dân mong muốn sớm sửa chữa, lấp vá ổ gà, ổ voi, hoàn thành những khu vực nền đường yếu, đặc biệt phải có sự kiểm soát chặt chẽ các phương tiện quá tải tàn phá nền đường vốn đã xuống cấp.


P.V

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục